05/02/2010 19:20 GMT+7

Tết Việt ở Melbourne

Theo KIM DUYDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân
Theo KIM DUYDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân

Người Việt ở Úc tập trung đông nhất tại hai thành phố là Sydney và Melbourne. Tết Âm lịch Việt Nam thường trùng với mùa hè ở Úc, khi ngày dài đến 9g tối và vẫn còn thấy Mặt trời.

Cho dù trong không khí nóng nực (có ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 40-420C) và ngày tết thường rơi vào ngày bình thường trong tuần, cộng đồng người Việt vẫn có những sinh hoạt đặc thù tết, theo kiểu “ta ăn tết ta”.

Trong những gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống thì các phong tục tết vẫn duy trì như gặp nhau chúc tết, lì xì… Người lớn nhớ tết, chuẩn bị tết và thường chọn hai ngày cuối tuần để ăn tết mà thông thường là gặp gỡ và tiệc tùng. Với những người trẻ sinh ra và lớn lên tại Úc thì họ hầu như chẳng màng đến tết. Dẫu sao, không khí tết vẫn hiện diện nơi nào có người Việt và các gia đình người Việt luôn chuẩn bị đón tết dù chỉ trong một, hai ngày.

Hội chợ tết

0M6KtcHj.jpgPhóng to
Một góc hội chợ tết Canh Dần

Ở Melbourne, hai mươi năm nay, năm nào cũng có những hội chợ tết của cộng đồng người Việt. Các khu vực tổ chức hội chợ tết là Saint Albans, Sunshine, Footscray, Richmond và Spingvale. Đó là chưa kể các chùa và nhà thờ cũng tổ chức sinh hoạt hội chợ Tết.

Saint Albans thuộc miền Tây Melbourne. Trước tết khoảng ba tuần, khu thương mại của Hội Thương gia người Việt khai mạc hội chợ tết. Một khu phố được ngăn lại không cho xe cộ ra vào. Các gian hàng được dựng lên tạm thời, bày bán các thứ phục vụ cho ngày tết như băng đĩa nhạc cùng các món ăn Việt. Các gia đình người Việt thường nhân những ngày nghỉ dẫn con cái đến đó vui chơi, ăn uống.

Những trung tâm bán băng nhạc lớn mở nhạc ầm ĩ bằng những giàn loa cực “khủng”, làm cho không khí xuân càng thêm náo nhiệt. Người quen gặp nhau phải ráng lắm mới nói chuyện được vài ba câu rồi cười trừ vì ồn quá, chẳng ai nghe ai nói gì.

Khu ẩm thực đa phần là các món nướng như bò lá lốt, thịt nướng, gà nướng… khói nghi ngút, thơm điếc mũi! Khu vui chơi tận dụng các trò chơi gây cảm giác mạnh có sẵn dành cho thanh niên, hay nhẹ nhàng, êm ái như đu quay, nhà banh, lâu đài hơi, cầu tuột nhiều tầng cho trẻ em. Các cô cậu tuổi teen tha hồ dùng những bình xịt tuyết màu mè để xịt lên người nhau, đuổi nhau cười vang…

djhnfBjb.jpgPhóng to
Không chỉ có người gốc Việt trong khu hội chợ. Trong ảnh: xếp hàng xem biểu diễn văn nghệ

Hội chợ mở cửa cả ngày. Nếu buổi sáng thưa thớt, vắng vẻ thì từ 3 giờ chiều, khi trời đã dịu mát, người Việt bắt đầu đổ về. Đàn ông mời nhau uống chút gì đó nhưng không ai dám uống nhiều vì còn phải lái xe. Cánh phụ nữ lo mua sắm tết cho gia đình như bánh, mứt, dưa hấu, chả lụa…

Không khí tết trong gia đình

Dưa hấu là loại trái cây không thể thiếu trong ngày tết ở gia đình người Việt. Dưa hấu Úc có quanh năm, trái rất to, ruột đỏ. Vì trái dưa lớn quá nên ngày thường ít nhà mua nguyên trái, mà chỉ mua một phần, bọc trong bao nylon. Có loại dưa hấu trái nhỏ, tròn dành chưng tết. Cũng giống như Việt Nam, những trái dưa được dán bên ngoài những chữ Phúc, Lộc, Thọ hay hình ảnh ngày tết để các gia đình mua về chưng bàn thờ.

Gói bánh chưng cũng là một nét văn hóa tết của người Việt mà nhiều gia đình ở Úc còn giữ gìn được. Nguyên liệu để gói bánh chưng dễ dàng tìm thấy ở các siêu thị như nếp, đậu xanh, thịt nạc…

Anh Minh ở phía Tây Melbourne kể: “Hồi mới qua không có lá dong để gói bánh. Thế rồi không biết ai đó đã nảy ra sáng kiến là dùng… lá tre thay thế. Lá tre khai thác từ miền bắc nước Úc, phơi khô, bó lại từng chục lá, gửi theo xe chở hàng đi cả ngàn cây số đến các bang. Cũng có loại lá tre nhập từ Thái Lan, bán cho những nhà gói bánh chuyên nghiệp hoặc cho gia đình nào cần gói vài chiếc ăn chơi.

Lá tre được bán trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa. Có gia đình chuẩn bị lá tre cả tháng trước tết phòng lỡ thiếu. Cái bánh chưng gói bằng lá tre tuy không lớn bằng gói lá dong như bên nhà nhưng cũng đạt tiêu chuẩn bốn góc vuông vức, đầy đặn. Chỉ có điều bánh gói bằng lá tre có màu không được đẹp như gói lá dong hay lá chuối”.

Anh Minh cho biết rằng cây chả lụa cũng là món không thể thiếu trong gia đình anh. Cách làm chả lụa thì chỉ đơn giản là thịt xay cho vào bịch nylon rồi dùng giấy bạc quấn quanh. Những cây chả thành phẩm khoảng nửa ký có màu trắng bạc trông xinh xắn thật, nhưng không có vẻ đẹp của cây chả lụa truyền thống, xanh màu lá chuối úa.

Ở các tiệm, vào ngày tết có bán những cây chả lụa nặng khoảng một ký, khách mua chủ yếu là làm quà tết vì bên ngoài cây chả còn dán nhãn hay chữ rất đẹp, rất màu sắc tết. Thật ra, chả lụa luôn có quanh năm, nhưng tặng quà tết cho nhau là một nét văn hóa của người Việt và chả lụa thường là món quà biếu nhiều người chọn.

Nói đến quà tết, giờ đây người Việt trẻ ở Úc thực tế hơn, không mua những loại quà bánh phí phạm mà mua những thứ tiện dụng để dành dùng dần trong năm như dầu ôliu, nước mắm, bún khô, bia, nước ngọt, giò chả… rất hạp ý các bà nội trợ.

Ăn tết

xNBPKkcC.jpgPhóng to
Khu trò chơi dành cho trẻ em tại hội chợ tết

Anh Hùng, người đã định cư ở Melbourne ba mươi năm nay cho biết rằng hồi anh mới đến Úc, khi ấy công nhân còn hiếm, tết đến, người Việt đều nghỉ làm vì cho đó là ngày thiêng liêng của dân tộc. Các chủ hãng cũng tôn trọng, phải cho nghỉ. Năm sau, người chủ hỏi trả tiền cao hơn có đi làm không? Nhiều người Việt nghe trả tiền cao liền đồng ý. Người chủ cho rằng như vậy đâu phải ngày thiêng liêng và từ đó, họ không cho nghỉ nữa, mà cũng không trả lương làm thêm. Thế là ngày tết cũng vẫn như ngày thường, việc ai nấy làm.

Nếu ngày mùng Một tết rơi vào ngày bình thường thì sáng sớm hôm đó, gia đình anh Hùng ai nấy quần áo chỉnh tề. Sau khi thắp hương bàn thờ, hai vợ chồng anh bắt đầu… đợi khách. Khoảng 8 giờ, vợ chồng con gái lớn anh sang chúc tết, mừng tuổi cha mẹ, chuyện trò được vài câu là đến giờ đưa hai cháu ngoại đi học. Khoảng 10 giờ, lần lượt các con ở xa hơn đến thì vừa lúc hai vợ chồng con gái lớn đưa cháu đi học quay về. Cả nhà sum họp một bữa với rượu, bánh chưng, giò thủ, chả lụa, dưa món, nem chua… rất rôm rả.

Có năm, các con anh bận bịu quá thì dời tết lại, hẹn nhau sum họp vào ngày cuối tuần. “Có một, hai ngày tết, con cái về đầy đủ nên bà nhà tôi năm nào cũng gói bánh chưng, làm dưa chua để có hai món chủ lực trong ngày tết, cũng là cách nhắc nhớ cho các cháu nội, ngoại biết nguồn gốc của mình. Cực nhưng mà vui. Tôi và mấy ông bạn tri kỷ có dịp ngồi lại khề khà với nhau mà không bị các bà lườm, nguýt, nhắc nhở…”, anh Hùng kết luận.

Theo KIM DUYDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên