Trong ngày 29-12 các hoạt động tìm kiếm bằng máy bay, tàu cứu hộ cũng không được triển khai sau những nỗ lực tìm kiếm tàu Vinalines Queen không thành.
Ông Nguyễn Anh Vũ - tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) - cho biết trong ngày 29-12, Nhật Bản, Đài Loan đã ngừng sử dụng máy bay, tàu cứu hộ tìm kiếm tàu Vinalines Queen sau những lần tìm kiếm không thành.
Phía Philippines thông báo sẽ có kế hoạch tìm kiếm tiếp theo.
Tuy nhiên,Việt Nam MRCC vẫn tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn tàu Vinalines Queen bằng các biện pháp: sử dụng hệ thống thông báo liên lạc với các tàu hoạt động gần khu vực tàu Vinalines Queen mất liên lạc để yêu cầu các tàu cảnh giới, hỗ trợ phát hiện dấu vết tàu Vinalines Queen; tiếp tục phát các thông báo hàng hải; phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực, các tổ chức quốc tế kịp thời thông báo những thông tin mới nhất liên quan đến tàu Vinalines Queen.
Đến 16 giờ 29-12, công tác tìm kiếm cứu hộ vẫn chưa có kết quả.
Công ty Vận tải biển Vinalines (Vinalines Shipping – chủ tàu Vinalines Queen) cho biết để tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm cứu nạn như đề nghị Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam hỗ trợ thông báo tới các chính quyền địa phương ven biển của Philippines tại khu vực tàu Vinalines Queen mất liên lạc để tìm kiếm dấu hiệu của tàu.
Theo thạc sĩ Đào Quang Dân - phó trưởng bộ môn xếp dỡ hàng hóa, khoa điều khiển tàu biển (Đại học Hàng hải) - cho biết nếu giả thiết quặng nikel trên tàu Vinlines Queen bị hóa lỏng và dồn về một bên làm nghiêng tàu khi gặp sóng to thì rất nguy hiểm cho ổn định tàu.
Quặng nikel có cảm tưởng rất rắn nhưng có tính nhão chảy cao khi bị tác động bởi hơi ẩm, va đập thì sẽ hóa lỏng (dạng sệt) trong thời gian ngắn. Ngoài việc không đảm bảo độ ẩm trước khi vận chuyển thì quặng nikel cũng có khả năng bị nhão chảy do bị rung lắc, tác động của hơi ẩm từ sóng gió trong quá trình tàu vận hành”- ông Dân cho biết.
Theo thông báo của chủ tàu, tàu Vinalines Queen bị nghiêng khi chở quặng trong điều kiện gió giật cấp 9 và thuyền trưởng đã chuyển hướng 2.400 về vị trí an toàn gần nhất của Philippines.
Ông Dân nhận định: nếu gặp trường hợp tàu bị nghiêng về một bên mạn, sĩ quan điều khiển tàu sẽ có thao tác quen thuộc là bẻ lái để tàu chuyển hướng về phía mạn không bị nghiêng. Nhưng không như ôtô xe máy, đặc tính của tàu khi bẻ lái về mạn không nghiêng thì tàu sẽ tiếp tục nghiêng về mạn đang bị nghiêng trước khi ổn định.
Ví dụ tàu nghiêng 18 độ phải thì sẽ bẻ lái sang trái nhưng trước khi tàu đi vào ổn định trong vòng khoảng 2-3 phút tàu vẫn tiếp tục nghiêng về mạn phải. Nếu tình huống đó gặp sóng to, tàu chở gần đầy tải trọng và quặng bị nhão thì khả năng bị lật tàu rất cao.
Với thuyền trưởng và sĩ quan điều khiển có kinh nghiệm thì sẽ bẻ lái về hướng tránh khối sóng đánh vào mạn tàu bị nghiêng và gió thổi ngược vào mạn tàu bị nghiêng là giải pháp tốt nhất.
Tuy chưa đủ cơ sở khẳng định tàu Vinalines Queen bị chìm nhưng ông Dân cho rằng điều khó hiểu nhất là đến thời điểm này tàu vẫn mất tín hiệu.
“Nếu tàu bị lật, chìm thì hai phao phát tín hiệu cấp cứu ở hai bên mạn tàu sẽ tự động bung ra và phát tín hiệu tự động. Tàu chỉ chìm trong khoảng 4m thì phao sẽ tự nổi và tự phát tín hiệu cấp cứu. Dù chìm kiểu gì cũng phải có 1 trong 2 phao phát tín hiệu. Cạnh đó, khi tàu bị lật, các phao bè cứu sinh tự bung ra. Nhưng không hiểu sao các lực lượng tìm kiếm không tìm được một vật nổi trên biển. Chỉ có thể tàu lật quá nhanh thì phao bị giữ không nổi lên nên không phát được tín hiệu. Cũng có khả năng tàu cập những cảng không đảm bảo an ninh nên thuyền viên buộc chặt phao để tránh trộm cắp rồi quên nới lỏng khi tàu hành trình nên phao không tự bung ra được ” - ông Dân nêu giả thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận