Dự án Imperia Sky Garden đang tiếp tục thi công (ảnh chụp ngày 11-11). Ảnh - CHÍ TUỆ |
Dư luận không chỉ vô cùng phẫn nộ mà còn đặt ra trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị giám sát công trình.
Trong quá trình khoan cọc xây dựng Trung tâm hỗn hợp thương mại và nhà ở tại số 423 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy (Hà Nội), hàng trăm tiểu sành có hài cốt người đã được phát hiện. Tuy nhiên, thay vì báo cáo với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để tìm hướng xử lý, đơn vị thi công đã tìm cách “tẩu tán” những hài cốt này sang tỉnh khác.
Được biết, công trình này do Công ty CP Dệt Minh Khai làm chủ đầu tư và có sự hợp tác phát triển dự án với Công ty Phát triển bất động sản M.I.K Việt Nam (M.I.K Land).
Có thể xử lý hình sự tội xâm phạm mồ mả, hài cốt
Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, để xác định trách nhiệm của liên quan đến việc hàng trăm bộ hài cốt đã bi di dời và chôn cất trái phép ở nơi khác, cần phải xác định loại đất khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành bàn giao đất cho chủ đầu tư dự án.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư là đất nghĩa trang, nghĩa địa thì cần phải có trách nhiệm thông báo cho chủ đầu tư và tiến hành di dời toàn bộ hài cốt để tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư, nếu không thực hiện việc thông báo và di dời thì người có thẩm quyền trong việc giao đất phải chịu trách nhiệm.
Nếu chủ đầu tư đã được biết về nguồn gốc đất là nghĩa trang, nghĩa địa hoặc trong quá trình xây dựng khi phát hiện hài cốt trong khu đất thì có trách nhiệm phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành giải quyết, không được tự ý tiến hành việc di dời.
Ngoài ra, theo quy định về việc đầu tư xây dựng công trình, khi tiến hành chuẩn bị đầu tư xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm tiến hành khảo sát và lập báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong quá trình khảo sát thì chủ đầu tư cần phải biết tình trạng đất đai là như thế nào, nếu chủ đầu tư cố tính lập báo cáo sai sự thật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có biện pháp xử lý.
Trong trường hợp chủ đầu tư khi phát hiện hài cốt, mồ mả mà không tiến hành báo cáo có thể bị xử lý hành chính tùy hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không chính xác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc khảo sát, thi công xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.
Theo các luật sư, việc đơn vị xây dựng và những người trực tiếp đào bới, di dời hàng trăm bộ hài cốt phát hiện tại địa điểm xây dựng đến nơi khác nhưng không thông báo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, không thông báo với gia đình thân nhân có hài cốt có dấu hiệu vi phạm pháp luật xâm phạm an ninh trật tự xã hội, có dấu hiệu xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại điều 246 Bộ Luật Hình Sự (BLHS) về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt .
Cụ thể, điều 246 BLHS quy định người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Ngoài ra, người có hành vi xâm phạm mồ mả còn phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 629 BLDS 2005, thiệt hại phải bồi thường bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
LS Trần Ngọc Quý, Đoàn LS TP.HCM cho biết đối với các đơn vị, cá nhân trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng nếu phát hiện các ngôi mộ, hài cốt thì cần liên hệ thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có thẩm quyền để phối hợp giải quyết.
Việc báo cáo có mục đích để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tiến hành xác minh, tìm hiểu về nguồn gốc, nhân thân của hài cốt và có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, phải thông báo đến gia đình thân nhân có mồ mả, hài cốt đến tiến hành di dời, đảm bảo quá trình di dời hài cốt, mồ mả theo đúng quy định pháp luật. Không chỉ phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp, mà còn đáp ứng tâm tư tình cảm chính đáng của các gia đình thân nhân có mồ mả, hài cốt trong khu vực đang tiến hành xây dựng.
Cư xử không phải phép với người đã khuất
GS, nhà văn hóa Kiều Thu Hoạch cho rằng việc tự ý di dời, chôn cất ở nơi khác những hài cốt phát hiện ở công trình xây dựng là việc làm không nên.
“Có những điều về mặt tâm linh mà chúng ta vẫn chưa lý giải được. Nếu phát hiện có hàng trăm hài cốt dưới nền đất xây dựng thì nên hỏi ý kiến chính quyền địa phương, tìm hiểu xem những hài cốt này là của ai và di dời đến nghĩa trang một cách đàng hoàng, tử tế. Nếu có thể thì mời các nhà sư đến cầu siêu cho họ. Sau khi đưa hết các hài cốt đến nghĩa trang thì hãy tiếp tục xây dựng”, GS Kiều Thu Hoạch nói.
Còn GS.TS Đỗ Quang Hưng (Trường ĐH KHXHNV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng chưa bàn đến khía cạnh pháp luật thì về mặt tâm linh, truyền thống đạo lý của người VN đối với người đã khuất, cách hành xử này là “rất tệ”.
“Chúng ta đều biết người VN có ý thức tuyệt đối tránh chuyện “động mồ động mả”. Ngay từ xa xưa, các bộ luật cũ đều thể hiện rõ điều này. Công trình xây dựng dù lớn thế nào cũng phải tránh, trong trường hợp không thể tránh thì phải hành xử một cách tử tế và tôn trọng người đã khuất”, GS.TS Đỗ Quang Hưng nói.
GS.TS Đỗ Quang Hưng nói thêm, trong điều kiện “tấc đất tấc vàng” ở các đô thị hiện nay, mâu thuẫn giữa truyền thống và phát triển luôn tồn tại. Vì thế, trong từng trường hợp phải có cách ứng xử phải phép với người đã khuất và công khai trước mọi người trước khi tiến hành bất kỳ động thái nào.
“Tôi cho rằng chủ đầu tư phải đứng ra xin lỗi thành phố, xin lỗi vong linh người đã khuất vì cách hành xử này của mình. Sau đó có thể làm lễ cầu siêu, xin ý kiến để di dời hài cốt những người đã khuất đến một địa điểm hợp lý”, GS.TS Đỗ Quang Hưng chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận