Tỉ phú Trung Quốc Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba - Ảnh: REUTERS
Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Ant Group, một nhánh của Alibaba, quay trở lại với "gốc rễ" của mình dưới tư cách một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, đồng thời đe dọa sẽ bóp nghẹt tăng trưởng của công ty này trong lĩnh vực được cho đang sinh lợi nhiều nhất của họ: cho vay tiêu dùng và quản lý tài sản.
Sáng tạo trong khuôn khổ
Là nhánh công nghệ tài chính (fintech) của Tập đoàn Alibaba do tỉ phú Jack Ma sáng lập, Ant Group nổi tiếng với việc phát triển phần mềm thanh toán di động AliPay. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Ant đặc biệt thu hút sự quan tâm của nhà cầm quyền khi công ty này "lấn sân" sang một số lĩnh vực vốn liên quan nhiều hơn tới dịch vụ tài chính.
Tín hiệu khó khăn đầu tiên dành cho Ant xuất hiện hồi tháng 11, khi đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) được kỳ vọng lớn nhất thế giới (37 tỉ USD) của công ty này bị chặn lại. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) triệu tập giám đốc của Ant để rà soát lại hoạt động của công ty.
Kết quả, chính quyền xác định có những vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh của Ant, kêu gọi công ty này ra kế hoạch thiết lập khung thời gian khắc phục sớm nhất có thể, phù hợp với quy định về giám sát của chính phủ.
Trong thông báo ngày 27-12, phó thống đốc PBoC Phan Công Thắng (Pan Gongshen) cho biết các vấn đề của Ant gồm lỗ hổng trong cơ chế quản trị, thiếu sót trong nhận thức pháp lý, làm sai quy định, vi phạm về chênh lệch giá, lợi dụng sự thống trị trên thị trường để loại trừ đối thủ cạnh tranh, cũng như tổn hại quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Đúng như dự đoán, chính quyền Trung Quốc không ra tay nặng nề với Ant nhưng nhấn mạnh công ty này cần "hiểu sự cần thiết của việc cải tổ doanh nghiệp". PBoC khẳng định Ant cần tiến tới việc thiết lập một công ty tài chính riêng biệt nhằm đảm bảo hiệu quả về vốn cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng.
Ông Phan Công Thắng cũng nói rằng Trung Quốc tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các công ty fintech trong việc đổi mới, trên cơ sở phục vụ nền kinh tế ngoài đời thực, tuân thủ sự giám sát tài chính kỹ càng, cũng như quy định và nhận thức về cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Về hướng giám sát trong tương lai, ông Phan cho rằng chính phủ thúc đẩy đổi mới công nghệ tài chính và sự phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính nhưng kèm theo đó là một số nguyên tắc, ví dụ đặt tất cả các hoạt động tài chính dưới sự giám sát phù hợp với luật pháp và quy định.
"Gộp Phố Wall với Thung lũng Silicon"
Trên thực tế, giới phân tích cho rằng điểm mấu chốt trong vụ Ant nằm ở việc chính quyền xem đây là doanh nghiệp fintech hay một tổ chức tài chính đơn thuần. Với việc xem Ant là công ty tài chính, Bắc Kinh thể hiện mong muốn tái rà soát hoạt động của các đại gia Internet, thực hiện điều chỉnh để đảm bảo hướng phát triển của các doanh nghiệp này đi theo quỹ đạo của Trung Quốc trong tương lai, cụ thể là tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia phát triển nhất thế giới vào năm 2035.
Trong các thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới, tự chủ về công nghệ là ưu tiên số một. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11 ở Thượng Hải từng cho rằng "khoa học và công nghệ chưa bao giờ ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai và vận mệnh quốc gia như hiện nay", và kết luận Trung Quốc "cần thúc đẩy sáng tạo trở thành động lực phát triển số một".
Bàn về vấn đề này, phó thủ tướng Lưu Hạc cũng cho rằng tăng tốc để tự chủ về khoa học và công nghệ là yêu cầu cấp thiết để vừa thúc đẩy thị trường trong nước, vừa đưa Trung Quốc lên vị trí thống trị trong nền kinh tế toàn cầu". Ông Lưu đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của ngành dịch vụ tài chính trong việc hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy sáng tạo.
Ông Lưu, cố vấn kinh tế của ông Tập, ngoài ra cho rằng để đạt được sự tự chủ công nghệ, Trung Quốc phải tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), trao cho các tập đoàn ở nước này vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy đổi mới.
South China Morning Post dẫn lời giám đốc Viện Kinh tế công nghiệp (Viện KHXH Trung Quốc) Li Xuesong cho rằng về tổng thể, hệ thống quản lý khoa học công nghệ và tài chính của Trung Quốc còn thua xa các nền kinh tế khác. Vì vậy, vị cố vấn của Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin này ủng hộ sự tham gia của các lực lượng trên thị trường trong việc thúc đẩy đổi mới.
"Lấy ví dụ, chúng ta nên cải thiện cách thức các hệ thống tài chính hỗ trợ đổi mới và kết hợp giữa công nghệ và vốn, như cách ghép Thung lũng Silicon (công nghệ) với Phố Wall (tài chính) lại vậy", ông nói.
Những ý tưởng trên phản ánh khá đúng nhận định của giới quan sát quốc tế về đường hướng của Trung Quốc trong tương lai. Các doanh nhân như ông Jack Ma đang đứng trước yêu cầu phải xác định vai trò của mình với đất nước, và sự phát triển của các tập đoàn lớn ở Trung Quốc sau thời gian "thả cửa" nay phải gắn bó mật thiết hơn với đường hướng phát triển quốc gia, vận mệnh dân tộc.
Alibaba nâng giá mua lại cổ phiếu
Alibaba ngày 28-12 thông báo hội đồng quản trị của họ đã cho phép điều chỉnh kế hoạch mua lại cổ phần của công ty từ 6 tỉ USD lên 10 tỉ USD.
Theo Hãng tin Bloomberg, Alibaba thực hiện động thái trên vì lo ngại cuộc điều tra chống độc quyền của Bắc Kinh có thể gây ra hiện tượng bán tháo cổ phiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận