11/09/2015 09:15 GMT+7

Cân nhắc tăng mức phạt khi thu nhập 
của dân còn thấp

V.V.THÀNH - S.BÌNH - D.NGỌC HÀ ghi
V.V.THÀNH - S.BÌNH - D.NGỌC HÀ ghi

TT - Tăng mức phạt liệu có kéo giảm vi phạm giao thông hay không trong khi thu nhập người dân còn thấp và liệu có phát sinh tiêu cực, đưa "tiền cà phê" hay cưa đôi tiền phạt với CSGT?

Ông Trần Ngọc Vinh - Ảnh: Việt Dũng
Ông Trần Ngọc Vinh - Ảnh: Việt Dũng

Dự thảo nghị định thay thế nghị định số 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến quy định nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt tăng nặng, thậm chí tăng gấp nhiều lần so với mức cũ.

Ngoài việc tăng mức phạt, theo dự thảo, một số hành vi vi phạm khác trước đây chưa được chú trọng xử phạt hiện nay sẽ được áp dụng nghiêm. Có nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc tăng mức phạt này.

* Đại biểu Quốc hội TRẦN NGỌC VINH:

Cân nhắc tăng mức phạt khi thu nhập của dân còn thấp

Mỗi người và cả xã hội đều có trách nhiệm chung tay để làm sao giảm thiểu tai nạn giao thông, trong đó tăng mức xử phạt là một biện pháp, nhưng không nên quá đặt nặng vào biện pháp này.

Cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau về cải thiện hạ tầng giao thông, về tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, về trách nhiệm công vụ của các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực giao thông...

Trong đó đối với việc tăng mức phạt, cần xem xét đến thu nhập bình quân đầu người ở nước ta hiện nay chưa cao, đặc biệt là người lao động nghèo, những người lao động lương thấp chỉ đảm bảo 60 - 70% mức sống tối thiểu...

Rõ ràng các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa đến thông tin tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông của người dân, mức xử phạt phải hợp lý để khi xử phạt không tạo thành gánh nặng quá sức đối với cuộc sống của một bộ phận người dân.

Nói một cách nôm na thì phạt tiền là biện pháp cực chẳng đã, nếu làm tốt việc giáo dục ý thức tham gia giao thông thì các vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ giảm rất nhiều.

Cũng cần phải lưu ý trong thực tế mức phạt tiền quá lớn có thể dẫn đến một số tiêu cực, kiểu như trong trường hợp nào đó trách nhiệm công vụ yếu kém lại không được giám sát tốt thì có thể có thỏa thuận “cưa đôi” số tiền phạt...

Một vấn đề quan trọng là phải cân nhắc từng loại vi phạm hành chính để tăng mức xử phạt. Ví dụ với những người làm nghề vận tải chuyên nghiệp như lái xe khách, lái xe tải, lái taxi... thì tôi cho rằng tăng mức phạt để răn đe là cần thiết.

* Luật sư Châu Xi (Đoàn luật sư TP.HCM):

Tăng mức phạt chỉ là giải pháp một phía

Nâng mức tiền phạt vi phạm giao thông, theo tôi, cũng có tác dụng ở một góc độ nào đó. Tức người dân “sợ” tốn nhiều tiền mà lái xe trật tự, không phóng nhanh, vượt ẩu, không lấn tuyến, uống rượu không lái xe.

Tuy nhiên, điều này chỉ một số rất ít người thực hiện, không phải số đông nào cũng sợ tiền phạt cao mà lái xe đàng hoàng. Theo tôi, giải pháp tăng tiền phạt thì chưa đủ mà phải áp dụng đồng bộ những giải pháp khác mới có tác dụng.

Muốn biện pháp này có hiệu quả triệt để thì đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật phải nghiêm minh, nếu tiền phạt cao mà người thực thi không nghiêm thì không có tác dụng.

Một số cảnh sát giao thông có thể sẽ nhận “tiền cà phê” của người vi phạm, hoặc cố tình “vạch lá tìm sâu” để bắt bẻ.

Nếu những người thực thi pháp luật (nhưng vi phạm) này không bị xử lý tới nơi tới chốn sẽ khiến người dân không còn niềm tin vào cơ quan thực hiện pháp luật thì quy định cũng khó khả thi.

Do vậy, nâng mức xử phạt mà tiêu cực không giảm thì vi phạm giao thông và tai nạn giao thông không giảm. Khi đó việc tăng tiền phạt chỉ là giải pháp một phía.

Ngoài việc thực thi pháp luật nghiêm, còn phải có kết hợp tuyên truyền ở gia đình, nhà trường, địa phương để giáo dục ý thức của người tham gia giao thông.

* Tài xế Trần Thanh Phong (43 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM):

Phạt nặng quá dễ sinh thương lượng

Việc tăng mức xử phạt cao đối với những lỗi vi phạm như người lái xe say xỉn, vượt đèn đỏ... thì tôi đồng tình, bởi những lỗi vi phạm trên dễ gây ra tai nạn cho người đi đường và cả người lái xe.

Đối với mức phạt gấp đôi xe quá tải như người lái xe bị phạt 14 - 16 triệu đồng, chủ xe bị xử phạt 18 - 22 triệu đồng có thể răn đe đối với việc vi phạm quá tải quá khổ.

Nhưng để hiệu quả thì việc xử phạt phải đảm bảo khách quan, xử phạt công bằng, nếu không sẽ dễ dàng phát sinh tiêu cực quanh chuyện “xin cho” để thoát lỗi vi phạm. Bởi việc xử phạt nặng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người kinh doanh vận tải nên họ có thể tìm mọi cách thương lượng.

* Một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.HCM:

Dễ tiêu cực nếu không xử lý nghiêm

Dự thảo nếu thông qua phải thực hiện nghiêm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong một số lỗi vi phạm cần phải có sự lập luận, nghiên cứu cụ thể đảm bảo tính thực thi hiệu quả.

Chẳng hạn xử phạt xe quá tải trên 150% thật nặng (tài xế bị phạt 14 - 16 triệu đồng, chủ xe bị phạt 18 - 22 triệu đồng) cần phải khách quan hơn. Bởi xe tải 1 tấn nhưng chở hơn 2,5 tấn là vi phạm theo khung cao nhất, nhưng khả năng hư hại cầu đường trường hợp này không cao.

Còn xe tải 10 tấn nhưng chở hơn 25 tấn mới xứng đáng xử phạt nặng. Hơn nữa, việc xử phạt cao dễ dàng phát sinh tiêu cực nếu những người thực thi nhiệm vụ không xử phạt thật nghiêm.

Còn về việc xử phạt thật nặng lỗi vi phạm nồng độ cồn, những người dân có hoàn cảnh khó khăn (như phụ hồ, xe ôm...) chạy xe máy cũ, khi bị phạt đến 16 triệu đồng thì chắc chắn bỏ xe. Lúc đó khó lòng giải quyết xử phạt theo quy định.

Xe khách Phương Trang lao qua dải phân cách đâm liên tiếp nhiều xe máy - Ảnh: Đại Việt
Vụ tai nạn ngày 9-9 khi xe khách Phương Trang tông hàng loạt xe gắn máy trên cầu vượt Cây Gõ quận 6, TP.HCM khiến 1 người chết, 8 người bị thương - Ảnh: Đại Việt
V.V.THÀNH - S.BÌNH - D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên