09/01/2013 00:16 GMT+7

Tạo điều kiện để dân góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - “Lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp là cách thức dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự; tạo điều kiện cho người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như trên tại hội nghị triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tổ chức ở Hà Nội ngày 8-1.

Tiếp nhận mọi góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp

Cũng đề cập vai trò của người dân, ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - cho rằng một trong những bài học quan trọng mà Đảng đã tổng kết sau hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới là: “Đổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để công cuộc đổi mới thành công, phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân tham gia”. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp là việc làm thể hiện sự thấm nhuần và thực hiện bài học sâu sắc này, thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, để nhân dân trở thành chủ thể tích cực tham gia xây dựng Hiến pháp, pháp luật và thực hiện Hiến pháp, pháp luật.

“Công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền phải làm cho mọi người nhận thức được rõ việc lấy ý kiến nhân dân không phải là một việc mang tính hình thức, mà là hoạt động pháp lý nhằm mang đến kết quả thực chất về thực thi quyền làm chủ của nhân dân... Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân có nhiều lựa chọn phương thức thể hiện ý kiến góp ý như: phát biểu miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua thư góp ý hoặc các phương tiện thông tin khác...” - ông Huynh nói

Ông Phan Trung Lý - trưởng ban biên tập đồng thời là người phát ngôn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - khẳng định ý kiến của nhân dân sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục. Theo ông Lý, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải thể hiện được các nội dung sau đây: “Đánh giá chung về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ý kiến về từng nội dung trong dự thảo (theo từng chương), trong đó nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành, lý do tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi dự thảo sửa đổi Hiến pháp; về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp”.

Theo kế hoạch, sau khi tập hợp, nghiên cứu đầy đủ các góp ý, chậm nhất đến ngày 20-4 ban biên tập của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét, quyết định.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên