Bà Cait Moran, Đại sứ Ireland tại VN: Chỉ số PAPI là công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân - Ảnh: L.THANH
Đây là nội dung Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) năm 2018 vừa được Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố sáng 2-4.
Theo báo cáo PAPI 2018, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 có cải thiện, Đặc biệt, người dân cho biết nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập có giảm.
Người dân cũng hài lòng với dịch vụ công căn bản, các cấp chính quyền có tương tác với người dân nhiều hơn. Như tỉ lệ người dân có bảo hiểm y tế năm 2018 là 87%, tăng 7% so với một năm trước. Bên cạnh đó, chất lượng đường xá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới có tốt hơn trước.
Tuy nhiên, tỉ lệ người dân cho rằng có nhũng nhiều trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, "lót tay" để có việc làm trong lĩnh vực nhà nước còn nhiều. Có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm.
Gần 60% số người trả lời cho biết tham nhũng ở cấp xã/phường có giảm trong 3 năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời tham nhũng cấp quốc gia có xu hướng giảm. "Tham nhũng vẫn là một trong ba mối quan ngại hàng đầu của công chúng" - báo cáo nhấn mạnh.
Tham nhũng vẫn là một trong ba mối quan ngại hàng đầu của công chúng - Nguồn: UNDP Việt Nam
Ông Đặng Hoàng Giang - giám đốc Trung tâm phát triển và hỗ trợ cộng đồng (đối tác chính của nghiên cứu PAPI) - chỉ ra: Ba tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Tây Ninh đạt điểm cao nhất về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Ngược lại Đák Lák, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nam, Hòa Bình là những địa phương đứng đội sổ trong việc kiểm soát tham nhũng. Đơn cử, Hải Phòng đạt điểm thấp nhất đối với Kiểm soát tham nhũng trong ba nội dung: Chính quyền địa phương; Kiểm soát tham nhũn trong cung ứng dịch vụ công; Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công.
"Việc tuyển vào bộ máy nhà nước lại bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa 'vị thân' là vấn đề hết sức nhức nhối. Nó làm méo mó chất lượng công chức khi nhiều người tài giỏi, có trình độ lại không được tuyển dụng", ông Giang lo ngại.
Phát biểu tại lễ công bố, TS Paul Schuler (UNDP) cho biết có vẻ người dân thấy rằng tham nhũng giảm ở cấp xã, huyện chứ cấp trung ương lại tăng lên trong 3 năm qua. Còn về tình trạng tham nhũng vặt khi sử dụng dịch vụ công, tỉ lệ người dân phải lót tay ở bệnh viện công giảm, năm 2018 giảm còn 15% trong khi tỉ lệ này là 17 % và 23% trong năm 2017 và 2016.
Về cung ứng dịch vụ cơ bản, trái ngược với việc đánh giá dịch vụ y tế tốt hơn trước, người dân trên phạm vi cả nước đều lo ngại khi cho rằng chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nơi họ sinh sống kém hơn 3 năm trước.
"Đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018 cần được Nhà nước tập trung giải quyết. Đây là vấn đề mà nhiều người chọn nhất", báo cáo nêu.
Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và đất nước được nhiều người cho là cải thiện, song vẫn có đén 25% số người được hỏi chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất.
Về trách nhiệm giải trình với người dân, ông Đặng Hoàng Giang cũng cho biết người dân phản ánh việc gặp gỡ cán bộ chính quyền cấp thôn, tổ dân số hoặc cấp xã khi có bức xúc với chính quyền hoặc hàng xóm tăng lên. Cuộc tiếp xúc cũng đem lại kết quả so với trước.
Tuy nhiên, người dân cho biết họ ít có cơ hội tiếp xúc với đại diện chính quyền từ cấp huyện/quận, tỉnh trở lên.
Còn xếp về các chỉ số tổng hợp PAPI năm 2018, ông Giang cho hay Hà Nội và TP.HCM đạt điểm thấp nhất về các chỉ số quản trị điện tử, quản trị môi trường, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công...
Bà Caitlin Wiesen - quyền trưởng đại diện thường trú của UNDP tại VN - cho biết PAPI năm 2018 đã phỏng vấn 14.300 người dân tại 63 tỉnh thành phố.
Đây là năm thứ 10 chỉ số PAPI đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của các cấp chính quyền trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp căn bản tới người dân.
Chỉ số PAPI là công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân với các cấp chính quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận