19/02/2013 05:12 GMT+7

Tập trung vào nghề "tay phải"

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TT - Sau cú sốc suy giảm kinh tế, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, giờ đây nhiều doanh nghiệp trụ lại cho rằng bài học lớn nhất rút ra là tránh đầu tư dàn trải, chỉ tập trung vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp có thế mạnh, hay giới kinh doanh gọi vui là tập trung cho nghề “tay phải”.

Tìm cơ hội làm ăn năm 2013

dvU3nDka.jpgPhóng to
Sản xuất nhựa tại nhà máy của Công ty nhựa Bình Minh ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương - Ảnh: Thuận Thắng

Dự báo tình hình kinh doanh năm 2013, phần lớn doanh nghiệp đều cho rằng vẫn không thiếu những cơ hội đang chờ doanh nghiệp.

Kỳ vọng tăng trưởng 20-30%

"Chẳng hạn các doanh nghiệp mạnh dạn đổ vốn vào đầu tư, khôi phục sản xuất sẽ rất cần Ngân hàng Nhà nước “kìm cương” được lãi suất cho vay ở mức phù hợp, mà dưới 12%/năm là tốt nhất"

Bà NGUYỄN THỊ MAI THANH(tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE)

Nhận xét về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn sáu tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ; giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng trong nước không có khả năng sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp..., ông Võ Tấn Thịnh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dây và cáp điện Thịnh Phát (quận 12, TP.HCM), cho rằng xét về mặt tâm lý, “những hỗ trợ này góp phần lên dây cót tinh thần cho doanh nghiệp rất nhiều”.

Điều này đã được Thịnh Phát “chuyển hóa” thành kế hoạch đầu tư đến 6 triệu USD trong năm 2013 nhằm nâng cao công suất sản xuất dây cáp điện, cũng như chuyển sang hệ thống quản trị tích hợp bằng phần mềm chuyên ngành. “Khi chúng tôi nâng công suất sản xuất lên thêm 20-30% so với công suất hiện hữu là 50.000 tấn dây cáp điện các loại/năm, điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã mở rộng thêm được thị phần tại thị trường nội địa, cũng như tăng thêm nguồn cung cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký được, ước tăng 20-30% so với năm vừa rồi” - ông Thịnh hồ hởi khoe.

Cũng có “chí hướng” như Thịnh Phát, nhưng giám đốc Công ty cổ phần quạt VN (Asia) Vũ Đình Phương lại đang ráo riết tái cơ cấu chiến lược phát triển của doanh nghiệp mình theo hướng tinh gọn tối đa bộ máy sản xuất. Đánh giá khá cao những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, nhưng ông Phương vẫn chưa hết “ám ảnh” bởi con số hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã giải thế, đóng cửa trong năm 2012.

Ông Phương rút ra bài học là “chỉ có doanh nghiệp nào theo đuổi đúng lĩnh vực sản xuất chuyên ngành, định hướng đúng thị trường, xác định đúng đối tượng tiêu dùng mới vượt qua được những khó khăn sắp tới”. Chính vì vậy, khi xác định thị trường xuất khẩu sẽ là mục tiêu phát triển

chính của Asia trong năm 2013, ông Phương đã vạch kế hoạch đưa mức xuất khẩu quạt các loại ở mức 5% của những năm trước tăng lên 20% trong năm nay từ... cách đây vài năm. “Khi đã hoạch định được chiến lược phát triển của công ty thì ắt phải có sự chuẩn bị. Và sự chuẩn bị chỉ có hiệu quả nếu biết tận dụng kép các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, trong đó việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là cách để dòng tiền ở lại với doanh nghiệp lâu hơn” - ông Phương nhận xét.

Theo ông Phương, ngoài 1 triệu sản phẩm quạt cung ứng cho thị trường nội địa, Asia đã có được những hợp đồng xuất khẩu sang các nước Myanmar, Thái Lan, Malaysia, và một số đơn hàng sang Brazil, Columbia với số lượng ước khoảng 200.000 sản phẩm trong năm 2013 này.

Cũng đầu tư 80-100 tỉ đồng cho việc xây dựng nhà máy mới lẫn mua sắm thiết bị nhằm đầu tư sâu hơn nữa cho chủng loại sản phẩm giả da và bao bì mềm, ông Hồ Đức Lam, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông, không giấu sự kỳ vọng doanh nghiệp trong nước sẽ hồi phục sản xuất, nhất là khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã được triển khai từ khá sớm với quan điểm khá quyết liệt. “Khi Chính phủ đã có quyết sách, doanh nghiệp có thêm niềm tin, động lực quay trở lại cho sản xuất sẽ được khôi phục. Vấn đề là doanh nghiệp sẽ chọn hướng đi nào phù hợp cho chiến lược sản xuất để tận dụng các sự hỗ trợ này” - ông Lam nhận định.

Cần sự ổn định chính sách

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, mọi nỗ lực của doanh nghiệp sẽ trở nên vô nghĩa nếu sự phối hợp điều hành giữa Chính phủ và các bộ ngành thiếu chặt chẽ, thiếu tính nhất quán trong việc điều tiết chính sách vĩ mô cho các giải pháp hỗ trợ nói trên. “Chẳng hạn các doanh nghiệp mạnh dạn đổ vốn vào đầu tư, khôi phục sản xuất sẽ rất cần Ngân hàng Nhà nước “kìm cương” được lãi suất cho vay ở mức phù hợp, mà dưới 12%/năm là tốt nhất” - bà Thanh góp ý.

Đồng quan điểm với bà Thanh, ông Lê Quang Doanh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhựa Bình Minh, cho rằng điều mà cộng đồng doanh nghiệp luôn mong mỏi chính là các nhà hoạch định chính sách cần chủ động nắm trước những khó khăn của doanh nghiệp để có thể ban hành những chính sách hỗ trợ, giải quyết các khó khăn này một cách chủ động, minh bạch hơn. Cụ thể, việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, “vẫn là một khoảng cách rất xa và chưa biết đến bao giờ mới thu hẹp được trở ngại này”.

Hay với ngành hàng sản xuất quạt điện, ông Vũ Đình Phương mong mỏi Bộ Tài chính sẽ xem xét và hạ thuế cho một số linh kiện, thiết bị buộc phải nhập khẩu vì trong nước không sản xuất được để giảm giá thành đầu vào sản xuất. “Với các doanh nghiệp có nội lực, có khả năng sản xuất, những hỗ trợ thiết thực như vậy sẽ như chắp cánh thêm cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn” - ông Phương bày tỏ. Đặc biệt với lãi suất cho vay đang dao động quanh mức 12-14%/năm, ông Phương cho rằng đây chưa phải là mức lãi suất đủ sức hấp dẫn để doanh nghiệp mạnh dạn quay trở lại tái đầu tư sản xuất, vì để có được lợi nhuận trong năm 2013 hay không vẫn tiếp tục là ẩn số rất lớn.

Bà Rịa - Vũng Tàu: 5 nhà đầu tư “xông đất”

Ngày 18-2, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức “Ngày hội đầu tư xuân Quý Tỵ 2013” và trao giấy phép đầu tư cho năm dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 28 triệu USD và hơn 2.300 tỉ đồng.

Trong năm doanh nghiệp “xông đất” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm nay có hai dự án đầu tư nước ngoài và ba nhà đầu tư trong nước, gồm chi nhánh Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Pegasus (Singapore) với dự án khu phức hợp giáo dục, dịch vụ và nghỉ dưỡng Pegasus tại thành phố Bà Rịa 8,2 triệu USD; Công ty TNHH Thượng Dư VN (Đài Loan) với dự án sản xuất khung giàn kéo, rơmooc tại KCN Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành 20 triệu USD; Công ty cổ phần đầu tư du lịch Biển Xanh với dự án khu du lịch sinh thái Biển Xanh, huyện Xuyên Mộc 931 tỉ đồng; Công ty cổ phần du lịch và đầu tư xây dựng Châu Á với dự án khu du lịch biển Blue Sapphire ở Vũng Tàu 1.351 tỉ đồng và dự án Nhà máy chế biến năng lượng tái tạo DVA của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo DVA 40 tỉ đồng.

Phát biểu tại lễ trao giấy phép đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Minh Sanh đề nghị các nhà đầu tư cố gắng thực hiện đúng tiến độ đã ghi trong giấy chứng nhận. Đồng thời, tỉnh và các ngành chức năng cam kết sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án.

ĐÔNG HÀ

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên