02/11/2005 06:23 GMT+7

Thành cổ Quảng Trị - ngày hôm qua bi tráng...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Cầu truyền hình “Một thời hoa lửa” chỉ diễn ra trong 3 giờ đồng hồ nhưng đã nối mạch một hành trình dằng dặc hơn 30 năm cho anh em tìm về, khóc cười, mừng tủi...

2Jl33IZG.jpgPhóng to
Trần Phương Thạc - người lính Thành cổ năm xưa - Ảnh tư liệu

Trong mưa rét cuối tháng mười của Quảng Trị, những cựu chiến binh của chiến trường Thành cổ 33 năm về trước đã đùa với nhau trong đêm truyền hình trực tiếp chương trình “Một thời hoa lửa”: Hơn 30 năm rồi mới có một trận “thủy chiến” thế này!

Ngày xưa bám trụ chiến đấu tại Thành cổ cũng có những trận mưa ngập cả hầm hào, nhiều ngày liền anh em dầm mình trong nước bạc. Cầu truyền hình “Một thời hoa lửa” chỉ diễn ra trong 3 giờ đồng hồ nhưng đã nối mạch một hành trình dằng dặc hơn 30 năm cho anh em tìm về, khóc cười, mừng tủi...

Cuộc trùng phùng của “lửa và hoa”

Đại tá Đào Đức Quy, hiện công tác tại Học viện Chính trị quân sự, vốn là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhập ngũ ngày 6-9-1971, ngày mà có một thế hệ với hàng ngàn sinh viên Hà Nội tài hoa lên đường (liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc có nhắc trong những dòng nhật ký). Ông Quy vào lại chiến trường Thành cổ lần này với hi vọng tìm lại những đồng đội một thời.

Vậy mà có những đồng đội của ông đi cùng chuyến này, trên cùng đoàn xe hành quân vào Thành cổ nhưng suýt không gặp được nhau. Sáng 1-11, ông Quy khi về đến Hà Nội đã gọi điện kể với tôi rằng sau đêm “Một thời hoa lửa”, sáng sớm 31-10 rời Quảng Trị, đoàn xe đưa các cựu binh quay ra Bắc, tới thành phố Vinh ông mới gặp được ông Chung, một đồng đội cũ sau mấy ngày mỏi mắt tìm nhau. Hai anh em ôm nhau khóc òa.

Hơn 30 năm trước, cũng tại chiến trường Thành cổ, ông gặp lại một người bạn tên Liêm trước cùng học Trường chuyên Lê Hồng Phong tỉnh Nam Định. Liêm là con trai chị Tư Huỳnh (người miền Nam ra) - nguyên mẫu của chị Tư Hậu trong tiểu thuyết Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái, tức nhà văn Anh Đức; sau này dựng thành bộ phim Chị Tư Hậu.

Anh Liêm vào chiến trường khi đang là sinh viên bách khoa. Hai người bạn gặp nhau vài phút giữa hai trận đánh rồi Liêm vội cõng một người thương binh bị pháo tiện đứt đôi chân đến tận bẹn rời khu tập kết. Và rồi những trận đánh cứ cuốn nhau đi. May mắn Liêm bạn anh đã trở về sau cuộc chiến.

Đại tá Đào Duy Nhất, ngày ấy là chính ủy trung đoàn 9, sư đoàn 304, giờ đây lặng người bên đài tưởng niệm các chiến sĩ trung đội Mai Quốc Ca, trung đội của những người lính trung đoàn 9 của ông năm xưa. Hai mươi người lính đã ngã xuống khi bảo vệ đầu cầu Thạch Hãn, giờ đây nơi đầu cầu ấy một đài tưởng niệm được dựng lên với biểu tượng mỗi người lính mang hình ảnh một quả tim, một giọt máu đập trên những nhịp cầu bắc qua dòng sông lửa năm xưa.

dryddGKs.jpgPhóng to
Bia tưởng niệm SV - Ảnh: Lê Đức Dục

Lòng biết ơn và sự tưởng niệm với lịch sử đã thể hiện qua ý tưởng của các sinh viên: một quãng đê với tên mỗi liệt sĩ Thành cổ được khắc lên mỗi viên đá, mỗi trường đại học có một bức tường khắc tên những cựu sinh viên đã hi sinh trong những năm tháng vệ quốc, chọn ngày đầu tiên trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ để hằng năm làm ngày tưởng niệm riêng về chiến dịch Thành cổ, lập một website về Thành cổ Quảng Trị để kể về quá khứ và cũng để các cựu binh liên lạc, tìm kiếm thông tin...

Trong số những người về lại Thành cổ có người không là cựu binh nhưng câu chuyện mang theo về thật xúc động. Chị Hoàng Phương Trang, công tác ở Hội Khoa học lịch sử VN, mang về Quảng Trị nhiều kỷ vật mà chồng chị, một người lính Quảng Trị, để lại.

Tên người chồng thân yêu của chị rất nhiều người Quảng Trị biết đến: Trần Phương Thạc, vị chủ tịch ủy ban quân quản Đông Hà năm 1972, sau này là bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của Quảng Trị sau ngày giải phóng.

Nhưng ít ai biết anh Thạc là một trong số những thanh niên đầu tiên từ Hà Nội vào chiến trường này. Năm 1964, anh đang là phó bí thư Quận đoàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), vào Quảng Trị sống, chiến đấu đến ngày hòa bình, cho đến ngày anh bị mất đột ngột khi đang công tác ở nước ngoài.

Chị Trang mang về tặng lại tỉnh Quảng Trị những tấm ảnh trong tư liệu của anh Trần Phương Thạc ngày ấy. Những bức ảnh chụp Thành cổ Quảng Trị hoang tàn ghê rợn sau chiến tranh, nhưng trên ngổn ngang đổ nát ấy có một cây mít sống sót đang ra bói một quả mít đầu mùa như một ngụ ngôn về khát vọng hồi sinh.

Những năm tháng ấy cả nước là một chiến trường, nhưng vì sao Thành cổ vẫn là một ám ảnh khôn nguôi trong lòng của bao người?

Vì sao, Thành cổ?

Vào viếng Thành cổ, ngoài đài tưởng niệm chính ở trung tâm, góc cửa thành phía đông có thêm một Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ. Những người lính ở mặt trận Thành cổ mang những nét riêng bởi hầu hết họ là sinh viên của các trường đại học tại Hà Nội, tất cả đều còn rất trẻ cùng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Nếu Nguyễn Văn Thạc không hi sinh rất có thể anh đã là một nhà văn. Nếu Hoàng Tích Minh, Hoàng Thượng Lân còn sống có lẽ sẽ là những họa sĩ tài hoa. Và bao nhiêu nữa những sinh viên ĐH ngày ấy đã xếp bút nghiên lên đường... Nhiều người nói rằng lẽ ra họ là “của để dành” cho công cuộc tái thiết non sông mai ngày hòa bình, nhưng rồi không ai có thể yên tâm ngồi với giảng đường khi Tổ quốc gọi!

Nhà văn Cao Tiến Lê trong một bài viết về Thành cổ kể: Thành cổ gắn liền với hội nghị Paris. Nếu sáng hôm sau đoàn của ta họp bàn với Mỹ thì chiều hôm trước thế nào cũng có một bức điện từ Paris gửi về cho Bộ tư lệnh mặt trận nhắc nhở động viên bằng giá nào cũng không để cho địch lọt vào thành Quảng Trị. Suốt gần ba tháng trời ròng rã...

Cũng như những trang nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm..., câu chuyện về những người lính Thành cổ của “Một thời hoa lửa” không chỉ là ký ức chiến tranh khốc liệt của những sinh viên mặc áo lính; không chỉ là cuộc hành hương của những đồng đội về lại với đồng đội.

Quá khứ bi tráng và hào hùng đang tiếp lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và vẫn luôn thao thức với ngày hôm qua bi tráng...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên