01/04/2019 07:00 GMT+7

Thái Kim Tùng: chánh diện, phản diện 'xử' được hết

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Trong làng kịch TP.HCM, Thái Kim Tùng nổi lên với nhiều vị trí, từ diễn viên đến đạo diễn nhiều vở kịch gây được ấn tượng gần đây như Rau răm ở lại, Những giấc mơ lóng lánh, Giấc mơ, Kỳ án xứ Mặt Trời, 18 tuổi...

Thái Kim Tùng: chánh diện, phản diện xử được hết - Ảnh 1.

Thái Kim Tùng (phải) trong vở Nàng Hến tầm duyên - Ảnh: GIA TIẾN

Thái Kim Tùng không phải là kép đẹp. Gương mặt góc cạnh, anh hay được chọn vào những vai diễn cá tính và thường già dặn so với tuổi.

Đó là ông quan vi hành tìm hiểu tình hình nhũng nhiễu dân lành ở Nàng Hến tầm duyên, hay một vị trung thần chán quan trường về ở ẩn trong Kỳ án xứ Mặt Trời (Hội Sân khấu TP.HCM), cũng có thể là một kẻ đào mỏ trong Trời trao của lạ.

Cũng phải hơn phân nửa số vở tham gia, Tùng được làm quan, từ quan thời xưa đến chủ tịch huyện, chủ tịch xã thời nay. Mà mỗi ông quan anh đều biết khai thác để có những nét riêng.

Có vẻ như đạo diễn không thích đóng khung Thái Kim Tùng, chánh diện, phản diện anh "xử" được hết. Ở Tùng có sự nhạy cảm để "lèo lái" các nhân vật của mình tạo ra những vệt màu khác biệt.

Thái Kim Tùng vai ông quan trong vở Nàng Hến tầm duyên - Video: GIA TIẾN

Sinh viên ngữ văn Đức bị sân khấu rù quến

Gia đình Tùng ba đời buôn bán. Bà nội anh có quán hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng 70 năm ở chợ Gò Vấp.

Bữa nọ vô tình diễn viên Thanh Vân (của sân khấu Idecaf) ghé quán ăn, nhìn chàng trai bưng hủ tiếu chị buột miệng nói: "Cái mặt em làm nghệ sĩ được nè, sao hổng thi vô Trường Sân khấu - điện ảnh?". Câu nói vô tình mà làm anh chàng ngẩn ngơ. Lúc đó Tùng đang là sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Đức Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Vậy là cũng thi thử vô Trường Sân khấu - điện ảnh, đậu lớp diễn viên. Tưởng học cho biết ai dè gặp trúng thầy dạy là NSƯT Việt Anh, ông thầy mà Tùng không ngại thổ lộ đã khiến mình mê nghệ thuật, mê sân khấu như điếu đổ.

Thầy nhấn mạnh học làm diễn viên phải học từ cảm xúc và yêu thương là chính. Tùng giật mình bởi anh nghĩ đi học diễn viên là học khóc, cười, đi đứng, buồn vui...

Thái Kim Tùng: chánh diện, phản diện xử được hết - Ảnh 3.

Thái Kim Tùng trong vở Hẻm nhỏ Sài Gòn - Ảnh: GIA TIẾN

Vậy rồi anh bị mê hoặc bởi sự phân tích của thầy, khi người ta biết rung cảm thực sự, biết rung cảm với những nỗi đau, biết yêu thương, biết bồi đắp cảm xúc thì người ta có thể khai thác được nội tâm nhân vật sâu sắc, lúc đó sự thể hiện của người diễn viên trong từng tích tắc sẽ có chiều sâu và thuyết phục người xem.

Học xong khóa diễn viên, Tùng lại nuôi tiếp giấc mơ đạo diễn. Vở tốt nghiệp đạo diễn Rau răm ở lại của Tùng được sân khấu Hoàng Thái Thanh làm bà đỡ, hiện vẫn diễn suốt từ năm 2016 đến nay. Tháng 11-2016, được bà bầu Mỹ Uyên động viên, anh chàng "cả gan" thực hiện vở Giấc mơ (nhà hát 5B) tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế tại Hà Nội và đoạt luôn HCB.

Ở vị trí diễn viên, Thái Kim Tùng cũng rất có duyên với huy chương. Hai kỳ liên hoan kịch nói toàn quốc của Nhà hát Kịch TP.HCM dù chỉ vào vai có hai cảnh trong các vở Dòng xoáy và Người mẹ thứ hai, Tùng cũng đem về cho mình hai HCB cá nhân.

Khả năng của chàng trai trẻ cũng được các đài truyền hình chú ý, khi anh không chỉ dựng kịch cho đài mà còn "dám" làm cả đạo diễn cải lương, và vở cải lương Ác mộng cuộc đời Tùng dựng cho HTV đã nhận được HCB trong Liên hoan truyền hình toàn quốc.

Thái Kim Tùng: chánh diện, phản diện xử được hết - Ảnh 4.

Thái Kim Tùng trong vở Nàng Hến tầm duyên - Ảnh: GIA TIẾN

Tình yêu với Ví Dầu

Hồi đó, khi tốt nghiệp lớp diễn viên, không có cơ hội đi phim nhiều, rồi tình hình sân khấu khó khăn, chàng sinh viên trẻ đối diện với câu hỏi: Chả lẽ ra trường thất nghiệp? Mà không làm nghề sẽ bị mất lửa, từ từ mất nghề. Lo vậy nên Tùng quyết định phải tự tạo chỗ cho mình làm nghề, vậy là thành lập nhóm kịch Ví Dầu.

Từ năm 2012 đến nay, nhóm trải qua biết bao thăng trầm, từ những quán có chút không gian để đặt bục bệ ở Người Sài Gòn đến những nơi "sân khấu" chỉ là một bệ ngang chừng nửa mét, dài không tới 3m ở Thạch Thị Thanh. Ví Dầu với khoảng 10 thành viên cốt cán như Tuyền Mập, Tấn Phát, Huy Hoàng, Trương Hạ, Hoài Thương... cứ vậy mà nắm tay nhau đi hết năm này tới năm khác.

Từ ngày ra đời, chưa suất diễn nào nhóm có lời. Có những vở kịch chỉ kê được 19 ghế phục vụ khán giả, biết là không cách nào bù lỗ nhưng đành tặc lưỡi: Kệ, chơi cho sướng đã!

Thái Kim Tùng: chánh diện, phản diện xử được hết - Ảnh 5.

Thái Kim Tùng (trái) trong vở Hẻm nhỏ Sài Gòn - Ảnh: GIA TIẾN

Với trọng trách nhóm trưởng, Thái Kim Tùng chọn cách làm nơi khác kiếm tiền bù lỗ cho hoạt động của Ví Dầu. Cũng vất vả lắm nhưng anh chàng không thích than vãn. Tùng nói: "Tự chơi tự chịu, không than.

Từ nhóm kịch nhỏ Ví Dầu đến các sân khấu chuyên nghiệp, với tôi, được làm nghề là vui, không sống nổi không làm được thì chuyển nghề khác thôi!".

Ví Dầu với Tùng là kỷ niệm đẹp vì không chỉ giúp Tùng rèn nghề mà còn tạo cho anh tư duy của một ông bầu nho nhỏ.

Trong tình hình các nhóm kịch cà phê ngày càng khó khăn, điểm diễn khá bấp bênh, bản thân Tùng cũng có nhiều cơ hội ở các sân khấu chuyên nghiệp nhưng anh chàng chưa có ý định buông nhóm kịch, bởi anh thực sự thích mô hình kịch cà phê - một cách diễn kịch thực sự gần gũi với khán giả.

Là ông thầy trẻ được Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM mời thỉnh giảng, Thái Kim Tùng khuyên sinh viên cố gắng đi xem hết các loại hình nghệ thuật để có sự hiểu biết, cảm nhận.

Tùng muốn học trò của mình hiểu được giá trị lao động nghệ thuật để tạo ra sản phẩm tử tế, từ đó có ý thức làm nghề từ những điều rất nhỏ, như anh ngày xưa từng mày mò để từng bước khám phá những ngóc ngách diệu kỳ, từ đó lý giải vì sao ánh đèn sân khấu có sức quyến rũ chết người như thế...

Với vốn tiếng Đức của mình, Tùng cũng là một trong số ít nghệ sĩ từ lĩnh vực kịch nói được mời sang tham gia các dự án nhạc kịch của HBSO với các vở Con dơi, Quả bí thần, gần nhất là chương trình kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển.

Anh không chỉ là diễn viên trong vở diễn mà còn đảm nhiệm phần dịch vở kịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt, trợ lý diễn xuất cho các diễn viên.

​Thương quá rau răm của Nguyễn Ngọc Tư lên Vầng trăng cổ nhạc ​Thương quá rau răm của Nguyễn Ngọc Tư lên Vầng trăng cổ nhạc

TTO - Trích đoạn vở cải lương mới toanh Thương quá rau răm chuyển thể từ tác phẩm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được giới thiệu trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc lúc 20g30 ngày 3-12, THTT trên HTV9.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên