Mực nước các hồ chứa giảm dần khiến thủy lợi tiết giảm lưu lượng xả xuống. Trong khi đó, nhiều diện tích lúa và hoa màu phụ thuộc nước trời đang khô khốc vì không có mưa, nước ngầm khan hiếm.
Lúa, hoa màu khô cháy vì thiếu nước
Bước đi giữa cánh đồng lúa đang cháy sạm vì thiếu nước giữa xã Ia Ake, Phú Thiện, Gia Lai, gương mặt anh nông dân Siu Thuyên lộ nét tiếc nuối ngẩn ngơ nhìn mấy ha lúa chưa thu hoạch đã héo úa.
Mấy tháng rồi trời không mưa, 4ha lúa của Siu Thuyên khô dần rồi chuyển màu vàng úa, những đọt bông trổ ra khô khốc lép kẹp vì không đậu hạt. Bao nhiêu công sức mấy tháng trời cùng hàng tá chi phí phân giống, cuốc cày dễ mất đứt theo vụ lúa mất mùa này.
Trăm thứ trong nhà trông cả vào vụ lúa, từ trang trải sinh hoạt gia đình tới lo cho con cái học hành, trả nợ phân giống... Mới nghĩ tới thôi Siu Thuyên đã bàng hoàng gánh lo nợ nần sắp ập tới, chẳng biết xoay xở ra sao!
Cách đó không xa, bà Trần Thị Liên (67 tuổi), trú thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ, rầu rĩ ngồi bên rẫy mì khát khô vì thiếu nước. Bà cụ gầy gò, gương mặt sạm đen giữa nắng trưa đương lo rối ruột không biết mưa có kịp đến cứu hạn cho cây mì? Mùa khô năm nay đến quá sớm, rẫy mì khô khốc tung bụi mịt mù theo từng cơn gió quét qua.
Bà Liên chỉ tay, bảo mấy cây mì còi cọc cao hơn hai gang bàn tay đã trồng gần ba tháng nay không lớn nổi, đang chết dần chết mòn. Vườn điều bên cạnh đang kỳ trổ bông gặp ngay đợt hạn, năm nay nhà bà cụ cầm chắc mất mùa, đời sống khó khăn là khó tránh khỏi.
"Hàng xóm quanh đây những nhà có điều kiện bỏ tiền lắp trạm bơm chống hạn, tốn cả trăm triệu bạc. Nhà tui khó khăn, già rồi chẳng có tiền làm, đành ngửa mặt lên trời xin giọt nước mưa cứu rẫy mì", bà Liên chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, tại vùng trồng lúa và hoa màu phụ thuộc nước trời tại xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, hàng chục ha hoa màu đang khô khốc vì thiếu nước tưới. Trên các rẫy trồng mì, cây mì còi cọc, lay lắt trong nắng hạn. Nhiều rẫy mì trồng 2 - 3 tháng không phát triển nổi, cây thấp lùn, lá lưa thưa.
Trong khi đó, tại cánh đồng trồng lúa bên dưới, nhiều thửa lúa nếp đang bị chín ép bởi thiếu nước tưới và nắng to. Do trời khô hạn, nhiều vạt lúa không kết bông, trong khi những khu vực khác khô cháy lá vàng úa. Không đợi được nước trời, nhiều nông dân bỏ tiền đầu tư giếng khoan bơm bằng năng lượng mặt trời để vớt vát chút công sức.
Dưới mỗi chòi lắp tấm pin năng lượng, chiếc máy bơm chạy miệt mài suốt ngày chỉ cứu vớt được một diện tích hạn chế.
Bên chiếc máy bơm nổ bì bạch, ông Trần Văn Thân tận dụng chút nước ít ỏi sót lại để bơm tưới cho 5ha hoa màu trên cánh đồng thôn Đoàn Kết, thị trấn Phú Thiện. Ngoài lúa, gia đình ông trồng thêm khoai lang và một số cây trồng khác với hy vọng kiếm thêm vụ này.
Ông Thân nhăn mặt, bảo năm nay thiếu nước nặng quá, mỗi ngày phải cắn răng bỏ ra 600.000 đồng mua dầu bơm tưới cứu hạn. Chi phí đội lên hằng ngày, trong khi giá khoai lang cứ cắm đầu đi xuống.
Ông Thân chép miệng, bảo "khéo tiền thuốc không lại tiền men, lỗ chứ chẳng chơi!". Không riêng gì ông Thân, trên cánh đồng mấy trăm ha đất này ai cũng như ai. Thiếu nước, cây lúa héo khô, nông dân tiếc của gặt về làm thức ăn cho trâu bò.
Thủy lợi giảm nước, nông dân lo lắng
Trao đổi với PV, ông Tống Văn Tần, phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, cho hay toàn xã có hơn 400ha lúa nước. Trong đó, khoảng 200ha hợp tác xã quản lý, có mương thủy lợi cơ bản đảm bảo nước tưới, còn hơn 200ha người dân tự phát trồng khu vực suối Ia Ake đã rơi vào khô hạn do không có nước trời.
Theo ông Tần, khu vực này năm nào cũng khô hạn, nhưng mùa khô năm nay đến quá sớm, nhiều diện tích chưa thu hoạch được đã hư hại.
Ông Tần cho hay vừa qua có tin hồ Ayun Hạ sẽ tiết giảm lượng nước xả xuống vì lượng nước hồ hiện đang giảm thấp. Đây là thông tin gây nhiều lo lắng cho bà con vì hiện nay diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa đều phụ thuộc vào hồ này.
Theo ông Đinh Văn Ân - giám đốc Chi nhánh đầu mối hồ Ayun Hạ, hơn một tháng qua lượng nước về hồ bằng 0. Do đó, để tiết kiệm nước phục vụ tưới tiêu, hồ sẽ giảm lưu lượng điều tiết trong thời gian tới.
Ông Ân cho hay sẽ cố gắng đảm bảo nước tưới đối với các vùng trồng nằm trong hệ thống thủy lợi. Đối với các vùng trồng tự phát, không có hệ thống mương thủy lợi, ông khuyến cáo người dân không sản xuất mùa này.
Phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện cho hay năm nay nắng hạn diễn ra sớm hơn cùng kỳ hằng năm. Nguồn nước từ suối Ia Ake, E Hú và các ao hồ, giếng khoan của người dân đã cạn kiệt từ giữa tháng 2-2024.
Hiện tại, lượng nước tưới gần như không còn đủ cung cấp cho diện tích cây trồng sắp đến ngày thu hoạch. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, nhiều khả năng người dân khu vực này sẽ mất trắng vụ mùa năm nay.
Để giải quyết tình hình, trước mắt địa phương đã sử dụng trạm bơm điện dã chiến đặt tại kênh chính thủy lợi Ayun Hạ, lắp đặt đường ống dẫn bơm nước liên tục vào lòng suối Ia Ake để người dân tự bơm vào ruộng.
Quản lý chặt nguồn nước, sử dụng tưới tiết kiệm
Trong khi đó, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Păh dù còn cầm cự được nhưng mực nước tại các sông suối, ao hồ, đập thủy lợi đã bắt đầu sụt giảm.
Trước tình hình khô hạn, ông Dương Mah Tiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường phòng chống hạn, phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô.
Trong đó, kiểm tra và rà soát các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương để xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất. Tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân.
Theo dõi chặt tình hình thời tiết, khí hậu để xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp. Khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng sử dụng ít nước để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Đồng thời quản lý chặt nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các đơn vị khai thác vận hành đập, hồ chứa thủy điện có kế hoạch xả nước hợp lý kết hợp phát điện và ưu tiên tưới chống hạn mùa khô.
Tổ chức nạo vét kênh mương, lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng, ưu tiên nước cho sản xuất chăn nuôi. Đối với các vùng trồng không đảm bảo tưới tự chảy phải tổ chức trạm bơm dã chiến để bơm tưới cho cây trồng.
1.777ha lúa và cà phê tỉnh Kon Tum có nguy cơ thiếu nước
Tại tỉnh Kon Tum, dự báo ba tháng tới có nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng. Đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở TP Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei.
Theo tỉnh này, tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.777ha, gồm 783ha lúa và 994ha cà phê.
Dự báo xảy ra hạn hán diện rộng
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, trong các tháng đầu năm 2024 lượng mưa phổ biến tại Gia Lai thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ cuối năm 2023 tới nay, mực nước trên các sông suối giảm dần và xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước cục bộ tại một số vị trí không chủ động nguồn nước tưới và xa các công trình thủy lợi.
Theo đó, mực nước trên sông Ba và sông Ayun có xu thế giảm dần, tổng lượng dòng chảy thấp hơn từ 31 - 49% so với trung bình nhiều năm. Dự báo từ nay tới tháng 5-2024 khô hạn còn tiếp diễn và nắng nóng sẽ xuất hiện và mở rộng.
Trong thời gian này các sông suối tỉnh Gia Lai có khả năng cao xảy ra thiếu hụt nguồn nước. Dẫn tới hạn hán cục bộ tại một số vùng không chủ động được nước tưới và xa công trình thủy lợi. Đơn vị này cũng dự báo từ cuối tháng 3 sẽ có khả năng xảy ra hạn hán diện rộng tại Gia Lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận