08/08/2013 08:30 GMT+7

Thành công không đến từ giảng đường

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Họ thuộc hai thế hệ khác nhau (8X và 9X), có nhiều khác biệt trong lối sống, suy nghĩ, hoàn cảnh gia đình... nhưng lại gặp nhau ở điểm chung: tự tin bước vào đời không thông qua “tấm hộ chiếu” là bằng đại học.

m1PD4OHs.jpgPhóng to
Anh Nguyễn Ngọc Hiếu - Ảnh: CÔNG NHẬT

“Mọi người từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào tôi, ngay bản thân tôi từ nhỏ cũng dự định sẽ thi vào một trường ĐH có tiếng. Nhưng thời gian trôi qua, suy nghĩ trong tôi thay đổi dần...”, bạn Lê Thị Bích Ngà (sinh 1994, cựu HS Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) nhớ lại.

Quyết định gây sốc

Liên tục là học sinh giỏi nhất lớp suốt thời phổ thông với điểm số trung bình 9,6, Bích Ngà từng được nhiều người tin chắc sẽ đậu vào một ĐH lớn và mang tiếng vang về cho trường. Tuy nhiên, thời điểm làm hồ sơ thi ĐH, Bích Ngà lại đăng ký vào hệ cao đẳng Trường SaigonTech trong khi bạn bè cùng lớp chọn 12A1 (niên khóa 2009-2012) đều nhắm vào các trường ĐH lớn như Bách khoa, Y dược...

“Tôi chọn suất học bổng tại SaigonTech phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì tôi tin nếu cố gắng thì học ở đâu cũng đều tốt cho bản thân”, Bích Ngà chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Hiếu (1982, CEO Công ty Skynet) hiện là gương mặt có tiếng trong giới công nghệ thông tin tại TP.HCM. Từng đảm nhận vị trí lãnh đạo ở nhiều công ty, tập đoàn lớn như: VON, Y&R, Ringier (Thụy Sĩ)... nhưng anh lại chưa từng học ĐH. “Được tiếp xúc vi tính từ lớp 7 và đi làm từ lớp 11, tôi nhận ra mình đam mê máy tính nên chỉ muốn làm trong lĩnh vực này. Mặt khác, tôi muốn sớm kiếm tiền để tự lo cho bản thân vì gia đình không khá giả. Tôi làm hồ sơ nhưng bỏ thi ĐH”, anh nhớ lại. Và khi bạn bè háo hức trở thành tân sinh viên thì anh chấp nhận làm nhân viên trông coi, lắp ráp tại một tiệm Internet nhỏ.

mjpXoO4l.jpgPhóng to
Lê Thị Bích Ngà (trái) và bạn - Ảnh: CÔNG NHẬT

Khó khăn tiếp thêm bản lĩnh

Thời gian đầu đi làm khi chỉ có tấm bằng tốt nghiệp cấp III lận lưng, Ngọc Hiếu gặp muôn vàn thử thách: “Tôi phải nhận mức lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp cùng vị trí dù mình làm việc nhiều và hiệu quả hơn”. Và theo anh, tình trạng phân biệt bằng cấp không chỉ xảy ra ở doanh nghiệp VN. “Tôi từng bị một tập đoàn lớn nước ngoài từ chối tuyển vào vị trí lãnh đạo của công ty dù tôi được đánh giá cao sau các vòng phỏng vấn”, anh chia sẻ. Không nản lòng, anh miệt mài làm việc, học hỏi và những cố gắng của anh dần được ghi nhận. “Dường như chính việc không có bằng ĐH khiến ý chí vượt qua khó khăn, động lực vươn lên trong tôi mạnh mẽ hơn”, anh cho biết.

Nhìn lại, anh Ngọc Hiếu khẳng định chưa từng hối hận về quyết định không vào ĐH ngày nào. “Nếu có dịp, tôi vẫn muốn bước chân vào giảng đường ĐH bởi đó là một trải nghiệm tôi không muốn bỏ lỡ trong đời, dĩ nhiên để học những kiến thức mình hứng thú. Còn mục tiêu sau cùng của tôi cũng như bất kỳ ai là được làm công việc mình say mê, đó mới là hạnh phúc lâu dài và nền tảng cho những thành quả ý nghĩa”, vị giám đốc 8X của Công ty Skynet và từng làm giảng viên cho một số chương trình ĐH, cao học nước ngoài nhìn nhận. Anh cho rằng mỗi người đều có một con đường phù hợp để đi đến thành công, và ĐH không phải là lựa chọn duy nhất.

Đồng quan điểm với anh Ngọc Hiếu, cô bạn 9X Bích Ngà cho rằng ĐH không là hướng đi duy nhất dẫn đến thành công, bởi: “Ngày nay các nhà tuyển dụng có yêu cầu rất khắt khe về khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm... chứ không chỉ tập trung soi xét tấm bằng. Trường học chỉ mang đến cho chúng ta nền tảng ban đầu, sự nỗ lực của bản thân mới là quan trọng nhất”. Bích Ngà thậm chí cho rằng chính nhờ quyết định trên mà bản thân hiện tự tin, hoàn thiện hơn vì: “Ở môi trường hiện tại, tôi khám phá được những khía cạnh khác của mình. Tôi tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, và có thời gian bổ sung những kỹ năng còn thiếu...”.

Phản hồi của bạn đọc sau bài viết “Khi giảng đường trở nên xa vời”(TT ngày 7-8-2013):

Chúng tôi không quan tâm “bạn tốt nghiệp với bằng gì?”

Ra trường và đi làm được vài năm, tôi thấy đúng là xã hội chúng ta vẫn còn đặt nặng vấn đề về bằng cấp dù ai cũng nói rằng năng lực là điều quan trọng nhất. Ngay chính tôi ban đầu cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi quan điểm đó nên khi điều hành công ty riêng, tôi cũng thường ưu ái các ứng viên đến từ những trường tốp đầu như: Bách khoa, Tự nhiên... hơn các trường khác hay trường nghề... bởi đơn giản cho rằng “đầu vào tốt = tư duy tốt”. Tuy nhiên thực tế, theo quan sát của tôi, có những bạn học trường rất bình thường, trường nghề nhưng do được học đúng ngành yêu thích, đúng môi trường phù hợp năng lực... nên kết quả cuối cùng lại vượt trội. Do đó đứng trên quan điểm nhà tuyển dụng, tôi cũng như nhiều quản lý khác thường chỉ muốn biết “bạn làm được gì cho tôi?” hơn là “bạn tốt nghiệp với tấm bằng gì?”.

NGUYỄN HỮU QUANG (25 tuổi, phó giám đốc Công ty Exe)

Vào ĐH tưởng được nhưng hóa ra mất!

Do tác động từ những thế hệ trước với tư duy có phần bảo thủ, nhiều bạn trẻ có quan điểm ĐH là con đường duy nhất để đạt được thành công trong cuộc sống. Cá nhân tôi đi làm mới thấy kinh nghiệm, khả năng làm được việc là điều quan trọng, thậm chí cần thiết hơn bằng cấp. Vì vậy nếu chắc chắn điều kiện bản thân phù hợp với môi trường ĐH, bạn hãy nên thử sức với lựa chọn này. Còn nếu không thì trường nghề, cao đẳng cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.

Rất nhiều bạn của tôi học ĐH xong hiện vẫn chưa kiếm được công việc tốt. Lý do: chỉ chăm học lý thuyết mà không biết cách áp dụng vào thực tế, thiếu kỹ năng giao tiếp. Trong khi đó, kiến thức đến từ nhà trường phần lớn không được cập nhật kịp thời với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, việc chỉ muốn bằng mọi giá để vào được ĐH, để rồi có chỗ làm hấp dẫn, lương cao... tưởng được nhưng thật ra lại mất nhiều nếu không cố gắng trải nghiệm thực tế, rèn luyện thêm kỹ năng - những điều có thể làm tốt ở ngoài môi trường ĐH.

NGUYỄN ANH TUẤN (24 tuổi, làm việc tại 123.vn)

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên