17/02/2015 16:19 GMT+7

Tết Việt trên đất Áo: Không chỉ là tết...

NGUYỄN THỊ BÍCH YẾN
NGUYỄN THỊ BÍCH YẾN

TTO - Tết Việt không còn là cái tết thông thường trên đất khách mà đã trở thành sự kiện văn hóa mang tính hội nhập với các thế hệ người Việt và với dâu rể người bản xứ.

Kiều bào và bạn bè quốc tế đón Tết cổ truyền tại Cộng hòa Áo - Ảnh: Bích Yến

"Tôi rất ngưỡng mộ cách mà người Việt cùng nhau chung vui, đón tết như thế này. Tôi cảm thấy rất thú vị khi các bạn đã tổ chức, pha trộn, hội nhập giữa hai nền văn hóa với nhau - giữa "Lễ tình nhân" của châu Âu với văn hóa đón Tết cổ truyền của người Việt", ông Walter Axelrad - người Áo - chia sẻ.

Tết Việt đã hội nhập

Bấy lâu nay, Tết cổ truyền Việt Nam đã được tổ chức thường niên trên đất khách nên đã vượt ra ngoài khái niệm "ăn tết" thông thường. Tết đã mang đến nhiều ý nghĩa sâu rộng và hòa đồng hơn.

Tại Gala xuân 2015 này, hàng trăm kiều bào, từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ ba, từ những cô dâu, chàng rể Áo và người bản xứ đã cùng nhau mua gần hết 2.000 tấm vé số từ thiện. Số tiền thu được khoảng 6.000 euro, ban tổ chức sẽ gửi về ủng hộ Quỹ Chất độc da cam (Bộ Ngoại giao) và các quỹ từ thiện của một số tờ báo trong nước.

Tết Việt đã giới thiệu đến người bản xứ, đến thế hệ dâu, rể người Áo nói riêng và thế hệ dâu, rể quốc tế nói chung, đến thế hệ thứ ba - thế hệ con lai về những phong tục, tập quán đón năm mới của dân tộc; nghĩa cử tri ân, từ thiện hướng về cố hương; mối quan tâm đến chính sự, đến sự phát triển của đất nước...

Ngoài những ý nghĩa trên, tết của kiều bào Áo năm nay còn có một điểm thú nữa, đó là được tổ chức trùng với ngày "Lễ tình nhân". Điều này càng kéo mọi người xích lại gần nhau hơn trong cái lưu luyến, chân tình.

Hình ảnh những đôi trai gái Á - Âu, trao nhau những nụ hôn nồng ấm; hình ảnh gia đình những người lính đã từng đứng bên kia chiến tuyến; hay những cô Tây, cô Ta mặc áo dài... đã thực sự "pha trộn" vào nhau. Bình yên, ấm cúng, thanh thản và hòa đồng...

Từ khi nào Tết Việt đã trở thành một sự kiện văn hóa mang tính hội hội nhập, không chỉ được kiều bào mà cả những người bạn bản xứ mong đợi?

Bao giờ đến tết Việt?

Ngày bé, lũ trẻ con chúng tôi thường háo hức mong tết. Bây giờ, con chúng tôi - thế hệ thứ ba được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài - chưa đủ lớn để thương nhớ những cái tết Việt. Nhưng chính cha của chúng (những chàng rể) và những đồng nghiệp Tây của chúng tôi thì lại háo hức chờ đón tết.

Năm nay, mấy ngày cận tết tôi chưa kịp thông báo với bạn bè thì vài đồng nghiệp bản xứ đã nhắn tin hỏi: "Tết Việt năm nay sẽ diễn ra ở đâu?". Hóa ra, anh rất nhớ... áo dài, nhớ múa lân và "cái thứ bánh xanh xanh, deo dẻo".

Ông Hermann Kroiher, chuyên gia văn hóa, tâm sự: "Sự kiện đón Tết cổ truyền của người Việt tại Áo luôn rất tuyệt vời. Nó càng thắt chặt hơn mối quan hệ văn hóa vốn đã rất thân tình giữa hai nước. Điều này là rất quan trọng đối với chúng ta".

Có dịp vào những ngày cuối tết, đoàn các nhà khoa học Việt Nam sang châu Âu công tác. Tôi nhắc họ mang theo vài chiếc bánh chưng để giới thiệu "mùi Tết" với bạn bè Áo. Khi được ăn thử bánh chưng, ông giáo sư già của tôi bảo đây là lần đầu tiên ông ấy được ăn một loại bánh đặc biệt đến thế...

Có lẽ ý của ông là bánh gì mà khi nhai thì dính hết cả hàm trên, hàm dưới với nhau, nhưng nhai kỹ thì lại có vị rất ngon, rất bùi. Nhìn ông và bạn bè bản xứ kiên nhẫn dùng đũa gắp bánh chưng mà chúng tôi không nhịn được cười.

Các giáo sư, chuyên gia Áo, thưởng thức bánh chưng Tết - Ảnh: Bích Yến

Áo dài Việt và nghi thức của quí tộc

Chị Irene Kaufmann, một chính khách Áo, rất ấn tượng với những chiếc áo dài mà tôi thường mặc trong các dịp lễ, tết của Việt, Áo. Một lần, khi đến Việt Nam tham dự hội thảo, chị đã chọn được vài bộ ưng ý. Chị rất nâng niu chúng và mặc chúng trong các dịp đặc biệt.

Dịp đón đoàn các nhà báo Việt Nam sang Áo công tác và được mời thăm quan phủ Thủ tướng (cung điện Hofburg), chị đã mặc áo dài Việt để thực hiện một nghi thức của tầng lớp quí tộc Áo. Tôi bỗng cảm thấy xúc động vì sự tinh tế của chị.

Irene Kaufmann, mặc áo dài, khi thực hiện một nghi thức của quí tộc Áo, tại cung điện Hofburg - Ảnh: Bích Yến

Tôi tự hỏi, tại sao những đồng nghiệp, những người bạn Áo đã háo hức chờ đợi tết Việt, háo hức mặc áo dài... ? 

Liệu những nét văn hóa này có lưu truyền được trên đất khách hay không, có lẽ ít nhiều, còn phụ thuộc vào các thế hệ kiều bào.

Nhân dịp tết đến xuân về, từ tận đáy lòng mình, tôi muốn nói lời cảm ơn chân thành đến những đồng nghiệp - những người bạn bản xứ và kiều bào Áo, đã cùng nhau lưu giữ, pha trộn và hội nhập văn hóa Việt - Áo, để giành cho thế hệ con cái chúng tôi.

NGUYỄN THỊ BÍCH YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên