16/12/2014 09:02 GMT+7

​Thành công không đến dễ dàng

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Hai cựu du học sinh Singapore Nguyễn Ðông Phương (sinh 1984) và Ðào Thùy Linh (sinh 1986) đã trải qua nhiều sóng gió trước khi có được chuỗi ba nhà hàng Ếch Xanh tại TP.HCM.

Linh (bìa trái) và Phương (bìa phải) hướng dẫn nhân viên cách làm ếch - Ảnh: C.Nhật

Ếch Xanh đang nhận được nhiều lời đề nghị nhượng quyền thương hiệu từ trong và ngoài nước...

Từ quản lý thành... giữ xe!

“Chúng tôi quen nhau khi cả hai cùng làm việc tại trung tâm thương mại VivoCity (Singapore). Lúc đó Linh làm trợ lý ở một nhà hàng năm sao, còn tôi là quản lý một siêu thị điện máy Nhật” - Phương kể.

Một thời gian sau, Phương và Linh quyết định về nước khởi nghiệp vì: “Cuộc sống lúc đó an nhàn quá, chúng tôi muốn được lăn xả nhiều hơn, muốn làm một cái gì đó của riêng mình, điều sẽ rất tốn kém ở Singapore. Loay hoay với nhiều ý tưởng, cuối cùng chúng tôi chọn mở quán bình dân bán các món ăn từ thịt ếch, đây là thế mạnh của Linh”.

Nhìn lại những sóng gió đã qua, cả hai cho rằng đó là điều bản thân phải hàm ơn. “Chúng tôi có được những bài học quý giá không tìm thấy trong sách vở. Biết chịu khó học hỏi, tìm hiểu để xác định đúng đối tượng khách hàng tiềm năng, biết cái giá của sự háo thắng, quá tự tin để sở thích lấn át mọi thứ” - hai bạn mỉm cười.

Quyết định này vấp phải phản ứng quyết liệt từ gia đình hai bên: “Cha mẹ cho con đi du học để về bán quán à? Nghĩ sao lại bỏ công việc tốt, lương cao bên kia?”...

Nhưng Phương và Linh vẫn quyết định mướn mặt bằng mở quán với số vốn 100 triệu đồng tích cóp được.

Tháng 4-2009, quán Ếch Xanh đầu tiên ra đời tại đường Lê Thị Riêng (Q.1). Quán 45m2, có tổng cộng tám bàn và... bốn nhân viên (đã gồm cả Phương và Linh)!

“Chúng tôi chỉ mở từ chiều đến khuya vì ban ngày quán nóng chảy mỡ” - Phương nhớ lại. Công việc cực nhọc, sụt gần 10kg trong vài tuần nhưng Linh càng làm càng mê.

Những khi quán vắng khách, mọi người lại tranh thủ đến các cao ốc, sân khấu... để phát tờ rơi, chuyện bị bảo vệ các nơi xua đuổi diễn ra như cơm bữa! Mỗi lần đến quán, chứng kiến cảnh con trai chưa từng đụng tay vào việc nhà giờ làm phục vụ, giữ xe là cha mẹ Phương lại thở dài, xót xa.

“Từng làm việc cho công ty Nhật, tôi thấy lãnh đạo của họ luôn là người chăm chỉ nhất, chẳng nề hà việc lớn nhỏ. Tôi học được rằng miễn mình lao động lương thiện thì không có việc gì phải xấu hổ” - Phương chia sẻ cảm xúc.

Nhờ đánh vào thị trường riêng biệt, lợi nhuận quán tăng đều. Năm 2010, thừa thắng xông lên, Phương và Linh ra một quyết định táo bạo: đi mượn tiền để dời quán sang mặt bằng mới - một tòa nhà 5 tầng tại đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1), chuyển sang kinh doanh mô hình nhà hàng cao cấp với các món Việt, Thái... ngoài món ếch truyền thống.

Bán xe trả nợ

“Ðó là khoảng thời gian kinh khủng nhất” - Phương và Linh khẳng định. Hợp đồng mướn nhà ba năm, lượng nhân viên đông, chi phí sửa sang và thuê đầu bếp nước ngoài vô cùng tốn kém... nhưng lượng khách hẩm hiu đến mức Linh nhiều lần trốn trong bếp khóc thầm, không dám bước ra sảnh nhìn.

“Mỗi ngày mở mắt ra là chúng tôi lại hoảng loạn với câu hỏi: làm sao kiếm đủ để trả 2.000USD mỗi tháng tiền mặt bằng, rồi tiền lương nhân viên, tiền đi mượn... Có lúc chúng tôi phải bán cả chiếc xe đang đi để kịp trả lương cho nhân viên” - Phương cho biết.

Cầm cự được sáu tháng thì cả hai đi gặp chủ nhà. “Kiếm được người thuê với giá tương đương thì sẽ trả lại 4.000USD tiền đặt cọc” - chủ nhà nêu giải pháp. Thời điểm này Phương gầy rộc, sụt 4kg trong hai tuần vì vừa lo việc kinh doanh thua lỗ, vừa phải gấp rút kiếm người thuê mặt bằng hiện tại, đi tìm mặt bằng mới...

Mọi chuyện cuối cùng cũng ổn thỏa, Ếch Xanh dời sang mặt bằng nhỏ chỉ có một tầng và quay lại mô hình bình dân.

“Chúng tôi gần như trở về số 0 nhưng rút được bài học về việc chỉ nên tập trung vào món ếch thay vì kinh doanh dàn trải, và món ếch không phù hợp với không gian cao cấp. Lúc đó mới thấm thía câu nói từ vị sếp cũ: “Một người cao cấp có thể đi ăn quán bình dân, còn khách bình dân không bao giờ đi ăn quán cao cấp” - Linh kể.

Việc kinh doanh tiến triển tốt trở lại, nợ nần dần được trả hết. Những tưởng mọi thứ đã suôn sẻ, Phương và Linh lại vướng phải một sai lầm khác.

“Cả hai mở thêm một nhà hàng tương tự tại Biên Hòa. Lượng khách hàng ổn định nhưng chất lượng thức ăn, phục vụ... không được đảm bảo do quán thiếu sự quản lý sát sao. Có khi 2g sáng phải chạy về Biên Hòa vì nhân viên nhậu nhẹt, ẩu đả. Cuối cùng chúng tôi đành cắn răng đóng cửa chi nhánh đó” - Phương chia sẻ.

Hồi sinh ngoạn mục!

Từ 2011 đến nay, Ếch Xanh đã phát triển thành chuỗi ba nhà hàng tại TP.HCM, trở thành thương hiệu phổ biến khi nhắc đến các món ăn từ ếch.

“Mỗi tháng tiêu thụ 3-4 tấn ếch tươi, chúng tôi vừa xây xong trang trại để sau này có thể tự cung tự cấp và đảm bảo vệ sinh. Doanh số chi tiết không thể tiết lộ nhưng con số là hàng tỉ. Quan trọng hơn, gia đình đã hoàn toàn tin tưởng chúng tôi” - Phương và Linh chia sẻ. Linh cũng thường xuyên được mời hướng dẫn một số chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình.

Phải chăng mọi thứ đã đi vào guồng ổn định? Linh cho biết tuy hiện công việc đã bớt vất vả nhưng đặc thù của kinh doanh ngành ăn uống là không bao giờ nhàn, vẫn luôn đầy rủi ro.

“Chẳng hạn như việc phải đào tạo và giữ chân 60 nhân viên phục vụ, đầu bếp như thế nào? Phát triển thực đơn ra sao để thu hút khách? Nên hay không nên gật đầu trước những lời đề nghị nhượng quyền thương hiệu khi bài học chi nhánh ở Biên Hòa vẫn khiến chúng tôi ám ảnh?” - Linh bộc bạch.

Và cả hai cho biết giải pháp họ đang hướng đến: xây dựng một môi trường ẩm thực thân thiện giữa chủ - nhân viên- khách. “Nói chung mở quán mà có cái tâm thì mọi người sẽ không bao giờ phụ mình” - hai bạn khẳng định.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên