
Người nghèo tại Hải Dương phát triển vườn vải thiều nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách - Ảnh: P.DŨNG
Đó là phát biểu kết luận của ông Trần Quốc Vượng - thường trực Ban Bí thư tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách diễn ra vào ngày 15-7.
Theo ông Vượng, trong bối cảnh quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, ĐBSCL... đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, dịch tả heo châu Phi, biến đổi khí hậu... Nhà nước phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế. "Không chỉ cho người nghèo, đối tượng chính sách vay vốn mà các tổ chức, hội đoàn thể còn phải giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả nhất qua đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ..." - ông Vượng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban Kinh tế trung ương - cho hay nhờ tín dụng chính sách mà tỉ lệ hộ nghèo năm nay giảm còn dưới 3%. VN sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo. Theo kết quả thực hiện tín dụng chính sách trong giai đoạn 2014 - 2019, do Ngân hàng Chính sách xã hội VN báo cáo, vốn tín dụng chính sách đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước.
Tổng nguồn vốn đạt 226.560 tỉ đồng, tăng hơn 91.000 tỉ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn các địa phương ủy thác cho vay tăng 15.697 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt 31,3%, tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước khi có chỉ thị 40. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỉ đồng, tăng 90.109 tỉ đồng so với trước năm 2014, với tổng số tiền giải ngân đạt 336.944 tỉ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ. Trong đó có 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo. Nguồn vốn góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, chị Hoàng Thị Thịnh - tổ trưởng tổ vay vốn thôn Nà Lẻng, thị trấn Yên Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn - đề nghị cần tăng mức cho vay sản xuất kinh doanh lên cao hơn 100 triệu đồng như hiện nay để người dân có đủ vốn mua trâu, bò và trồng thêm vài hecta cây ăn quả. Một số ý kiến đề nghị kéo dài thêm thời gian vay 7-10 năm để hộ dân yên tâm sản xuất kinh doanh, không phải canh cánh trả nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận