![]() |
Con cá nuôi trên núi đã làm sung túc đời sống bà con - Ảnh: V.Q.C. |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Anh Đinh Văn Trai ở thôn Gò Chè khoe mới bán hai hồ cá được 7 triệu đồng. "Mai mình sẽ cùng vợ con xuống thị trấn mua sắm áo quần đón tết", anh nói. Già làng Đinh Trua là người đi tiên phong giúp bà con đào ao thả cá ở thôn này.
Người Kinh làm được, mình làm được!
Già làng Đinh Trua vốn là cựu binh của tiểu đoàn 20, Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Mười năm trước, trong một lần về xuôi thăm bạn chiến đấu, bữa cơm trưa dọn lên có con cá trắm to kho ngọt bốc khói nghi ngút. Ông Trua ngạc nhiên khi nghe bạn nói cá này được nuôi. Ông nghĩ: "Làng mình cũng có suối, có nước, chắc mình sẽ nuôi được cá... Người Kinh làm được, mình làm được!".
Từ đó, ông Trua hay đi về các làng, xã đồng bằng xin theo học cách nuôi cá. Về bản, ông đi ngược con suối Xà Hoẳn rồi tìm những cây tre to, già chặt làm ống dẫn nước. Ông đào ao trong vườn nhà, rồi mượn xe đạp đi một mạch trên 50 cây số xuống trại cá giống huyện Đức Phổ để mua con giống.
Lứa cá đầu tiên được nuôi trong cảnh chưa có kinh nghiệm và thiếu thức ăn nên sau ba tháng vớt lên bán tính ra chẳng có lời, nhưng cũng đủ để ông Trua mời những già làng và cánh thanh niên trong bản một bữa rượu với mồi là cá trắm nấu cháo, cá trắm nướng chấm muối ớt. Ông nói với lũ làng: "Chưa có lời nhưng mình đã làm được một chuyện, đó là dân bản mình cũng có thể nuôi cá được". Và ông mở ao rộng hơn, làm tiếp lứa sau.
Khá lên từ cá
Chuyện nuôi cá nước ngọt của ông Trua đã mở hướng làm ăn cho đồng bào dân tộc thôn Gò Chè. Dân thôn Gò Nay thấy vậy cũng bắt chước làm theo, nâng tổng số hộ nuôi cá ở hai thôn lên 250 hộ. Người nuôi nhiều thì 2-3 sào, người nuôi ít cũng 500m2 mặt nước. Những khu đất dọc suối Xà Hoẳn từ nhiều đời bỏ hoang giờ thành những ao cá theo bậc thang. Con suối Xà Hoẳn từ nghìn đời gắn bó để bà con tắm giặt, lấy nước uống giờ lại gắn bó hơn bởi bà con biến suối thành nguồn nước chảy về ao nuôi cá. Riêng ông Trua trở thành "chuyên gia" thả cá trên đồi của thôn Gò Chè và thôn Gò Nay. Bà con trong xóm cần ông đến chọn điểm đào ao, hướng dẫn cách nuôi cá. Người dưới xuôi lên mua cá, biết chuyện thường đến chào ông Trua một tiếng rồi mới định giá với dân bản để mua.
Từ ngày đưa con cá lên núi, môi trường quanh bản cũng tốt hơn. Mùa hạ về những ao cá đã làm dịu đi cái nắng gay gắt. Đồng bào dân tộc HRê thường ngày lên rẫy, khi trở về chẳng ai quên gùi lá mì làm thức ăn cho cá. Cánh thanh niên thấy tổ mối là bỏ công đào đem về cho cá ăn. Bầy cá trắm cỏ, cá chép, mè, trôi cứ thế lớn lên như thổi.
Qua nhiều vụ thả cá bán kiếm tiền, cộng với trồng khoai mì bán cho Nhà máy chế biến tinh bột mì Tịnh Phong, bây giờ ở Gò Chè hầu như tất cả hộ dân đều làm nhà sàn, mái lợp ngói và nhiều nhà sắm được ti vi, xe máy. Bà Đinh Thị Vìu nói: "Không nuôi con cá, dân bản mình không khá được như bây giờ đâu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận