Chị Trần Thị Thía (23 tuổi) cùng con gái vừa tròn (2 tuổi) gần như không gượng dậy nổi trước cái chết của chồng là anh Đinh Văn Sỹ - Ảnh: Tiến Thắng |
Sáu người dân trong xã thiệt mạng khi đang trên đường đi cào ngao thuê từ ngoài biển vào bờ.
Con đường bêtông từ đầu xã dẫn vào hai xóm Thiện Tường, Thiện Châu dài chỉ hơn 1km mà có đến sáu rạp đám tang dựng lên san sát. Không khí đau thương, kèn điếu, cờ tang... bao trùm khắp xã.
Cứu người đến kiệt sức
Thuyền chìm do hỏng ống bao chân vịt? Chiều 16-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình phối hợp cùng Công an huyện Tiền Hải đã tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ lật thuyền. Theo kết quả khám nghiệm ban đầu, có thể do ống bao chân vịt bị hỏng dẫn đến rò nước tràn vào thuyền và làm thuyền chìm. |
Chiều 16-12, con thuyền nan bị đắm được trục vớt đưa về bến Giang Long. Trên con thuyền nhỏ vẫn còn vất vưởng những chiếc nón lá, đôi dép lê, một vài đôi ủng cao su của những nạn nhân trong vụ đắm thuyền. Những người phụ nữ may mắn được cứu sống vẫn chưa hết bàng hoàng.
Bà Nguyễn Thị Ngọt (61 tuổi) cứ hết nằm rồi lại ngồi, thỉnh thoảng nấc lên thành tiếng khi nghĩ đến hai đứa cháu ruột và những người hàng xóm cùng đi cào ngao bị thiệt mạng.
Bà Ngọt cho biết cả nhóm có 12 phụ nữ và anh Đinh Văn Sỹ cầm lái thuyền. Họ được thuê đi bốc ngao cho gia đình ông Trương Văn Đỉnh là chủ đầm ở cùng xã vào tối 15-12. Họ làm cả đêm đến 2g sáng 16-12 thì về. Thuyền còn cách bến khoảng 1km, bất ngờ nước tràn vào, cả thuyền và người cùng chìm dần.
“Tôi ngồi giữa thuyền tự nhiên thấy nước tràn qua mạn. Lúc đấy không sóng to cũng không có gió lớn. Tôi tri hô. Nước vẫn cứ tràn vào, mọi người đều mặc nhiều áo khoác, mặc cả áo mưa nên không bơi được. Sợ quá, lại rối lên, chúng tôi cứ ôm nhau khóc. Khoảng ba phút sau thì chúng tôi chìm dần theo thuyền. Tôi ngoi lên mặt nước và được người dân đi qua cứu sống” - bà Ngọt kể.
Khi tai nạn xảy ra, anh Đinh Văn Sỹ là người đàn ông duy nhất trên thuyền. Anh Sỹ cố đưa được vợ mình là chị Trần Thị Thía (23 tuổi) vào khu vực bãi cạn gần đó. Anh Sỹ tiếp tục bơi ra khu vực thuyền đắm đưa một người phụ nữ khác vào bờ. Trong lần thứ ba quay trở lại thì kiệt sức và bị kéo chìm xuống lòng biển.
“Lúc thuyền gặp nạn, anh ấy vẫn bình tĩnh đẩy và đưa tôi quay vào bờ, rồi tức tốc bơi quay ra cứu mấy chị đang chới với giữa dòng nước. Ai ngờ anh đi rồi mãi không quay lại bờ nữa” - chị Thía nằm gục bên xác chồng, ôm đứa con nhỏ vừa tròn 2 tuổi vào lòng nghẹn ngào.
Nỗi đau xóm nghèo
Ngày 16-12, những người dân ở xã Nam Thịnh đều bỏ hết việc đồng áng, chợ búa, tất tả lo tang lễ cho những người xấu số. Hoàn cảnh của cả sáu nạn nhân thiệt mạng đều éo le. Khuôn mặt như người mất hồn, ông Đinh Văn Tiến không kìm nén được thương đau khi cùng lúc nhận tin người con trai duy nhất và con gái ruột đều bị chết đuối.
Ông Tiến bảo: “Nhà nghèo quá nên gần 20 năm nay cả gia đình chỉ biết mưu sinh bằng nghề ra biển cào ngao thuê. Biết là đi đêm hôm trên biển vất vả, nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác. Vợ chồng thằng Sỹ bảo sẽ cố làm tích cóp tiền nuôi con vài năm đến lúc cháu đi học thì kiếm nghề khác, giờ nó chết thảm quá” - ông Tiến nấc nghẹn.
Cách nhà anh Sỹ chỉ vài trăm bước chân là ba đám tang liền kề nhau. Trước căn nhà cấp 4 lợp mái tôn, ba đứa trẻ con của chị Trương Thị Mây (33 tuổi, thôn Thiện Tường) ôm nhau ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra khi hàng xóm đưa thi thể chị Mây bọc trong những lớp vải trắng về nhà.
Trong ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng chị Mây chỉ lèo tèo vài đồ đạc đơn giản, tài sản giá trị nhất là chiếc xe đạp cũ mà hằng ngày chị vẫn đạp ra bến để lên thuyền đi cào ngao thuê.
Ông Trương Văn Trực (bố chồng chị Mây) ngồi tựa lưng vào tường rào, đôi mắt thẫn thờ. “Cào ngao cực nhọc cả đêm chỉ được hơn 100.000 đồng tiền công” - ông Trực nghẹn ngào.
Cũng giống như gia đình anh Sỹ, chị Mây, gánh nặng mưu sinh, cào ngao thuê để nuôi con ăn học thoát nghèo của bốn gia đình nạn nhân xấu số khác ở xã Nam Thịnh đã chìm xuống dòng nước lạnh theo con thuyền chở ngao...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận