Reuters cho biết chính quyền đương nhiệm đã yêu cầu 36 thành viên của ban soạn thảo hiến pháp (CDC) viết ra một bản hiến pháp nhằm ngăn chặn “sự độc tài của quốc hội”. Theo luật, chỉ 77 trong tổng số 200 nghị sĩ Thái Lan được bầu ra, phần còn lại sẽ được bổ nhiệm.
Theo bản dự thảo hiến pháp mới, các tướng lĩnh nắm quyền trong cuộc đảo chính năm ngoái sẽ được cấp quyền miễn trừ truy tố, một cá nhân không được bầu vẫn có thể trở thành thủ tướng nếu nhận được 2/3 sự ủng hộ của quốc hội. Đây chính là vấn đề được cho là dễ gây phản ứng nhất.
Reuters cho biết nội các, quân đội và Hội đồng cải cách quốc gia (NRC) sẽ xem xét bản dự thảo hiến pháp trong vòng năm tuần để đưa ra các đề xuất khả dĩ vào ngày 25-5.
“Bây giờ không phải lúc để nói liệu có nên hay không trong việc chạy đua cho cuộc bầu cử. Vẫn còn thời gian cho CDC để sửa một phần quan trọng - để làm hiến pháp trở nên dân chủ theo cái cách mà tất cả các bên đều chấp nhận” - thành viên Đảng Puea Thai Samart Kaewmeechai nhận định.
Trong khi đó Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ca ngợi hiệu suất làm việc của CDC, khẳng định hiến pháp mới là cần thiết để giải quyết những bất ổn đang tồn tại ở Thái Lan và kéo nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị.
Ngoài ra, ông Chan-ocha cũng khẳng định không muốn duy trì quyền lực trong bài phát biểu gần đây, đánh dấu sáu tháng kể từ khi được chỉ định làm thủ tướng Thái Lan. “Tôi không muốn có quyền lực. Từ lúc làm thủ tướng đến nay, tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ lợi ích nào, chỉ có một số người khen, còn chỉ trích thì rất nhiều” - Thủ tướng Chan-ocha tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận