06/11/2012 02:05 GMT+7

Tàu cá khó chui qua cầu Thuận An

ĐẠI NAM
ĐẠI NAM

TT - Do chiều cao của cầu Thuận An cũ bị hạn chế cùng với sự bồi lấp cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), ngư dân vùng biển này gặp khó khăn mỗi lần ra khơi.

WB1ley4Z.jpgPhóng to

Vào mùa mưa bão, tàu cá rất khó lọt qua cầu Thuận An cũ để đi trú ẩn - Ảnh: Đại Nam

Điều này cũng cản trở sự phát triển nghề cá tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vì ngư dân không thể đầu tư tàu công suất lớn.

Cầu thấp, cửa biển bị bồi lấp

Cuối tháng 10, khi cơn bão số 8 đang đi sát bờ biển tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại khu neo đậu tàu thuyền ở thôn An Hải, thị trấn Thuận An hàng chục ngư dân hối hả tháo gỡ cột neo tàu để đưa tàu đi trú bão. Ông Trần Văn Bi (trú thôn An Hải, chủ một tàu cá) vừa loay hoay tháo cột ăngten cao 5m vừa ngóng tin bão đã đi vào tới đâu. Phải mất hơn hai giờ, ông Bi và những người đi bạn mới tháo được cột ăngten để chui qua cầu Thuận An cũ, đưa tàu vào trong phá Tam Giang tránh bão.

Ông Nguyễn Thanh Phát, chủ tịch Hội Nghề cá xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) đồng thời là chủ một tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất 165 CV, cho biết ngư dân ở xã này ai cũng bức xúc mỗi khi ra khơi vì họ gặp khó khi qua cầu Thuận An cũ. Chiều cao từ mép nước lên chỉ 4m, trong khi các trụ cẩu trên tàu chiều cao vượt trội nên phải dỡ bỏ trụ cẩu mới chui lọt. Để hạ độ cao của các trụ cẩu, ngư dân phải mất rất nhiều thời gian, sức lực hoặc bỏ tiền gần 500.000 đồng/lần thuê máy móc hạ xuống vì nó nặng hơn 1 tấn.

Trong khi đó, cửa biển Thuận An từng ngày bị bồi lấp, gây thêm khó khăn cho ngư dân các xã Vinh Thanh, Phú Hải, Phú Thuận, Thuận An (huyện Phú Vang). Ông Phát cho biết bình thường phải mất gần một giờ mới đưa được tàu vào ra đoạn cửa biển bị bồi lấp kéo dài khoảng 800m bởi luồng chỉ sâu chưa tới 2m, rộng khoảng 20m. Những khi sóng lớn, tàu cá ra vào rất khó khăn, thậm chí còn bị nạn vì luồng lạch quá cạn. “Cứ mỗi lần gió lớn, tàu cá chúng tôi thường chạy vào vịnh Đà Nẵng neo đậu. Rất tốn kém và mất thời gian, nhiều khi gặp nguy hiểm khi bão vào nhanh nhưng phải đành chấp nhận” - ông Phát nói. Theo ông Nguyễn Xuân Hải - bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An, tại cửa biển Thuận An đã có nhiều trường hợp tàu cá ngư dân gặp nạn khi cố gắng vào cửa biển mỗi lần thời tiết nguy hiểm.

Phải phá dỡ cầu cũ

Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 226 tàu đánh bắt xa bờ công suất 90-420 CV, tập trung đa số ở huyện Phú Vang và phải ra vào cửa biển Thuận An. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết nhiều lần kiến nghị cấp trên cho phá bỏ cầu Thuận An cũ và khơi thông cửa biển Thuận An để ngư dân không bị cản trở mỗi lần ra khơi.

Ông Nguyễn Bá Bình, giám đốc Ban đầu tư và xây dựng giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói cách đây hai năm đã đề xuất UBND tỉnh cấp 2-3 tỉ đồng phá dỡ cầu Thuận An cũ. Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh chưa bố trí tiền nên chưa thể thực hiện. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình đề xuất: “Nếu không có kinh phí tháo dỡ toàn bộ cây cầu cũ thì nên phá một đoạn ngắn nhằm đảm bảo tàu thuyền ra vào, đỡ tốn kém”.

Tháng 9-2010, Cục Hàng hải VN đầu tư nạo vét luồng vào cảng Thuận An với kinh phí hơn 4 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành vào tháng 7-2011, luồng sâu 3,5m, rộng 60m, đáp ứng cho tàu 1.000 tấn vào. Thế nhưng chỉ được vài tháng sau cửa biển lại bị bồi lấp. Theo ông Vinh Bình, cửa biển Thuận An là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển nghề cá tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bởi ngư dân không thể đầu tư tàu cá có công suất trên 420 CV vì không thể ra vào cửa biển Thuận An. Đặc biệt, vào những lúc thời tiết nguy hiểm khẩn cấp, nhiều tàu cá tại tỉnh Thừa Thiên - Huế phải mất 4-5 giờ và tốn tiền chạy vào Đà Nẵng ẩn nấp.

ĐẠI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên