29/01/2022 10:26 GMT+7

'Tết cô chú về nhớ đừng ăn nhiều nhé'

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Vừa kiểm tra máy chạy thận, y tá Hà Kim Điệp (Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai) vừa khẽ nhắc: 'Tết cô chú về nhớ đừng ăn nhiều nhé'. Mọi người cười: 'Biết rồi mà, năm nào cũng nhắc!'.

Tết cô chú về nhớ đừng ăn nhiều nhé - Ảnh 1.

Có những bệnh nhân đã chạy thận hơn 20 năm, đó là một hành trình dài mệt mỏi - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Những ngày cuối năm, khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vắng vẻ hơn ngày thường, chỉ còn vài người nhà cùng bệnh nhân đi lại. Bên trong Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, máy lọc máu vẫn hoạt động hết công suất. Mọi công việc vẫn diễn ra như 364 ngày còn lại của năm.

Ngày 31-1 (tức 29 tháng chạp), anh Trịnh Viết Năm (38 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chạy thận ngày cuối cùng của năm. Sau đó, anh sẽ trở về đón Tết bên gia đình và trở lại bệnh viện vào mồng 2 Tết.

Phát hiện mắc suy thận từ 10 năm trước, đến nay đã 10 năm chạy thận nhân tạo, quãng thời gian đủ dài để anh Năm quen với việc đón Tết trong bệnh viện. Cứ 1 tuần 3 ngày vào bệnh viện chạy thận, mỗi lần hơn 3 tiếng.

Hai vợ chồng anh Năm bán thịt heo tại chợ Cầu Lủ (Hoàng Mai, Hà Nội), sáng 6h đưa vợ ra chợ rồi chạy vào viện chạy thận. Trưa chạy xong anh Năm lại ra chợ để phụ vợ bán hàng, dọn hàng về. Vợ anh 5 năm trước cũng phát hiện mắc ung thư vòm họng, hai vợ chồng đưa nhau đi viện nhiều hơn ở nhà.

"Ban đầu cũng buồn lắm. Người ta thì đi sắm sửa Tết, trang trí nhà cửa, còn mình thì chỉ lo xem lịch chạy thận ngày bao nhiêu, có kịp về nhà đón giao thừa hay không. Mấy năm đầu còn phải chạy cả mồng 1 Tết, nhưng vài năm gần đây được các bác sĩ sắp xếp lịch cho mình tránh mồng 1 để mọi người được ở nhà cùng gia đình ngày đầu năm", anh Năm tâm sự.

Đã có "thâm niên" chạy thận 11 năm, vết kim truyền trên cánh tay đã sưng chai thành cục., bà Phạm Thị Oanh (62 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) vừa chạy thận vừa vui vẻ nói chuyện với các bệnh nhân khác. Những bệnh nhân chạy thận ở đây, ít cũng 3-4 năm, nhiều thì hơn 10 năm, mọi người như những người bạn "bất đắc dĩ".

Bà Oanh chia sẻ: "Có năm phải chạy thận đúng mồng 1 Tết, đi đường chẳng có ai, một mình mình một đường. Năm nay chạy lúc 2h sáng 29 tháng chạp, vẫn kịp về nhà dọn dẹp nhà cửa, đón giao thừa cùng con cháu".

Tết cô chú về nhớ đừng ăn nhiều nhé - Ảnh 2.

Y tá Hà Kim Điệp vui vẻ nói chuyện, hỏi han, dặn dò bệnh nhân trước khi nghỉ Tết - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Vừa kiểm tra máy chạy thận, y tá Hà Kim Điệp vừa khẽ nhắc: "Tết cô chú nhớ đừng ăn nhiều nhé". Bà Oanh cười nói: "Đấy, cứ Tết các y bác sĩ dặn ăn ít thôi, không được ăn nhiều, phải "giữ mồm giữ miệng".

Tôi vẫn hô khẩu hiệu "quyết tâm" nhưng đôi khi cũng không kiềm chế được, ngày Tết không được ăn uống cũng buồn lắm. Nhưng vẫn phải nhịn vì bệnh của mình vậy rồi, ăn uống không kiêng là kali tăng, huyết áp tăng, … phải đi cấp cứu thì khổ cả mình lẫn con cháu".

Một năm dịch bệnh, Tết năm nay bà Oanh dự định sẽ ở nhà đón Tết cùng gia đình, không đi chúc Tết bởi không may nhiễm COVID-19 thì việc chạy thận sẽ vất vả hơn nhiều.

Chỉ mới 30 tuổi nhưng Lê Văn Trường (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã có 9 năm chạy thận. Trước đây anh tự đến bệnh viện chạy thận hàng tuần, nhưng từ khi bị tai biến cách đây 5 năm, một mắt mất hoàn toàn thị giác, bố anh phải đưa đến bệnh viện chạy thận.

"Về tuổi thì trẻ hơn các bác nhưng về "thâm niên" chạy thận thì hơn hẳn mọi người. Ở đây mọi người có bệnh như mình, giống mình nên mình cũng đỡ tủi thân hơn", anh Trường lạc quan.

Y tá Hà Kim Điệp vui vẻ nói chuyện, hỏi han, dặn dò bệnh nhân trước khi nghỉ Tết: "Gọi là bệnh nhân thôi, chứ thật sự mọi người ở đây chẳng khác gì người nhà. Một tuần 3 buổi đến đây, bao nhiêu năm như vậy không có tình cảm sao được.

Có bệnh nhân ở đây bán thịt heo, các bác sĩ cũng đặt mua. Đợt dịch vừa rồi, mọi người đi lọc máu còn mang theo rau, thịt để tặng bác sĩ vì sợ mọi người không có đồ ăn.

Tết này chỉ lo mọi người ăn uống không đúng quy định, ngộ độc,… Với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, dinh dưỡng quan trọng lắm. Không chú ý sẽ rất nguy hiểm".

Tết cô chú về nhớ đừng ăn nhiều nhé - Ảnh 3.

Trung tâm đang tiếp nhận lọc máu chu kỳ cho 320 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nội trú dao động 190 người - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Dũng - phó giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, hiện trung tâm có 154 cán bộ y tế bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Trung tâm đang tiếp nhận lọc máu chu kỳ cho 320 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nội trú khoảng 190 người.

Đặc trưng của bệnh nhân chạy thận là phải chạy thận đúng thời gian, cách 1 ngày phải chạy thận nhân tạo bởi vậy hầu như các y bác sĩ cũng không có ngày nghỉ Tết.

"Nhân viên y tế không có giờ giấc làm việc cố định, ngày 5 ca, ca 1 bắt đầu từ 6h sáng. Giờ bắt đầu thì có nhưng không có giờ kết thúc vì hết bệnh nhân lọc máu mới được nghỉ.

Có những năm, ngày mùng 1 tết vẫn bắt đầu làm việc từ 6h30 sáng. Những năm gần đây trung tâm cố gắng sắp xếp lịch chạy thận cho bệnh nhân tránh đêm giao thừa và mồng 1 Tết để mọi người có thể đón giao thừa bên gia đình.

Năm nay tình hình căng thẳng hơn, chúng tôi lo sợ vì họ về quê nhiễm bệnh, một số địa phương quy đinh phức tạp có thể làm chậm lịch chạy thận - lọc máu của bệnh nhân", bác sĩ Dũng chia sẻ.

Nói về sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ của trung tâm khi những ngày Tết vẫn phải túc trực bên máy chạy thận nhân tạo, bác sĩ Dũng xua tay: "Khoa cấp cứu còn vất vả hơn nhiều, chúng tôi chưa vất vả gì đâu".

Tết ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19: ‘Xa nhà chỉ mong mọi người về nhà’ Tết ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19: ‘Xa nhà chỉ mong mọi người về nhà’

TTO - Ngày 28-1, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tổ chức chương trình Tết sớm cho hàng trăm nhân viên y tế. Nhiều người xúc động rớt nước mắt vì không nghĩ mình và các đồng nghiệp có được không khí đón Tết vui như vậy.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên