23/06/2016 16:55 GMT+7

​Táo bón và dưỡng sinh phòng ngừa

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Táo bón lâu ngày sẽ làm rối loạn chức năng thần kinh dạ dày và ruột, đắng miệng, hôi miệng, chán ăn…

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây táo bón nhưng chủ yếu là thiếu nước làm phân quá khô, nhiệt tích tụ trong cơ thể làm tiêu hao nước. Một nguyên nhân khác gây táo bón là nhu động đại tràng quá chậm. Muốn đại tràng vận động nhanh thì tuần hoàn khí phải đầy đủ, nếu vì áp lực gây khí trệ hoặc khí không đầy đủ sẽ không đủ động lực để bài tiện dẫn đến suy giảm chức năng bài tiện. Ngoài ra, nếu đại tràng nhiễm lạnh, nhu động cũng chậm đi gây táo bón.

Nghiên cứu gần đây cho thấy vi khuẩn trong đường ruột luôn tiết ra nhiều độc tố như indole, heterorauxing… cơ thể hấp thu những độc tố này dẫn đến ngộ độc mạn tính làm tăng nhanh sự suy lão. Vì thế phải giữ cho đại tiện thông suốt để giảm hấp thu độc tố từ phân sẽ làm chậm sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ.

Nguyên tắc dưỡng sinh phòng ngừa táo bón

Theo Đông y, bệnh do đường ruột tích nhiệt, khí huyết bất túc gây ra, phải điều trị bằng phương pháp thanh nhiệt nhuận tràng, dưỡng âm sinh tân, bổ khí huyết. Nên vận động nhiều như: nhảy cao, nhảy dây, chạy bộ, đi bộ để thúc đẩy nhu động ruột. Khi đi tiêu nên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ hoặc đưa mông lên xuống nhẹ nhàng vài lần giúp phân dễ tuột xuống.

Nên ăn các loại rau quả có tác dụng bổ khí, trấn nhiệt và thông tiện như: mè, khoai lang, khoai tây, măng, củ cải trắng, hẹ, nấm rơm, mồng tơi, rau dền, mướp, chuối, đu đủ, sung, lê, hồ đào,…và uống nhiều nước. Tạo thói quen bài tiện có quy luật, kiêng uống rượu, trà, cà phê, các loại thức ăn kích thích như cay, nóng.

5 món dưỡng sinh “đánh tan” chứng táo bón

- Cải bó xôi, nấm kim châm trộn:

+ Nguyên liệu: cải bó xôi 300g; nấm kim châm 100g; mè 25g; đậu phộng chín giã nhỏ; gia vị: muối, bột nấm, xì dầu, dấm, dầu mè.

+ Cách làm: Nguyên liệu làm sạch, cắt nhỏ, nấu nước sôi với chút muối luộc sơ cải bó xôi vớt ra xối nước lạnh để ráo cho vào tô, thêm nấm kim châm vào. Dầu sôi cho mè vào rang vàng đến khi thơm múc ra. Cho tất cả nguyên liệu vào tô, thêm gia vị trộn đều, cho dầu mè sau cùng.

+ Công dụng: Món ăn này có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột và tuyến tụy tiết dịch, trợ giúp tiêu hóa, chống táo bón.

- Bì heo nấu rau cải:

+ Nguyên liệu: rau cải trắng 250g; nấm hương 30g; cà rốt 100g; thịt nạc heo 50g; bì heo 250g; gia vị vừa đủ (gừng tươi cắt sợi, hành hoa, muối, bột ngọt, dầu mè).

+ Cách làm: Nguyên liệu rửa sạch cắt miếng vừa ăn, cà rốt thịt nạc và bì heo cắt sợi. Xào sơ bì, thịt heo, cà rốt, cải và nấm cho thơm rồi cho nước vừa đủ dùng nấu sôi, cho gừng, nêm gia vị vừa ăn, cho hành, dầu mè vào là được, ăn với cơm.

+ Công dụng: Tư âm dưỡng nhan, hòa huyết nhuận da, thích hợp với người bị táo bón.

- Măng tươi nấu thịt:

+ Nguyên liệu: thịt heo 250g; măng 250g; nước dùng; gia vị: xì dầu 50g, dấm 15g, rượu gạo 10g, dầu mè 10g, muối, bột ngọt, gừng, hành.

+ Cách làm: Thịt heo trần nước sôi vớt ra rửa sạch cho vào nồi thêm nước, rượu, gừng, hành nấu vừa chín tới vớt thịt ra cắt sợi. Măng luộc chín cắt miếng vừa ăn. Xì dầu, dấm, muối, bột ngọt hòa thành nước gia vị. Trần măng 3 phút, cho thịt vào nồi nước dùng vớt ra sắp măng ở dưới , thịt lên trên đổ chén nước gia vị vào trộn đều, thêm dầu mè và cho vào dĩa ăn nóng với cơm, nước dùng làm canh.

+ Công dụng: Món ăn này giúp tư âm dưỡng vị thích hợp với những người bị táo bón.

- Khoai tây nấu thịt bằm:

+ Nguyên liệu: khoai tây 300g; thịt nạc 50g; gia vị (hành, gừng bằm nhỏ, muối, bột ngọt, nước dùng).

+ Cách làm: Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín, tán nhuyễn trong tô sành. Phi hành, gừng cho thơm, cho thịt đã bằm vào xào vừa chín, cho nước lèo nêm vừa ăn, nấu sôi và rưới lên khoai tây.

+ Công dụng: Khoai tây nhiều tinh bột, protein, vitamin nhóm B, vitamin C làm thúc đẩy chức năng tì vị. Khoai tây cũng nhiều chất xơ làm khoan tràng thông tiện giúp bài tiện kịp thời thải độc tố, phòng tránh táo bón, dự phòng phát sinh bệnh đường ruột.

- Gỏi lê, cải thảo:

+ Nguyên liệu: cải thảo nõn 200g; lê 300g; ớt chuông xanh, đỏ; gia vị: đường, muối, dấm gạo.

+ Cách làm: Cải thảo rửa sạch thái sợi ướp chút muối. Lê gọt vỏ cắt sợi, ớt cắt sợi. Vắt nhẹ cải thảo cho vào thố, cho lê lên trên, rưới hỗn hợp dấm đường đã thắng chảy để nguội lên thêm ớt xanh, đỏ, trộn đều.

+ Công dụng: Cải thảo và lê nhiều chất xơ thô, hàm lượng pectin trong lê cao giúp thúc đẩy nhu động thành ruột trợ giúp tiêu hóa, phóng tránh phân khô, thúc đẩy bài tiện làm loãng độc tố vừa chữa táo bón vừa giúp hấp thu dinh dưỡng. Ăn một quả lê sau bữa cơm rất có ích.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên