Phóng to |
Nhóm sinh viên năm nhất khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM - Ảnh: Trần Hoa |
Phóng to |
Mô hình “Tàu đệm khí Bách khoa ộp ộp ộp” do nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM thiết kế - Ảnh: Trần Hoa |
Mô hình “Tàu đệm khí Bách khoa ộp ộp ộp” vừa đoạt giải nhất trong Ngày hội kỹ thuật do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tổ chức cuối tháng 6-2013 do nhóm sáu sinh viên Phạm Huy Hoàng, Trần Hương Nguyệt Ánh, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Thị Duyên, Trần Thị Ngọc Anh, Phạm Khánh Ngọc thiết kế.
Mô hình hoạt động dựa trên sự tự nâng tàu trên mặt nước hay mặt đất bằng cách tạo ra áp lực dưới dạng một đệm khí.
Quạt nâng cung cấp khí cho váy (làm căng phồng) và duy trì áp lực đệm khí trong không gian được vây bởi váy khí (chamber), bánh lái đặt ở phần đuôi tàu đảm nhiệm việc điều khiển tàu. Váy đệm khí được gắn chặt với phần thân tàu, giúp duy trì đệm khí dưới tàu. Chong chóng đẩy, thực tế ở phía xa đuôi tàu, đóng góp lực đẩy chính cho tàu.
Tiến sĩ Hà Anh Tùng, giảng viên môn nhập môn kỹ thuật Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Tôi đánh giá cao tinh thần cầu tiến, ham học hỏi của sáu sinh viên. Dù chỉ mới biết những kiến thức rời rạc về mạch điện và chưa được học về mô hình tàu đệm khí, nhưng các bạn đã mạnh dạn nghiên cứu, mạnh dạn hỏi. Ngay cả địa điểm mua thiết bị cũng do các bạn tự tìm hiểu, tự trả giá. Sau mỗi lần thất bại, các bạn rút ra bài học, rồi làm lại, cứ thế trưởng thành lên. Chỉ xét đến sự kiên trì, tự vươn lên, các bạn cũng đã xứng đáng giành giải nhất”. |
Tàu đệm khí được thiết kế gồm 6 chỗ, với chiều dài toàn bộ 58,5cm, chiều rộng khi căng váy 37cm, tốc độ 10km/g và tầm hoạt động 300m. Tàu có khả năng hoạt động ở trên cạn lẫn dưới nước.
Trần Hương Nguyệt Ánh chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất nhóm gặp phải là việc tìm nguyên liệu vì nhiều vật liệu tìm thấy cái nhẹ thì không bền, cái bền thì quá nặng”.
Để giải quyết khó khăn về vấn đề nguyên liệu, đồng thời tiết kiệm chi phí, mọi người tự mày mò, tận dụng những vật dụng sẵn có. “Thay vì mua một cái quạt nâng sẵn có, bọn mình mua môtơ, cánh quạt về tự lắp. Những vật dụng như những chiếc xô cũ, những đoạn dây thép bỏ đi cũng được tận dụng để đưa vào sản phẩm” - Huy Hoàng cho biết.
Ban đầu chỉ định làm mô hình nhỏ từ bìa cáctông với chi phí khoảng 200.000 đồng, nhưng trong quá trình nghiên cứu và lắp ráp, mọi người quyết định làm mô hình sâu hơn với chuyên ngành nên chi phí lên đến gần 2 triệu đồng. Số tiền do các thành viên tự bỏ ra. Nhóm cho biết nếu không tận dụng những vật liệu sẵn có, số tiền phải bỏ ra sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.
“Nước ta bão lũ nhiều, nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng sông nước, mùa nước lũ tàu thuyền cứu hộ rất khó vào được nhà dân. Bọn mình thiết kế mô hình tàu có thể đi trên nhiều địa hình với mong muốn trong một tương lai không xa, tàu đệm khí sẽ được nâng cấp để có thể hoạt động trong thực tế, phục vụ tốt hơn cho công tác cứu hộ”, Đặng Ngọc Lan nói.
Tiến sĩ Tùng cho biết thêm nếu được nâng cấp, làm to ra, động cơ lớn hơn thì mô hình tàu đệm khí của sáu sinh viên hoàn toàn có thể hoạt động trong thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận