Đây là sự kiện quan trọng khởi đầu cho việc xây dựng một hệ thống truyền hình giáo dục tương tự tại Việt Nam, nhằm tạo cơ hội giúp người dân tiếp cận với nền giáo dục “đạt chuẩn”, góp phần thúc đẩy “xã hội học tập” theo chủ trương đổi mới giáo dục toàn diện.
EBS là Đài truyền hình & phát thanh giáo dục lớn nhất tại Hàn Quốc và xếp hàng đầu trong khu vực. Thành lập từ năm 1980, EBS được đánh giá có vai trò quan trọng trong chiến lược bổ sung giáo dục trường học và thúc đẩy giáo dục suốt đời cho tất cả mọi người dân tại Hàn Quốc.
EBS có nhiều kênh phát sóng, bao gồm: kênh truyền hình kỹ thuật số trên mặt đất cho phim tài liệu, chương trình dành cho trẻ em mẫu giáo và chương trình thanh niên.
Kênh EBS FM là kênh radio tập trung chủ yếu vào việc học ngôn ngữ. Kênh vệ tinh EBS Plus 1 tập trung xung quanh các chương trình ôn thi đại học, cung cấp các kiến thức bổ sung và mở rộng giáo dục trong trường học.
Kênh EBS Plus 2 trọng tâm chính là "suốt đời" học tập (long life education), với các chương trình khác nhau cho khán giả mọi lứa tuổi. EBSe (vệ tinh) là kênh dạy tiếng Anh cho mọi đối tượng học sinh từ lứa tuổi mẫu giáo đến lớp 12.
EBS cũng cung cấp một kênh truyền hình cáp/vệ tinh phục vụ người dân Hàn Quốc sinh sống tại Bắc Mỹ. Kênh này phát sóng các chương trình về văn hóa Hàn Quốc, giáo dục ngôn ngữ và chương trình cho trẻ em.
EBS cũng có một kho cơ sở dữ liệu quan trọng, trong đó có các giáo viên hàng đầu trên thế giới dạy cho học sinh, sinh viên các bài học của chương trình giáo dục phổ thông và đại học.
Vai trò, sự tác động của EBS đối với phát triển giáo dục Hàn Quốc nói riêng, giáo dục trong khu vực và trên toàn cầu nói chung đã được khẳng định.
Ủy ban ra đề thi đại học của Hàn Quốc cho biết, nhiều năm nay đề thi của các kỳ thi đại học tại Hàn Quốc đều duy trì mức độ trên 70% liên quan tới giáo trình của EBS, với chương trình này đã giúp các học sinh của Hàn Quốc tiết kiệm được các chi phí ôn thi vào Đại học sau khi tốt nghiệp PTTH đạt hiệu quả rất cao.
Năm 2003, khi Bà Park Geun Hye nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, có người hỏi bà vì sao có thể nói giỏi được 5 thứ tiếng như vậy, bà học ở đâu? Bà Park Geun Hye đã trả lời: “Tôi tự học trên mạng lưới truyền hình và phát thanh của kênh EBS”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT AIC chia sẻ bên lề lễ ký kết: “Chúng tôi ký hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam trong việc triển khai xây dựng kênh truyền hình giáo dục quốc gia để có thể đưa các chương trình đổi mới giáo dục đến cho từng người dân nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo và việc ký kết hợp tác với EBS và các đài truyền hình giáo dục các nước Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản… chính là hiện thực hóa mô hình phổ cập giáo dục trên truyền hình tới toàn dân với chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn khu vực cũng như quốc tế và thường xuyên cập nhật các kiến thức mà thế giới có thể chia sẻ cho mọi tầng lớp người dân của Việt Nam”.
Khác với các chương trình phổ cập giáo dục trên truyền hình từ trước đến nay VTV đã phát sóng, “Kênh truyền hình giáo dục quốc gia” sẽ có một định dạng hoàn toàn khác biệt với công nghệ được chuyển giao đồng bộ từ EBS và các kênh truyền hình giáo dục hàng đầu khác như Nhật Bản, Anh, Úc…
Chương trình này sẽ được đồng bộ hoá trên tất cả các thiết bị điện tử cầm tay, điện thoại thông minh… để người học có thể kết nối bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, không chỉ phổ cập kiến thức phổ thông, kênh truyền hình này tiến tới việc dạy nghề trên truyền hình với các bộ tiêu chuẩn nghề đã được công nhận trong khu vực.
Được biết, việc chuyển giao các tài liệu kỹ thuật số liên quan tới chương trình phổ cập giáo dục và dạy nghề nói trên sẽ “tiêu tốn” một khoản kinh phí khổng lồ.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí này không lấy từ ngân sách nhà nước mà do Công ty AIC đầu tư xây dựng toàn bộ nội dung và hệ thống trang thiết bị truyền hình của kênh giáo dục này.
Toàn bộ các chương trình đào tạo chính thức theo hệ thống chương trình khung chuẩn quốc tế và được Việt Nam phê duyệt sẽ được sử dụng miễn phí với mọi đối tượng.
Người dân có cơ hội “học tập suốt đời” hoàn toàn miễn phí, trình độ nghề cũng như kiến thức học trên kênh truyền hình sẽ được xác nhận để người học có thể sử dụng khi thi cử cũng như tìm kiếm việc làm.
“Kênh truyền hình giáo dục quốc gia sẽ xoá khoảng cách về đào tạo giữa người có điều kiện và người không có điều kiện tiếp cận cơ hội giáo dục chất lượng cao. Mọi người đều bình đẳng khi tiếp cận giáo dục trên truyền hình và đây sẽ trở thành một xu thế tất yếu trong tương lai. Đây là chương trình hết sức có ý nghĩa với xã hội”, ông Trần Bình Minh, TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ.
Trước đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, trong đó hai bên nhất trí sẽ cùng phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đề án “Kênh truyền hình giáo dục quốc gia”, góp phần xây dựng “Xã hội học tập” theo chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công ty AIC chính là doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư các chương trình lớn cho giáo dục Việt Nam theo phương thức xã hội hóa.
Công ty AIC cũng là doanh nghiệp tiên phong đưa các giải pháp đồng bộ vào giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục, từ việc số hóa sách giáo khoa theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu đào tạo cho toàn bộ nguồn nhân lực Việt Nam, đào tạo các giáo viên đạt chuẩn, đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục để quản lý chất lượng giáo dục đào tạo và phát triển các quan hệ quốc tế trong giáo dục.
Theo đó, công ty AIC đã đưa hàng ngàn giáo viên tiếng Anh đi đào tạo tại nước ngoài, mang công nghệ thông tin ứng dụng vào hàng ngàn trường học trong cả nước, hỗ trợ đưa giáo viên nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy.
Hiện công ty AIC đã ký kết các hợp tác với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới ở 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, được Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam đồng ý triển khai các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào giáo dục với Nhà xuất bản Giáo dục, ký hợp tác chiến lược với Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, với Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Nga, ký hợp tác chiến lược với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam trong việc triển khai xây dựng kênh truyền hình riêng cho giáo dục.
Phát biểu sau lễ ký kết, ông Yongsup SHIN, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình EBS nói: "Chúng tôi sẽ hợp tác toàn diện với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC và Đài Truyền hình Việt Nam trong việc tư vấn xây dựng đến đào tạo đội ngũ nhân lực, chuyển giao công nghệ, chuyển giao chương trình, phối hợp xây dựng phần nội dung và phát hành kênh. Chúng tôi cũng chia sẻ toàn bộ các kinh nghiệm, những bài học mà chúng tôi có để giúp AIC và VTV nhanh chóng phát triển, theo kịp nền giáo dục thế giới. Hy vọng rằng, sự ra đời của kênh truyền hình giáo dục dự kiến bắt đầu phát sóng tháng 9-2014, Việt Nam sẽ có một kênh truyền hình như EBS hoặc các kênh truyền hình của các nước tiên tiến trên thế giới, đóng góp một phần quan trọng trong chương trình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng niềm mong mỏi của tất cả những người dân Việt Nam”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận