06/09/2017 23:45 GMT+7

Tháng 9, về lại an toàn khu - Kỳ 3: Người ATK với Bác Hồ

TTO - Bác Hồ cho rằng đồng bào nơi đây đều là người dân tộc, anh dũng kiên cường, thật thà, tốt bụng. Và thực tế chín năm Bác cùng trung ương ở đây đã được người dân đùm bọc, chở che.

Tháng 9, về lại an toàn khu - Kỳ 3: Người ATK với Bác Hồ - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954 - Ảnh tư liệu

Người dân đã nhường đất, nhường ruộng cho cách mạng. Che giấu, bảo vệ và cơm nước cho Bác và cách mạng. Thậm chí khi Bác ốm, những thứ hiếm hoi, xa xỉ như sâm Cao Ly cũng được dân gửi biếu Bác chữa bệnh.

Hiến đất cho cách mạng

Thạc sĩ sử học Đồng Khắc Thọ, trưởng Ban quản lý khu di tích lịch sử và sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên, cho biết trước năm 1945 và cả sau này, từ năm 1947 khi Bác và trung ương chuyển lên ATK Việt Bắc, rất nhiều người dân nơi đây đã hiến đất, hiến đồi, nhường cả những mảnh ruộng màu mỡ để trung ương đặt các trụ sở.

Theo thạc sĩ Thọ, lán Tỉn Keo nằm dưới chân đèo De là nơi Bác Hồ ở lâu nhất trong thời kỳ Người ở ATK Định Hóa (năm 1947, 1948 và 1953), đây cũng là nơi Bác chủ trì hội nghị của Bộ Chính trị (6-12-1953) vốn là lán ở và đất ruộng của gia đình bà Ma Thị Tôm.

Bà cụ Tôm đã mất cách đây bốn năm, nhưng hiện hai trong số những người con của cụ vẫn sống ngay cạnh lán Tỉn Keo. 

Con trai cả của bà là ông Lương Đình Nhân (65 tuổi, người Tày) kể: "Nhà tôi là hàng xóm với Bác Hồ. 

Tôi sinh năm 1952, khi Bác và trung ương đến đèo De bố mẹ tôi chưa đầy 20 tuổi, chưa sinh người con nào, đất đai thì nhiều. Nhà có cái lán trên đỉnh đồi Tỉn Keo đã nhường lại cho Bác Hồ và cách mạng".

Theo ông Thọ, không chỉ có gia đình bà Tôm hiến đất mà thời đó đồng bào người Tày, Nùng ở Phú Đình ai cũng sẵn lòng giúp đỡ cách mạng.

Người dân "3 không"

"Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?".

Cụ Ma Đình Bài (83 tuổi, người Tày, thôn Thẩm Dọoc, xã Điềm Mặc, Định Hóa) nhà gần lán Khau Tý - "Phủ Chủ tịch đầu tiên" ở ATK Định Hóa, khi gặp chúng tôi đã ngân nga những câu thơ đầu tiên trong bài Việt Bắc của Tố Hữu như nói thay nỗi lòng của người Định Hóa, người Việt Bắc với Bác Hồ.

Cụ Bài kể rằng hồi đó cụ mới 13 tuổi, hằng ngày cùng đám bạn đồng lứa chăn trâu, bắt cá quanh khu lán Khau Tý của Bác. "Nói thật lúc đó đám trẻ chúng tôi đâu biết Bác là ai. Nghe người nhà nói lại thì biết đó là "ông Ké", tức một người già rất có uy tín mà thôi. 

Lần đầu tiên gặp Bác, tôi buột miệng gọi "ông Ké" thì Bác quay lại nhìn không nói gì, chỉ mỉm cười rồi lại rảo bước đi nhanh lên đồi... Mấy hôm sau, đám chúng tôi cứ buổi chiều lại ra canh để mong gặp lại ông Ké".

Sau lần gặp đầu tiên, cụ Bài về kể chuyện gặp "ông Ké" cho cả nhà nghe, bố mẹ cụ và người anh trai cả căn dặn: "Ông Ké giỏi lắm, là người rất quan trọng, mọi người phải giúp ông Ké". 

Anh trai tôi là Ma Đình Hoàng, một trong tám người bảo vệ ông Ké ở vòng ngoài, bảo tôi: "Phải bảo vệ ông Ké, phải giữ bí mật việc ông Ké ở lán Khau Tý, bất cứ ai hỏi cũng phải nhớ thực hiện "3 không": không nói lộ về lán của Bác, việc đi lại của Bác; không nghe những việc không liên quan đến mình; và nếu gặp ai dù người quen hay lạ có hỏi về Bác thì cũng phải trả lời không biết".

Theo thạc sĩ Thọ, mọi người dân khi đó đều là "tai mắt" của Bác và cách mạng. Thậm chí khi biết tin Bác ốm nặng ở Tân Trào, gia đình ông Ma Đình Tập ở thôn Bản Cái, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc), huyện Định Hóa đã tự nguyện biếu hộp sâm Cao Ly quý hiếm để Bác bồi dưỡng.

Tháng 9, về lại an toàn khu - Kỳ 3: Người ATK với Bác Hồ - Ảnh 2.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De

Đền thờ Bác trên đỉnh đèo De

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh đèo De, dựa lưng vào núi Hồng (xã Phú Đình). Đây là "trái tim" của ATK Định Hóa, từ đây qua khu ATK Tân Trào chỉ hơn 5km. Trong bài Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu cũng đã nhắc đến địa danh này: "... Tin vui thắng trận trăm miền/Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về/Vui từ Đồng Tháp, An Khê/Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng".

Nhà tưởng niệm khánh thành năm 2005. Người dân các dân tộc thiểu số quen gọi là đền thờ Bác Hồ.

Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên Nguyễn Thị Huyền, đền thờ được xây dựng tại vị trí "tả thanh long hữu bạch hổ", trung tâm khu di tích lịch sử ATK Định Hóa của chiến khu Việt Bắc năm xưa nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Toàn bộ các hạng mục công trình có tổng diện tích gần 16.000m2 gồm tứ trụ, tam quan, nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Từ cổng tứ trụ bước lên 115 bậc (ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Bác) là tới tam quan. 

Qua chiếu nghỉ thì du khách sẽ leo tiếp 79 bậc (ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác) mới đến nhà tưởng niệm với diện tích sàn 625m2 gồm hai tầng, kiến trúc theo lối đền chùa truyền thống, mái lợp ngói đỏ, có hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở và những cánh sen là 79 cây vạn tuế.

Bức tượng bán thân chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 99cm do các nghệ nhân làng Ngũ Xã (Hà Nội) chế tác được đặt ở vị trí trang trọng giữa điện thờ của nhà tưởng niệm trên tầng hai.

Theo thạc sĩ Đồng Khắc Thọ, đường đến đền thờ Bác Hồ giờ đi lại rất thuận tiện (đi từ TP Thái Nguyên thì 60km, đi từ Tân Trào, Tuyên Quang sang chỉ khoảng 5km).

Riêng khu ATK Định Hóa đã có đến 124 điểm di tích lịch sử. Du khách sau khi viếng thăm, dâng hương tại đền thờ có thể đi các điểm di tích như: lán Khau Tý, nơi Bác ở làm việc đầu tiên ở ATK Định Hóa ngày 20-5-1947; đồi Tỉn Keo, nơi Bác chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị ngày 6-12-1953, hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; đồi Pụ Đồn (xã Phú Đình), nơi Bác Hồ ký sắc lệnh và phong quân hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán Khuôn Tát ở đồi Nà Đình (Phú Đình), nơi Bác trao lệnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cầm quân chiến dịch Điện Biên Phủ...

_____________________________

Kỳ cuối: Các khu ATK ngày nay

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên