Phóng to |
Mua thuốc ở nhà thuốc của Trung tâm y khoa Medic - Ảnh: Thanh Đạm |
Theo Thứ trưởng Cao Minh Quang, giá nguyên liệu sản xuất thuốc đã tăng cao từ cuối năm 2007, nhưng từ đầu 2008 đến nay khoảng 100 loại nguyên liệu phục vụ sản xuất danh mục thuốc chủ yếu cung ứng cho bệnh viện còn tăng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, việc khó mua được ngoại tệ theo giá niêm yết của ngân hàng cũng tạo ra sức ép tăng giá.
Ngày 1-7, cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường đã ký văn bản gửi các sở y tế, bệnh viện, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc, đề nghị báo cáo những mặt hàng thuốc đang thiếu, có nguy cơ thiếu, danh sách cơ sở trúng thầu nhưng không cung cấp thuốc và yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục cung ứng thuốc cho bệnh viện, nghiêm cấm tích trữ thuốc thành phẩm, nguyên liệu, sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất gây khan hiếm giả tạo, đẩy giá lên cao. Các doanh nghiệp cần rà soát, thực hiện tiết kiệm chi phí, trường hợp đã tiết kiệm, giảm chi phí nhưng vẫn không bù đắp được, cần đề nghị gửi hồ sơ điều chỉnh giá và chỉ được điều chỉnh khi được cơ quan chức năng xem xét, cho phép. |
Theo báo cáo của các bệnh viện, hiện có khoảng 80 mặt hàng chuyên khoa, đặc trị đã không còn được cung cấp vào thị trường VN do doanh nghiệp bị lỗ. Doanh nghiệp trong nước lại thông báo cắt giảm 20-25% qui mô sản xuất. Các bệnh viện cũng báo cáo hàng loạt hợp đồng cung ứng thuốc bị hủy bỏ, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc điều trị tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện nhỏ do doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt 5-10% giá trị hợp đồng, hơn là chịu lỗ đến 40-45% nếu tiếp tục cung ứng thuốc.
Tình hình còn "nóng" hơn khi đã có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng ở hầu hết công ty chờ thời điểm sau 1-7 tăng giá, tình trạng đóng cửa ngừng bán hàng tại một số nhà thuốc ở TP.HCM...
Ông Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược, cũng cho biết mặc dù mới bắt đầu nhận hồ sơ điều chỉnh giá thuốc trở lại nhưng đã có đến 30 doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh 788 mặt hàng, mức điều chỉnh đề nghị dao động từ 10 đến gần 100%.
Tránh tình trạng tăng giá hàng loạt, Bộ Y tế đã thống nhất biện pháp "xả van" từ từ, đợt một tới đây cho phép các doanh nghiệp có thuyết minh, giải trình hợp lý tăng giá 5-7 mặt hàng/doanh nghiệp, mức tăng 5-10%/mặt hàng. 80 loại thuốc chuyên khoa, biệt dược đang thiếu tại các bệnh viện sẽ tập trung xem xét trước nhằm sớm cho điều chỉnh giá, nối lại nguồn hàng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, nơi này đã có hàng loạt biện pháp và đề xuất cắt giảm nhập khẩu biệt dược, thay vào đó là nhập khẩu thuốc gốc (generic). Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức đấu thầu quốc gia cung ứng thuốc cho các bệnh viện công. Theo ông Quang, tổ chức đặt hàng thuốc gốc và cung ứng thuốc gốc cho bệnh viện sẽ giúp giảm 20-25% chi phí nếu so với mua biệt dược đắt tiền. "Theo phán đoán của Bộ Y tế, với các biện pháp kể trên, sẽ không có chuyện tăng giá thuốc trên diện rộng" - Thứ trưởng Quang cho biết.
Về khu vực bệnh viện, Thứ trưởng Cao Minh Quang dẫn kinh nghiệm TP.HCM, bệnh viện và công ty cùng thương thảo, nhằm đủ thuốc điều trị nhưng vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp không lỗ vốn. Trường hợp doanh nghiệp kiên quyết không cung ứng sẽ ngừng cho phép doanh nghiệp đó tham gia đấu thầu trong hai năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận