14/03/2005 14:33 GMT+7

Tàu E1: Tai nạn do chạy quá tốc độ?

Theo TTXVN - VietNamNet
Theo TTXVN - VietNamNet

Công an Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án: “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện vận tải giao thông đường sắt“ qua vụ tai nạn tàu E1 tại Lăng Cô làm chết 13 người.

lLmKVyvx.jpgPhóng to
Ành: SGGP Online

Việc thu thập các chứng cứ liên quan đến vụ tai nạn tàu E1 đang được tiến hành khẩn trương; riêng đầu máy tàu E1 (có hộp đen) được niêm phong ngay sau khi xảy ra tai nạn để phục vụ công tác điều tra.

Theo các nhân chứng gần hiện trường lúc xảy ra tai nạn, rất có thể tàu E1 chạy quá tốc độ cho phép. Vụ án đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ...

Cùng thời gian này, ông Khuất Minh Trí, Chủ tịch Công đoàn đã cùng đại diện Đảng ủy Tổng công ty đường sắt Việt Nam đến Thừa Thiên-Huế thăm hỏi các nạn nhân bị tai nạn trong vụ tàu E1 tại Lăng Cô đang được điều trị tại Bệnh viện TW Huế, bệnh viện huyện Phú Lộc và trao số tiền hỗ trợ của đơn vị đối với nạn nhân bị tử vong là 1 triệu đồng, người bị thương là 500.000 đồng. Bảo hiểm xã hội cũng đã làm thủ tục chi trả theo quy định cho các nạn nhân, bình quân khoảng 3 triệu đồng đối với người bị thương.

Ông Bùi Đức Phú, Phó giám đốc Bệnh viện TW Huế cho biết, đến sáng 14-3 đã có 14 bệnh nhân ra viện, số bệnh nhân còn lại đang điều trị tại bệnh viện là 18 người; trong đó có 10 ca bị thương nặng được mổ cấp cứu. Tại bệnh viện huyện Phú Lộc, số bệnh nhân nhập viện ban đầu là 35 người, nay một số ra viện, số chuyển lên tuyến trên, hiện còn lại 2 người.

Không mua bảo hiểm tài sản, tàu E1 không được bồi thường

Các đoàn tàu Thống nhất chưa mua bảo hiểm tài sản nên các thiệt hại về tài sản của ngành đường sắt sẽ không được đền bù, ông Đoàn Văn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm con người của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) - cung cấp cho biết. "Tại Việt Nam đã có loại hình bảo hiểm tài sản. Bảo Việt cũng đã mời chào nhưng ngành đường sắt chưa tham gia với lý do còn phải cân đối tài chính", ông Tú nói.

Về phía các nạn nhân, ông Tú cho biết, trong mỗi vé đã có 500 đồng tiền mua bảo hiểm tai nạn hành khách đi tàu. Bảo Việt nhận bảo hiểm cho toàn bộ hành khách đi tàu lên tại các ga từ Hà Nội đến Đồng Hới và từ ga Diêu Trì trở vào phía Nam với mức trách nhiệm bảo hiểm tối đa là 30.000.000 đồng/người.

Theo thông tin từ Bảo Việt, tính đến 11h đêm qua, Bảo Việt đã tạm ứng chi trả cho các nạn nhân trên 300 triệu đồng. Ước tính, tổng số tiền bảo hiểm cho vụ tai nạn sẽ khoảng hơn 700 triệu đồng.

Hiện DN này nhận bảo lãnh toàn bộ chi phí cho những người nhập viện. "Tức toàn bộ chi phí bệnh viện của nạn nhân hết bao nhiêu thì bệnh viện ghi sổ và cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán toàn bộ. Sau khi nạn nhân ra viện nếu mức bồi thường nhiều hơn viện phí thì Bảo Việt sẽ chi trả thêm, nếu ít hơn nạn nhân sẽ phải nộp vào", ông Tú nói.

Theo Quyết định số 176 của Bộ Tài chính ban hành ngày 27-10-1989, "Bảo Việt sẽ bảo hiểm cho mọi hành khách người Việt Nam và người nước ngoài đi lại trong lãnh thổ Việt Nam bằng các phương tiện đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không, qua phà và cầu phao, trừ những nhân viên áp tải bưu kiện, nhân viên các đơn vị vận tải hành khách đi làm nhiệm vụ vận tải, lái xe và phụ xe trên các phương tiện đó". Hành khách đi tàu, xe, máy bay... được bảo hiểm trong các trường hợp như đâm xe, đổ xe, cháy xe, bão lụt, sét đánh, hoặc bị người khác hành hung... Tuy nhiên, thiệt hại về vật chất, hàng hoá, hành lý... của hành khách không thuộc phạm vi được bảo hiểm. Bảo Việt có trách nhiệm giải quyết và trả tiền bảo hiểm trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ vụ việc.

Khi người được bảo hiểm bị chết, hoặc bị thương do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm thì Bảo Việt phải trả toàn bộ số tiền bảo hiểm đối với trường hợp chết hoặc thương tật từ 81% trở lên.

Đối với các trường hợp bị thương tật dưới 81%, người được bảo hiểm được nhận số tiền tương ứng với tỷ lệ thương tật; ngoài ra cơ quan bảo hiểm phải hoàn các khoản: Chi phí tàu xe đưa nạn nhân đi cấp cứu và đưa về nhà sau khi điều trị; Tiền bồi dưỡng trong thời gian điều trị tại biện viện, bệnh xá hoặc điều trị ngoại trú theo quyết định của bác sĩ điều trị, mỗi ngày là 0,3% số tiền bảo hiểm, nhưng không qúa 180 ngày; Tiền viện phí cần thiết và hợp lý trong thời gian cấp cứu, điều trị tại bệnh viện hoặc bệnh xá (ngoài khoản chi phí được Nhà nước cấp), quy định không vượt quá 30% số tiền bảo hiểm.

Trong bất kỳ trường hợp nào tổng các khoản tiền cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm đã quy định. Nếu người được bảo hiểm bị chết thì người thừa kế hợp pháp của họ được nhận tiền bảo hiểm; nếu không có người thừa kế hợp pháp Bảo Việt sẽ thanh toán chi phí mai táng cho đơn vị hoặc cá nhân đã tổ chức mai táng cho nạn nhân, nhưng không vượt quá số tiền bảo hiểm quy định.

------------------

Tin bài liên quan:

* Vụ tai nạn tàu E1: Chưa xác định được nguyên nhân* Hệ thống đường sắt Bắc Nam đã khôi phục sau 26 giờ ách tắc* Ngành đường sắt khẩn trương giải tỏa để thông đường* Tai nạn đường sắt thảm khốc ở khu vực Lăng Cô: đã xác định được danh tính 6 nạn nhân* Tai nạn tàu E1 qua ống kính của một nạn nhân

Theo TTXVN - VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên