07/05/2004 06:01 GMT+7

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: 24 giờ cuối cùng (*)

T.N.
T.N.

TT - Điện Biên Phủ - một góc địa ngục được bắt đầu từ ngày 20-11-1953 - ngày Pháp thực hiện cuộc nhảy dù ồ ạt xuống thung lũng Điện Biên Phủ (chiến dịch Castor).

Gc1MnH48.jpgPhóng to
Bộ đội Việt Minh tấn công một cứ điểm ở Điện Biên Phủ
TT - Điện Biên Phủ - một góc địa ngục được bắt đầu từ ngày 20-11-1953 - ngày Pháp thực hiện cuộc nhảy dù ồ ạt xuống thung lũng Điện Biên Phủ (chiến dịch Castor).

170 ngày đêm, được kể lại trong từng diễn biến, cho đến ngày cuối cùng - ngày 7-5-1954, ngày đánh dấu chấm hết của chế độ thuộc địa Pháp. Trong ngày cuối cùng ấy, thời gian trôi rất chậm... Tuổi Trẻ xin được trích đăng (tựa lớn và nhỏ do tòa soạn đặt).

Giá của máu và nước mắt

Thiếu tá Vadot - tham mưu trưởng của Lemeunier (đại tá, phụ trách quân lê dương của tập đoàn cứ điểm) - trong suốt 55 ngày chiến đấu vừa qua không biết hoang mang là gì.

Chẳng quát tháo chửi rủa trên làn sóng điện và cũng chẳng tỏ vẻ gì hoảng hốt, ông thản nhiên tiếp tục công việc của mình trong hầm chỉ huy sở, lúc thì xê dịch những đơn vị cuối cùng của tập đoàn cứ điểm trên tấm bản đồ tỉ lệ lớn, lúc thì yêu cầu một cụm súng cối hoặc vài khẩu 105 bắn những viên đạn cuối cùng vào một mục tiêu đặc biệt quan trọng.

Thế nhưng lúc tờ mờ sáng ngày 7-5, chính ông cũng không chịu đựng nổi nữa. Đến 2 giờ, dự trữ đạn dược đã xuống thấp một cách nguy hiểm. Chỉ còn chính xác 100 quả đạn cối 120, 7 khẩu lựu pháo 105 ở Điện Biên Phủ chỉ còn tổng cộng 100 phát đạn, trong khi khẩu 155 cuối cùng lúc này chỉ còn 11 quả đạn.

Đáp lại Pouget (đại úy, vốn là người kháng chiến thời Pháp bị Đức chiếm đóng) một lần nữa lại yêu cầu viện binh và đạn dược, Vadot trả lời bằng giọng thản nhiên của một vị giáo sư già giải thích một bài toán khó cho một sinh viên chậm hiểu:

- Nào, phải biết điều tí chứ, anh muốn tôi bới đâu ra một đại đội? Hết sạch rồi.

Vì lúc này, vào khoảng 4 giờ sáng, đại úy Pouget chỉ còn có 35 người trên toàn bộ cứ điểm có thể chiến đấu được, ông cảm thấy tiếp tục chống cự cũng chẳng có tác dụng gì và đề nghị Vadot cho phép rút những người còn sống sót sang “Éliane 3” (đồi A3).

Về chuyện Vadot trả lời như thế nào, có hai nguồn tin. Theo Jules Roy, hình như Vadot đã đáp: “Các cậu là lính dù. Các cậu có mặt ở đấy là để bị giết”. Còn theo chính Pouget kể lại thì là: “Các cậu phải cố mà trụ lại. Dù sao thì các cậu cũng là lính dù, phải chiến đấu đến chết... Hay chí ít cũng là đến sáng”.

Hai người không còn gì để nói với nhau cả. Pouget không cần đến điện đài của mình nữa vì điện báo viên đã bị đạn chết. Ông đáp:

- Rõ! Tôi nói hết. Nếu ông không có điều gì nói thêm nữa, tôi phá điện đài đây.

Trong máy cất lên giọng một người Việt Nam:

- Đừng phá máy vội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các ông một bài hát quay đĩa: Du kích ca. Xin mời nghe!

Đó là giọng của một điện báo viên Việt Minh đang theo dõi làn sóng điện của bộ chỉ huy Pháp. Và loa phóng thanh phát đi những điệp khúc mà những người kháng chiến Pháp đã từng hát trong những ngày gian khổ chiến đấu chống quân phát xít xâm lược. Pouget lắng nghe bài hát từ đầu: "Bạn hỡi, có nghe chăng tiếng kêu âm thầm của đất nước bị xiềng xích" cho tới điệp khúc:

"Rồi đến ngày mai kẻ địch sẽ được biết giá của máu và nước mắtƠi các bạn đang lặn lội đêm tối, tự do đang lắng nghe chúng ta..."rồi ông bắn ba phát cacbin phá tan chiếc đài.

Tinh thần nghĩa hiệp của Việt Minh

Y lệnh Vadot, Pouget trụ lại trên “Éliane 2” (đồi A1), chỉ rút từng tí một về hướng bắc sau xác chiếc chiến xa Bazeilles. Ông đã rút chốt an toàn quả lựu đạn cuối cùng, nắm khư khư trong tay phải.

Cuối cùng, ông bị địch dồn vào một ngách hào. Vài đồng đội lấy bao cát và xác người chặn hai đầu đường hào và nấp phía sau theo dõi địch tiến lên. Khi các bộ đội chỉ còn cách 5m, Pouget ném quả lựu đạn cuối cùng rồi choáng ngất vì lựu đạn Việt Minh ném trả. Tỉnh lại, ông đã là tù binh...

Tình hình những trận địa còn lại của Pháp trên “Éliane 4” (đồi C2) thì không bút nào tả nổi. Trên ngọn đồi nhỏ bị đạn pháo cày xới ấy có mặt hầu như đủ các người hùng dù còn sống sót: Bréchignac, Botella, Clédic, Phạm Văn Phú, Mackowiak và những người khác.

Họ đã chặn được cuộc tấn công cuối cùng của Việt Minh vào lúc 5g30 sáng đánh vào mặt đông và họ cũng giữ vững được tại mặt bắc và mặt nam. Nhưng cũng như Pouget trên “Éliane 2” (đồi A1), lúc này họ hết đạn. Và lại còn thương binh nữa.

Tình cảnh thương binh nằm dài trong các ngách và các hầm hố trên sườn đồi phía sau có thể nói là kinh khủng hơn hoàn cảnh binh lính chiến đấu. Những người này chí ít cũng được ở nơi thoáng khí và có cơ may được chết ngay tắp lự vì một viên đạn chứ không phải bị chôn sống dưới những hầm sập.

Vào lúc 6g30, bác sĩ Jourdan bị thương nặng cùng với các đại úy Guilleminot, Phạm Văn Phú và trung úy Latanne của tiểu đoàn 5 B.P.V.N. Những người còn sống sót trông thấy một tiểu đoàn Việt Minh gồm binh lính khỏe mạnh tinh tươm tập trung trên một khoảng đất trống tại “Éliane 1” (đồi C1) để xung phong đợt cuối cùng. Họ hiểu rằng mình sẽ chẳng sống sót nổi...

Tướng Giáp quyết tâm không cho quân Pháp một lúc nào để thở. Vào lúc 8 giờ 5 phút sáng, đợt xung phong cuối cùng được tung lên “Éliane 4” (đồi C2) và “Éliane 1” (đồi C1), và vào lúc 9 giờ, vị tổng tư lệnh Việt Minh gọi đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ trên đài, nói:

- Có dấu hiệu rối loạn trong hàng ngũ địch. Có thể chúng sẽ hàng hàng loạt nhưng cũng có thể chúng cố phá vây. Ra lệnh cho quân của anh siết chặt, không để một tên nào chạy thoát...Tình trạng hoàn toàn kiệt sức phổ biến đến nỗi bác sĩ Grauwin thông báo có những trường hợp binh lính đứng gác chết xỉu, trên người không một vết thương. Họ đã gục xuống sau 55 ngày không ngủ, không được ăn uống tử tế, không nghỉ ngơi.

Tại nhà thương của bác sĩ Grauwin một cuộc đột nhập khác của những bức tượng bùn đôi mắt ngây dại. Người này thì thiếu cái cẳng, người kia thì thiếu một cánh tay hoặc một con mắt. Họ đã nằm trần truồng hoặc gần như thế trong bùn.

Một trong những bức tượng ấy là bác sĩ Rivier, thầy thuốc của tiểu đoàn 6 B.P.C.; những người khác là thương binh của ông ta. Một lần nữa, Việt Minh đã tỏ ra có tinh thần nghĩa hiệp. Xông vào trạm xá, họ đã cho thương binh ra ngoài.

Vị bác sĩ kể: “Tôi hình như bị quân Việt đẩy ra bên ngoài cùng với mười cậu khác phía sau tôi. Cũng chẳng hiểu sao chúng tôi lại còn sống”. Trong khi đó thương binh vẫn cứ tiếp tục đổ về, Việt Minh đã lôi họ ra khỏi bùn lầy chiến hào và hầm hố, ở đó họ nằm lẫn lộn với những đồng đội đã chết, và bảo họ:

- Đi, quay trở về trạm xá! Chốc nữa sẽ gặp lại. Bảo với ông đốc-tờ là chúng tôi sẽ tới.Trong khi những người lính bên tấn công đang dùng lựu đạn quét sạch những đường hào và những hầm hố cuối cùng thì bỗng có một người lính Việt Minh đột nhập vào một căn hầm, tay cầm quả lựu đạn đã rút chốt. Thương binh nằm trong hầm vội kêu toáng lên và một người trung sĩ nằm liệt trên một cái cáng xua tay, gào lên:

- Chúng tôi là thương binh. Chúng tôi là thương binh!

Người lính gật đầu, quay ra ngoài, ném quả lựu đạn xuống một con hào.

k9OqVJH3.jpgPhóng to
Bác sĩ Pháp Paul Grauwin đang cứu chữa binh sĩ Pháp theo kiểu rất dã chiến - Ảnh tư liệu
Tướng De Castries: đã mất các điểm tựa

10 giờ, tướng De Castries nói chuyện qua điện đài với tướng Cogny. Bằng những câu nhát gừng và một giọng cao hơn thường lệ một chút, Castries nói lập bà lập bập, lắp đi lắp lại, trình bày với Cogny một bản báo cáo vắn tắt về tình hình. Cogny chỉ ậm ừ điểm những tin xấu bằng một tiếng “ờ”:

- Đã mất các điểm tựa “Éliane 2”, “Éliane 4”, “Éliane 10”, tiểu đoàn 6 B.P.C., tiểu đoàn 2/1 R.C.P. và những gì còn lại của bộ binh Maroc.

- Ờ.

- Dù sao thì cũng chỉ còn có việc gạch chéo lên tất cả những cái đó.

- Ờ.

- Phải không ạ... Hiện còn, nhưng tất nhiên đã yếu đi nhiều vì người ta đã lấy, đã cắt xén và những gì có trên mặt phía tây để đưa sang tăng cường mặt phía đông.

- Ờ.

- Mỗi chỗ còn khoảng gần hai đại đội, hai đại đội cho hai tiểu đoàn B.E.P. gộp lại... .

- Ờ.

- Ba đại đội bộ binh Maroc R.T.M., nhưng chẳng có giá trị gì cả, phải thế không ạ, hoàn toàn vô giá trị, sụp rồi...

Sau đây là điểm tế nhị nhất trong cuộc trao đổi của Castries với Cogny: điểm nói về số phận của những người không thể tham gia phá vây được, thương binh, các đơn vị chuyên môn, và đám “chuột Nậm Rốm”.

- À, vâng, vậy thì, lạy Chúa, tôi sẽ để lại, ờ... những đơn vị không muốn rút.

- Đúng thế, phải.

- Còn những người, nói thế nào nhỉ. Tất nhiên là những người bị thương nhưng thật ra thì nhiều người đã ở trong tay địch vì họ ở tại các điểm tựa, “Éliane 4” (C2) và... “Éliane 10” (506, 507), các thương binh.

- Tất nhiên. Ờ.

- Phải không ạ? Tôi giữ tất cả những người đó dưới quyền chỉ huy của tôi.

- Phải rồi, anh bạn.

PHRfzdhZ.jpgPhóng to
(*) Thuộc tủ sách Những trận đánh lớn trong lịch sử, Điện Biên Phủ - một góc địa ngục xuất bản năm 1967, 13 năm sau thất bại của thực dân Pháp.

50 năm sau cơn chấn động ấy, với bản dịch tiếng Việt, người đọc Việt Nam bỗng thấy mình xúc động khi lật giở từng trang sách, xúc động khi chạm vào suy nghĩ của một người ngoài cuộc - Roger Lévy, tổng thư ký Các ủy ban nghiên cứu những vấn đề Thái Bình Dương, viết trong lời tựa: “Ba tiếng Điện Biên Phủ còn vang lên trên tất cả các lục đia”.

Đây là cuốn sách cuối cùng của nhà báo, nhà sử học Bernard B.Fall. Tác giả đã có mặt sáu tháng ở VN khi theo chân những đợt hành binh của quân Pháp năm 1953, năm 1961 ông đến thăm nước VN dân chủ cộng hòa.

Ông còn đến VN thêm nhiều lần nữa, để như một định mệnh - ông chết vì một trái mìn trên chính đất nước này năm 1967 khi tham gia một cuộc hành binh của một đơn vị hải quân Mỹ ở Đà Nẵng.

Trong lời giới thiệu về cuốn sách, nhà văn Hữu Mai coi đó là sự hi sinh của “một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do, đã ngã xuống trên chiến trường như một chiến sĩ, mà chúng ta chỉ biết tới một cách muộn màng…”.

Người đọc sách năm 2004 cũng có chung cảm giác ấy về cuốn sách hay ra muộn của một người đã khuất. Một cuốn sách được nhìn từ phía bên kia... Sách do Nhà xuất bản Công An Nhân Dân và Công ty văn hóa Phương Nam phát hành.

Tin bài liên quan:iNp0YyXY.jpgHãy làm nên những Điện Biên Phủ trong công cuộc đổi mới rElseoGD.jpgViệt Nam - đất nước thức dậy TopicBullet.GIFTem kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ * Tất cả...

T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên