07/05/2011 09:54 GMT+7

Tăng trưởng cân bằng

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Trong quá trình tiếp tục tìm kiếm sự thịnh vượng, châu Á sẽ phải thay đổi động lực tăng trưởng theo hướng cân bằng hơn, “xanh hơn”. Việt Nam, một điển hình của thành công ở châu lục này, không phải là ngoại lệ.

Ông Changyong Rhee, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói với Tuổi Trẻ rằng Việt Nam là ví dụ điển hình của chiến lược tăng trưởng châu Á: tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, chính sách do chính phủ dẫn đầu, lao động chăm chỉ...

Đó là những công thức chế biến nên sự thành công của một nước chuyển đổi từ thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình, nhưng không đảm bảo là Việt Nam sẽ tiếp tục thành công với công thức cũ khi đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình.

Theo ông Rhee, gói động lực mới cho châu Á cũng chính là những lĩnh vực Việt Nam có thể khai phá để tiếp tục tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ tới: đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đổi mới tài chính, đầu tư vào các ngành phi thương mại và giải quyết các chi phí do quá trình chuyển đổi gây ra thông qua tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và tạo động lực, tái đào tạo cho những lao động bị thị trường đào thải.

Tại nhiều diễn đàn khác nhau, các chuyên gia và quan chức của Việt Nam đã đề cập tới việc tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Một điểm chung dễ dàng nhận thấy là xu thế ưu tiên tốc độ tăng trưởng kinh tế đang nhường chỗ cho một quan điểm phát triển cân bằng hơn.

Điều này cũng được thể hiện ở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam nhận ra tầm quan trọng của đầu tư vào hệ thống giáo dục, đào tạo kỹ năng, chăm sóc sức khỏe sao cho tăng trưởng đem lại lợi ích cho tất cả mọi người; sao cho những thành quả tăng trưởng mà phải khá vất vả chúng ta mới đạt được tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Sẽ không dễ dàng cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam để có những ưu tiên chính sách đúng đắn: làm thế nào để đảm bảo tính bền vững trong phát triển nhưng đồng thời buộc phải tăng tốc để bắt kịp những nước đi trước và vượt được những đối thủ cạnh tranh xung quanh mình?

Nêu câu hỏi này với nhiều diễn giả khác nhau tại hội nghị thường niên của ADB lần thứ 44, Tuổi Trẻ đều nhận được câu trả lời: “Không có chiếc áo nào vừa vặn tất cả các nước. Câu trả lời nằm ở việc rút ra bài học cho riêng mình từ những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại ở quanh ta”.

Việt Nam đang ở thời điểm lịch sử quan trọng: Việt Nam sẽ nằm ở giai đoạn thu nhập trung bình bao lâu? Liệu Việt Nam có tiếp tục cất cánh để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình hay không? Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính sách và cách thức Việt Nam thực hiện chính sách trong những năm tới. Tại sao kinh nghiệm thành công của cùng một “thầy giáo” như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... có thể được tiếp thu và áp dụng một cách hợp lý, hiệu quả ở nơi này nhưng lại thất bại ở nơi khác.

Điều đó, theo giáo sư người Nhật Kenichi Ohno, phụ thuộc vào chính nguồn nhân lực ở nước tiếp nhận.

Với lý do đó, tích lũy vốn con người để hiện thực hóa bức tranh phát triển bền vững có lẽ là một trong những thông điệp quan trọng nhất mà các diễn giả quốc tế gửi tới Việt Nam trong hội nghị thường niên lần này của ADB.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên