14/10/2019 11:12 GMT+7

Tăng xuất khẩu chính ngạch, bớt rồng rắn chờ bán hàng sang Trung Quốc

N.AN - N.BÌNH
N.AN - N.BÌNH

TTO - Sau một thời gian dài chịu nhiều thiệt thòi, không ít doanh nhân Việt đang đầu tư bài bản để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Viễn cảnh được mùa mất giá, bị ách tắc ở biên giới, bị trả hàng… sẽ giảm.

Tăng xuất khẩu chính ngạch, bớt rồng rắn chờ bán hàng sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Cảnh xe xếp hàng ở cửa khẩu Lạng Sơn để xuất nông sản sang Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm khi tăng xuất khẩu chính ngạch - Ảnh: L.THANH

Phía Trung Quốc đưa ra hàng loạt yêu cầu khắt khe với doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu chính ngạch. Nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ từ chính Việt nam.

Làm ăn bài bản

Bán thanh long qua đường tiểu ngạch nhiều năm, 2 năm trở lại đây Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu chọn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Mỗi tháng bán khoảng 20 container 40 feet sang thị trường này, ông Trần Ngọc Hiệp, phó giám đốc công ty, cho biết thị trường Trung Quốc nhu cầu tiêu thụ lớn, nếu khai thác tốt đường chính ngạch sẽ mang lại hiệu quả lớn.

"Xuất khẩu qua đường chính ngạch doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch động thực vật chặt chẽ hơn, thủ tục bao bì đóng gói cũng phải tuân thủ. Song nếu đáp ứng, vận chuyển thuận lợi thì xuất khẩu chính ngạch có lợi hơn, vì chi phí thấp hơn. Hiện xuất qua đường tiểu ngạch tổng chi phí cho mỗi container thường cao hơn 40 triệu đồng" - ông Hiệp cho hay.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang siết nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, ông Hiệp cho rằng thị trường Trung Quốc có nhu cầu cả sản phẩm cấp thấp và cấp cao, nên nếu tận dụng tốt thì sẽ là thị trường tiêu thụ khổng lồ. Hiện chưa có thị trường nào thay thế được Trung Quốc...

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện NutiFood xác nhận sau một thời gian không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp này đang trong những bước thủ tục cuối cùng để có thể xuất chính ngạch những lô sữa đầu tiên vào thị trường 1,4 tỉ dân. Vị đại diện này cho hay để đạt được bước tiến như hiện nay, doanh nghiệp sữa Việt Nam phải trải qua quá trình dài đánh giá của phía Trung Quốc.

Họ yêu cầu doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu phải hoàn thiện bộ hồ sơ có thể nói là "khủng". Muốn đáp ứng, doanh nghiệp phải có quy trình làm ăn bài bản. Dù điều kiện khó khăn nhưng đại diện NutiFood đánh giá sau khi vượt qua, cơ hội ở thị trường Trung Quốc là không nhỏ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu chính ngạch yêu cầu doanh nghiệp phải cải tiến chất lượng, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng vì bán trực tiếp, không thông qua thương lái nên được giá cao hơn. Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch cũng an toàn hơn về thanh toán.

Nhiều cảnh báo

Ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho hay sau một thời gian thâm nhập thị trường Trung Quốc qua con đường chính ngạch, đến nay các sản phẩm của công ty ông đã phủ sóng tại Trung Quốc với hơn 10.000 siêu thị, các kênh thương mại điện tử và 50.000 cửa hàng tiện lợi.

Ông Viên cảnh báo ban đầu các doanh nghiệp Việt nên thâm nhập thị trường thông qua kênh cửa hàng, siêu thị, không nên mua đứt bán đoạn hay qua trung gian. Sau khi thành công ở kênh này, nên tiếp tục bán hàng online qua các kênh Taobao, Alibaba... Ông Viên đúc kết: làm ăn với Trung Quốc quan trọng nhất là phải bảo hộ được thương hiệu.

Ông Đặng Phúc Nguyên đưa ra thực tế với ngành xuất khẩu rau quả: khó khăn hiện nay là công tác cấp mã số vùng trồng, hướng dẫn đóng gói bao bì... triển khai chậm. Nguyên nhân là theo quy định, vùng trồng ứng dụng Vietgap hay GlobalGap phải có diện tích từ 6-10ha trở lên, nhưng nhiều địa phương quy mô vùng trồng của nông dân nhỏ lẻ nên không đáp ứng.

Ông Nguyên cũng cảnh báo: vẫn khó khăn về thủ tục, chỉ một số loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch. Yêu cầu xuất khẩu chính ngạch cao hơn nhiều so với đường tiểu ngạch.

Chính quyền cần vào cuộc

Bắc Giang là vùng trồng cây ăn quả lớn thứ ba toàn quốc, trong đó diện tích trồng vải thiều chuyên canh lớn nhất, và đàn heo đứng thứ ba cả nước. Ông Nguyễn Văn Phương, phó giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, chia sẻ thực tế chính quyền địa phương phải chủ động phát triển thị trường.

Như với vải thiều, chục năm nay Bắc Giang tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại tại Lạng Sơn, Lào Cai để mời thương nhân Trung Quốc sang dự, kết nối cung cầu. Thậm chí chính quyền địa phương còn trực tiếp sang làm việc với một số tỉnh bạn. Nhờ thế, "sản phẩm vải thiều của Bắc Giang chưa bao giờ bị tồn đọng ở cửa khẩu" - ông Phương nói.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Tô Ngọc Sơn, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cho hay xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc là tăng kiểm soát truy xuất nguồn gốc và chất lượng, xuất khẩu nông sản, trái cây vào thị trường này sẽ chịu sức ép cao hơn.

Ông Sơn cho rằng để nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu một cách bền vững và "chính ngạch" sang Trung Quốc, tận dụng được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% mà phía Trung Quốc đã cam kết dành cho đa phần các mặt hàng nông sản, thủy sản Việt Nam trong khuôn khổ ACFTA do Bộ Công Thương chủ trì đàm phán, Bộ NN&PTNT cần chủ trì đẩy nhanh đàm phán, mở cửa thị trường hàng nông sản với thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa…

* Ông Đặng Phúc Nguyên (tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam):

Xuất khẩu trái cây chính ngạch tăng mạnh

Chín tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc giảm khoảng 10%, nguyên nhân là do nước này siết chặt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Việc này dẫn tới những mặt hàng lâu nay xuất tiểu ngạch như sầu riêng, bưởi bị giảm kim ngạch, song những loại trái cây xuất khẩu chính ngạch được vào Trung Quốc tăng lên mạnh mẽ, ví dụ như chuối xuất chính ngạch tăng so với năm ngoái 300%, thanh long tăng hơn 20%…

* Bà Đỗ Tú Quân (đại diện Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam):

Yến sào chuẩn bị xuất chính ngạch vào Trung Quốc

Lâu nay, yến sào Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là tiểu ngạch, nhưng với nghị định thư mà hai bên đã ký kết, Việt Nam sẽ xuất khẩu 100 tấn yến sào, trị giá khoảng 150 triệu USD sang Trung Quốc các năm tới. Trung Quốc đang tiêu thụ 90% lượng yến sào thế giới nên vào được thị trường này sẽ giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, yến sào Việt nếu muốn được xuất qua Trung Quốc phải tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát với bảng lên đến hơn 100 câu hỏi.

Nếu đưa thành công yến vào thị trường Trung Quốc chính ngạch, có thể nghĩ đến phát triển mạnh ở thị trường khác như Mỹ, châu Âu... vì Trung Quốc là thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao với mặt hàng này.

Nhiều nông sản có ưu thế của Việt Nam Nhiều nông sản có ưu thế của Việt Nam 'tắc đường' vào Trung Quốc

TTO - Không ít mặt hàng nông sản Việt Nam có ưu thế như sữa, thịt lợn, thịt bò... lại "tắc đường", chưa được nhập vào thị trường Trung Quốc, mặc dù năm 2018 Trung Quốc nhập khẩu nông sản gần 100 tỉ USD.

N.AN - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên