Làm sao để chính những hành vi xấu xí mới là thiểu số và tác giả những hành vi ấy mới thấy mình lạc lõng trong cộng đồng văn minh, lịch sự?
Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các ý kiến sau và chia sẻ quan điểm riêng.
Chuyện xấu nhỏ, cái nhìn lớnXin hãy tôn trọng thời gianChúng tôi không muốn giờ "dây thun"!Lễ hội đến Trần: vẫn chen lấn, xô đẩyNên cấm hút thuốc lá trên phà
Phóng to |
Xin lỗi, không phải lượt của bạn
Có lẽ ai cũng biết xếp hàng nơi công cộng là việc cần làm nhưng giữa việc hiểu và hành động dường như vẫn có khoảng cách. Xung quanh chuyện xếp hàng, tôi có vài kỷ niệm nho nhỏ.
Một lần, khi tôi xếp hàng tại một cửa hàng nhỏ trong sân bay ở Đức thì có một thanh niên đột ngột chen ngang trước mặt tôi. Khi tôi còn đang phân vân giữa việc im lặng bỏ qua hay thu can đảm nhắc nhở người này thì đến lượt anh ta bắt đầu giao dịch với nhân viên bán hàng. Thay vì lấy món hàng khách yêu cầu, người bán hàng nhã nhặn nói: "Sorry, not your turn" (xin lỗi, chưa phải lượt của anh) và đưa mắt nhìn về phía tôi. Ngay lập tức, anh ta tỏ ra bối rối, di chuyển xuống cuối hàng trong ánh mắt lạnh tanh của nhiều người.
Cũng là chuyện xếp hàng và bị xen ngang như thế, nhưng khi xảy ra với tôi tại một siêu thị ở một miền Trung nước mình thì mọi việc khác hẳn. Khi tôi chỉ phải đợi một người nữa thì đến lượt tính tiền thì một cô gái xen ngang và để hàng hóa lên quầy tính tiền. Khi tôi nói: "Xin lỗi chị, đến lượt tôi" thì cô ấy quay sang nhìn tôi với ánh mắt sắc lẹm: "Làm gì mà ghê vậy trời?". Trong khi đó, nhân viên bán hàng tiếp tục tính tiền các sản phẩm cô ấy mua. Tôi hỏi nữ nhân viên bán hàng: "Cô ấy không xếp hàng, sao chị vẫn tính tiền?". Nhân viên ấy nhìn tôi với ánh mắt như có phần ngạc nhiên và... tiếp tục tính tiền như không có gì xảy ra.
Tôi tiếp tục chứng kiến việc không xếp hàng, bị xen ngang "cướp lượt" khi mua vé tiễn ở ga tàu, xếp hàng ra cửa lên xe buýt chuyển tiếp ở sân bay, giữ xe, mua vé xem phim... Cũng có đôi lần tôi thành người lạc lõng khi ráng... tìm hàng để xếp. Thật mong ở chốn công cộng, ai cũng xem việc xếp hàng là cách tốt nhất tiết kiệm thời gian cho bản thân và mọi người chứ không phải chỉ có cách chen lấn, giành lượt.
Đến sớm... "ngại" lắm
Tôi là thành viên một câu lạc bộ thể thao. Lần đó, một thành viên câu lạc bộ gửi thiệp mời tất cả thành viên câu lạc bộ hơn 20 người đến dự tiệc sinh nhật con gái tại tư gia lúc 17g.
Chiều hôm đó, tôi tranh thủ nghỉ sớm và có mặt tại điểm hẹn lúc 16g45 mà các thành viên đã giao ước để đi cùng nhau đến buổi tiệc. Đến nơi, tôi bất ngờ khi còn hơn một nửa thành viên (là khách mời của tiệc sinh nhật) đang tiếp tục chơi thể thao, không hề có chút lo lắng, vội vã nào dù thời gian đã cận kề. Chỉ có 5-7 người đi sớm như tôi.
Tôi hỏi tại sao giờ này còn chơi thì họ bảo: "Thiệp ghi 17g chứ may ra 18g mới đãi". Có người chuẩn bị ra về và bảo chúng tôi chờ họ tắm rửa, thay đồ rồi lại đi cùng. Tuy nhiên, tôi quyết định cùng một vài người đi ngay vì cảm thấy không có lý do gì phải chờ họ.
Điều tôi hụt hẫng là một vài người đã ở tư thế sẵn sàng đi dự tiệc thì thay vì đi cùng tôi lại chờ số đông trễ hẹn kia. Họ bảo đi sớm ngại lắm, đi đông tự tin và vui hơn.
Tôi không hiểu tại sao lại ngại và tại sao lại dễ dàng chấp nhận chạy theo cái sai trái đó. Quan điểm như vậy thì làm sao tiến bộ được? Làm sao dẹp bỏ được hành vi xấu "giờ dây thun".
Thà để người chờ, chứ không chờ người
Đôi lần, tôi bị những người đi trễ đôi lần đùa rằng: "Sao phải đến sớm chờ người khác? Phải để người ta chờ mình chứ!". Điều đó cho thấy thói quen đi trễ xuất phát từ sự tôn vinh cái tôi mình quá lớn mà không nghĩ đến người khác. Từ đó người tổ chức phải dời giờ tổ chức như một cách chấp nhận thói quen của những người khách thiếu ý thức.
Từ thói quen nhỏ tưởng chừng vô hại mà trở nên một nét chưa đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi nghĩ rằng cần phải thay đổi từ từ. Hãy bắt đầu từ người tổ chức, cứ diễn tiến chương trình theo đúng kế hoạch, thư mời cần ghi rõ "Yêu cầu không đến trễ". Vài lần như thế những người đến trễ sẽ thấy mình lạc lõng trong cộng đồng toàn những người có ý thức cao.
Gương xấu cho con trẻ
Bạn cứ nghĩ xem con cháu chúng ta hôm qua mới học xong bài học đèn xanh, đèn đỏ khi đi đường, sáng hôm sau chính chúng ta chạy xe vượt đèn đỏ thì các bé nghĩ gì về bài học đó? Riết rồi trẻ con sẽ hình thành thói quen: quen học lấy điểm, quen vượt đèn đỏ cho... nhanh, quen với suy nghĩ vi phạm luật giao thông là bình thường.
Ngày nay, nếu bạn văn minh xếp hàng, chờ hoặc nhường xe thì dĩ nhiên sẽ bị coi là chậm chạp hoặc bị chửi: "Đi xe kiểu gì thế!?". Nếu bạn mạnh miệng nhắc nhở: "Nơi đây cấm hút thuốc”, sau đó nhẹ nhàng thì bạn được hưởng một cái lườm, nặng sẽ nghe một câu chửi.
Tất cả đều cần trở thành thói quen. Quen chấp nhận bị người khác nhắc nhở hãy sống văn minh, đồng nghĩa chúng ta sẽ học được thói quen sửa sai.
Đất nước đang hội nhập mạnh mẽ. Chính vì thế mỗi người cần tha thiết được học cách ứng xử văn minh để giữ gìn sự tự trọng và tôn trọng mọi người. Học để những ứng xử đẹp trở thành thói quen như ăn cơm hằng ngày, để " ăn" vào mỗi người một cách tự nhiên nhất.
Bạn đã khó chịu với những hành vi "xấu xí" nào nơi công cộng? Theo bạn, những yếu tố nào khiến những hành vi này vẫn diễn ra hằng ngày và bởi không ít người? Hãy gửi ý kiến của bạn về tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận