07/02/2016 18:00 GMT+7

Tết thì phải vui!

MINH HUYỀN ghi
MINH HUYỀN ghi

TTO - Những ngày giáp Tết, nhiều bạn đọc kể các kiểu chơi xuân, vui có, buồn có, thấy nhiều "nghĩa vụ" cũng có... Nhiều bạn đọc đã gởi TTO ý kiến: chúng ta không cho cái nào đúng, sai, quan trọng là Tết thì phải vui.

Tuy thời tiết giá rét, nhiều chị công nhân vẫn đang tỉ mẩn chăm sóc vườn hoa xung quanh Hồ Gươm.
Tuy thời tiết giá rét, nhiều chị công nhân vẫn đang tỉ mẩn chăm sóc vườn hoa xung quanh Hồ Gươm. "Chúng tôi đang thay áo mới cho cảnh quan thủ đô để người dân Tết ngày có nơi chụp ảnh, thưởng hoa", một chị công nhân vui cười - Ảnh: Minh Huyền

“Đón tết như thế nào còn tùy thuộc vào phong tục từng vùng miền, điều kiện và sở thích của mỗi gia đình. Quan trọng nhất là hai chữ “đoàn viên” và “hạnh phúc”. Đó mới là ý nghĩa của ngày tết Nguyên Đán”.

Trên đây là chia sẻ của chị Hà Thị Hải (31 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đông đủ, vui tươi

Chị Hải cho biết: “Mọi năm nhà tôi đặt gần chục cái bánh chưng, con gà vừa cúng vừa ăn cả tết. Đến nhà nào cỗ cũng giống nhau nên ăn nhiều sẽ bị ngán. Năm nay, tôn chỉ của chúng tôi là ăn tết đầy đủ phong tục truyền thống nhưng mua sắm tiết kiệm, tránh lãng phí. Quan trọng là không khí gia đình đông đủ, vui tươi”.

Chị Lý Thanh Thùy Vân (20 tuổi, quê ở Lạng Sơn) năm nay không về ăn tết cùng gia đình. Chị tranh thủ bán hoa quả suốt mùa tết vì đây là thời điểm kiếm được nhất năm.

“Tôi tranh thủ bán để dành dụm, hết tết tôi sẽ về thăm gia gia đình. Tôi đạp xe hàng qua phố Hàng Mã, nhân tiện mua ít bao đỏ và mấy tấm giấy dán hoa đào trang trí phòng trọ với các chị em cùng quê. Người lao động như chúng tôi, về quê có chút tiền dư dả mua sắm quần áo ấm và bánh kẹo về cho gia đình là hạnh phúc nhất rồi”, chị Thùy Vân tâm sự.

Ông bà Trần Quốc Hồng năm nay đã gần 80 tuổi (quận Thanh Xuân). Năm 2016 là năm đầu tiên con trai đón ông bà sang Đức ăn tết sau 5 năm đi tu nghiệp và lao động xa gia đình.

“Tôi rất hãnh diện khi con cái ổn định cuộc sống và có điều kiện đưa bố mẹ đi chuyến tàu bay vượt đại dương. Đây là lần đầu tiên tôi đi máy bay ra nước ngoài ăn tết xa quê nên hai thân già còn đang hồi hộp và lo lắng. Năm sau nhất định tôi sẽ bảo cháu đưa bạn gái về Việt Nam ăn tết cổ truyền. Tôi đã đóng va li từ cách đây cả tháng, chỉ còn chờ giây phút đoàn viên”, ông Hồng rưng rưng.

Lộc đầu xuân

Như mọi năm, anh Quang Vinh (quận 10, TP.HCM) đều để các bao lì xì như nhau. Năm nay, để vui và hồi hộp hơn, nhà anh sẽ chơi trò “Hái hoa dân chủ” với những bao lì xì có mệnh giá khác nhau từ 20.000, trong đó có 2 bao 500.000 treo trên cây mai.

“Khách đến nhà mỗi người hái một lộc trên cây để xem vận may của mình. Lì xì đầu năm vui là chính. Người lớn không nên xem là áp lực. Lì xì để san sẻ cho nhau những vận may. Tôi cam đoan, năm nay khách đến nhà tôi sẽ có những trận cười nghiêng ngả”.

T.Đ.T (22 tuổi, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: “Ba năm rồi từ ngày lên Hà Nội học, trước khi về quê, thôi theo mấy người anh kết nghĩa đi đánh đào, quất về bán ở dọc sông Kim Ngưu. Chút tiền dư ra nhiều ít tùy vào tình hình thời tiết và kinh tế của người dân. Dù gì, tết đến có việc làm kiếm thêm thì sinh viên như tôi không bao giờ chê. Mua được quà về quê cho thầy u, cho bà ngoại và các em nhỏ thì còn gì hạnh phúc bằng. Tuy chẳng đáng là bao, tôi không muốn về tay không, xanh xanh, đỏ đỏ, em nhỏ nó mới mừng”.

Năm nay, thấy tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm không được yên tâm, khu dân cư của chị Vũ Sáu (tiểu thương chợ Lớn, ngụ quận 6) quyết định góp tiền tự gói bánh chưng. Khu dân cư của chị có gần 20 nhà trong một hẻm cụt kín gió có khoảng sân chung. Ngày 29 tết, phụ nữ rửa lá, cắt thịt, gói bánh, đàn ông nhóm lửa, luộc bánh và canh chừng tránh cháy nổ.

“Quan trọng là bọn trẻ con trong xóm cũng biết được tận mắt phong tục và cách thức để gói bánh chưng. Nào giờ chỉ ăn chứ chưa được đụng tay vào làm. Ngoài anh em gia đình đoàn tụ, chòm xóm có nhau cũng đáng quý. Kể ra xóm nào cũng tụ nhau làm bánh chưng, bánh tét như xóm tui mới vui. Vừa tiết kiệm và an toàn vệ sinh”, chị Sáu chia sẻ.

“Cả đời 3 chị em chị chưa mặc áo dài lấy một lần. Có tiền đám cưới là may lắm rồi nữa là áo dài cô dâu. Năm nay, con cháu làm ăn được tặng các mẹ các dị áo dài vải se-quin lấp lánh. Cả nhà hạnh phúc quá chừng. Nhà tôi đang đợi đường hoa Nguyễn Huệ mở cửa, cả gia đình sẽ thuê thợ chụp bộ ảnh kỉ niệm Xuân Bính Thân. Chắc năm nay sẽ rất vui”, chị Sáu phấn khởi.

Tôi vẫn thích không khí tết cổ truyền với đầy đủ mâm ngũ quả cầu-dừa-đủ-xài, bánh chưng bánh tét, thịt kho, dưa hành. Dù năm nào cũng lặp lại không mỗi năm vẫn mỗi trông đợi. Ăn tết truyền thống cho đúng truyền thống để mang đặc trưng người Việt, không lẫn với ai, miễn an toàn cho sức khỏe, không lãng phí và ấm tình người. Tôi cầu chúc một năm Bính Thân bình an, ấm no và hạnh phúc.
Bà Minh Nguyệt (52 tuổi, quận 10, TP.HCM)
Hai người hàng xóm nhà ở Hàng Bông hội ngộ nhau ở chợ hoa Hàng Lược, chúc nhau những lời chúc đầu xuân. Ảnh: Minh Huyền
Hai người hàng xóm nhà ở Hàng Bông hội ngộ nhau ở chợ hoa Hàng Lược, chúc nhau những lời chúc đầu xuân. Ảnh: Minh Huyền
MINH HUYỀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên