Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh nhỏ: Hình ảnh được phó giáo sư Ryan Martinson đăng tải trên Twitter cho thấy hải trình của tàu Hải Dương địa chất 8 từ ngày 3-7 tới 19-7, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - Ảnh chụp màn hình HK01
Tiến sĩ Trần Công Trục, chuyên gia luật biển, nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, phân tích pháp lý cặn kẽ về chủ quyền của Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông được Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu trong tuyên bố tối 19-7.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Bà Hằng khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Căn cứ pháp lý rõ ràng của Việt Nam
Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của UNCLOS 1982, Luật biển Việt Nam năm 2012 cũng như các tiền lệ luật pháp, đặc biệt phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, chúng tôi đánh giá khẳng định trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Khu vực phía nam Biển Đông được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện xấp xỉ trên dưới 200 hải lý.
Chúng tôi nhấn mạnh đến khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý bởi vì còn có ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể mở rộng ra đến 350 hải lý, nếu chứng minh được bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý.
Vì vậy, Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo điều 60, UNCLOS 1982 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.
Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
Lập luận ngụy biện của Trung Quốc
Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của "quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của họ. Nhưng lập luận ngụy biện này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt đã bị phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 (được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982) bác bỏ.
Chiếu theo Công ước Luật biển, bãi Tư Chính hay bãi ngầm Tư Chính, một cụm san hô ở phía nam Biển Đông, nằm trong thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam nước này [trong đó có bãi Tư Chính] thành đảo nổi và không gán ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
Do đó, Trung Quốc đang âm mưu biến khu vực bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam (được công nhận chiếu theo UNCLOS 1982) thành khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.
Chiến thuật gặm nhấm lãnh thổ
Phán quyết của Tòa trọng tài đã cung cấp và giải thích cho chúng ta những khái niệm pháp lý rất chính xác và rõ ràng, có thể được xem như là một phụ lục của UNCLOS 1982, giúp chúng ta có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông trước những tính toán giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông, không chỉ những nội dung mà phán quyết Tòa trọng tài đã tuyên mà còn các nội dung khác nữa.
Để hiện thực hóa yêu sách này, ngày 8-5-1992, một công ty nhỏ của Mỹ, Crestone Energy Corporation, được Trung Quốc cấp quyền thăm dò dầu khí trên một phạm vi biển rộng đến 25.155 km² mà Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc, cạnh khu vực bãi ngầm Tư Chính.
Đồng thời, Trung Quốc cũng ký hợp đồng giao 5.076 km² biển tại bãi Tư Chính cho doanh nghiệp này.
Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ động thái này của Trung Quốc, trong khi vẫn tiến hành cấp quyền một lô dầu khí cạnh đó cho hãng Mobil của Mỹ.
Đến năm 1994, Crestone lại có kế hoạch thăm dò lô Vạn An Bắc 21 (theo cách gọi của Trung Quốc) nhưng Việt Nam đã kiên quyết ngăn cản nên công ty này phải dừng hoạt động.
Cũng trong năm này, Việt Nam thuê Công ty Vietsovpetro tìm cách khoan một giếng dầu trong khu vực.
Hai năm sau, vào năm 1996, Việt Nam đã ký hợp đồng với hãng Conoco của Mỹ thăm dò dầu khí tại hai lô 133 và 134, bao trùm diện tích 14.000 km² tại vùng biển hầu như trùng khớp với vùng biển mà Trung Quốc giao cho Crestone năm 1992.
Trung Quốc xem hành động của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị, đồng thời cảnh cáo trực tiếp Công ty Conoco. Việt Nam cho rằng không cần phải thảo luận với Trung Quốc về hợp đồng dầu khí, bởi lẽ vùng khai thác thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam…
Trung Quốc đang tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm lãnh thổ theo phương châm "cháo nóng húp quanh" đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012, bãi Cỏ Mây…
Đáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80km, bãi Cỏ Rong ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận