Xe đạp và xe máy tông nhau do cùng vượt đèn đỏ tại ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Không phải chờ đến lúc người dân vi phạm để xử lý mà phải làm sao để hạn chế tối đa hành vi vi phạm
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, giám đốc Sở GTVT TP.HCM
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG - giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM - mở đầu câu chuyện về đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt với hành vi vi phạm giao thông trong nội thành TP.HCM.
Theo ông Cường: "Đề xuất này nhằm tăng sự răn đe, không nhằm tăng nguồn thu".
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đồng bộ cùng đề án đặc thù
* Đề xuất này xuất phát từ đâu và từ căn cứ pháp lý nào, thưa ông?
- Xuất phát từ thực tế, năm 2016, tình hình tai nạn giao thông tại TP.HCM tăng trên cả ba mặt. Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng có nguyên nhân rất lớn từ các hành vi vi phạm giao thông. Do đó, Sở GTVT đã lập đề xuất này trình UBND TP để lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, tiến tới trình HĐND TP.
Quan điểm của chúng tôi: việc tăng mức phạt hoàn toàn không phải để tạo nguồn thu, mà để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm giao thông, gián tiếp nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân.
Trên thực tế quy định này không mới, bởi khoản 1, điều 23 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 cho phép nâng mức phạt tối đa hai lần với các vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương.
* Vì sao đề xuất này được đưa ra tại thời điểm này?
- Luật đã cho phép 5 năm nhưng khi thực hiện thì phải cân nhắc vào tình hình, tâm lý người dân để đạt hiệu quả cao nhất.
Kỳ họp HĐND TP lần này bàn về việc triển khai nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, trong đó có xem xét việc tăng một số phí, lệ phí và các khoản thuế... Vì thế đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông trong thời điểm này là phù hợp.
Bên cạnh đó, đây là giải pháp nằm trong gói tổng thể nhằm thiết lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực an toàn giao thông cũng như kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM..
Nhắc nhở quan trọng hơn xử phạt
* Theo ông, tăng mức phạt có phải là liều thuốc hiệu quả khi một số lĩnh vực dù phạt cao nhưng số vụ vi phạm vẫn không giảm?
- Nhìn vào số liệu xử lý cũng như phân tích các vụ vi phạm giao thông trên địa bàn TP sẽ thấy nhiều vụ tai nạn, ùn tắc giao thông xuất phát từ hành vi vi phạm giao thông.
Đơn cử trong 11 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TP.HCM có 97 người chết từ các vụ lưu thông không đúng phần đường, hoặc vi phạm tốc độ làm 33 người chết... Những hành vi này cần tăng nặng mức xử phạt để răn đe, giảm thiểu thiệt hại về người.
* Hạ tầng giao thông một số nơi ở TP.HCM vẫn chưa đủ đáp ứng cho người dân. Tăng mức phạt có đi kèm với tăng tiện ích, sự thông thoáng cho người và phương tiện lưu thông?
- Tôi chia sẻ vấn đề này, nhưng nguyên tắc là người tham gia giao thông phải chấp hành quy định khi lưu thông, chấp hành thêm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, mọi cái phải có trật tự kỷ cương.
Như tôi đã nói tăng mức phạt chỉ là một trong rất nhiều giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, kéo giảm ùn tắc khu vực nội thành mà TP.HCM thời gian vừa qua cũng như sắp tới sẽ triển khai
Đây là quy định chỉ áp dụng cho những hành vi, nhóm người không chấp hành quy định chứ không tác động trực tiếp lên toàn bộ người tham gia giao thông. Khi xử phạt cao hơn, việc chấp hành luật giao thông tốt hơn thì sẽ có tác động ngược trở lại: ùn tắc và tai nạn giao thông giảm đi.
* Việc tăng mức xử phạt này sẽ được thăm dò, lấy ý kiến người dân ra sao, thưa ông?
- Trước khi thực hiện chúng tôi sẽ đánh giá tác động, thăm dò hiệu quả quy định, cái này hết sức quan trọng. Tăng mức xử phạt nhưng không phải là chăm chăm đi phạt mà chúng tôi sẽ tăng lực lượng túc trực hướng dẫn.
Không phải chờ đến lúc người dân vi phạm để xử lý mà mục đích là để hạn chế tối đa hành vi vi phạm.
Muốn vậy phải tuyên truyền tốt, nhắc nhở kịp thời, lực lượng chức năng cũng phải nghiêm minh trong thực hiện để tránh tình trạng bất bình đẳng, đồng thời ứng dụng thêm công nghệ trong kiểm soát xử phạt.
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, giám đốc Sở GTVT TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Kiểm tra chặt việc sử dụng tiền phạt
* Tiền phạt tăng thêm sẽ dùng vào mục đích nào, thưa ông?
- Tôi khẳng định việc tăng xử phạt không nhằm mục đích tạo thêm nguồn thu. Khoản thu từ tiền xử phạt sẽ được dùng vào một số việc như bồi dưỡng cho lực lượng chuyên ngành triển khai quy định, phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Việc quản lý sử dụng nguồn tiền xử phạt này hiện đã được các đơn vị chức năng như Công an TP, Ban An toàn giao thông quản lý sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Khoản tiền tăng thêm từ xử phạt nếu được áp dụng cũng sẽ được dùng vào mục đích đó, tất cả đều có kiểm tra, kiểm toán đầy đủ.
Nâng mức phạt với các hành vi gây cản trở giao thông
Theo thanh tra Sở GTVT TP.HCM, thời gian qua nhiều đơn vị thi công đào đường rào chắn (dựng "lô cốt") công trình thường xuyên vi phạm như không bố trí người hướng dẫn điều khiển giao thông khiến khu vực bị ùn tắc giao thông.
Một số đơn vị không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn hoặc để vật liệu ngoài công trình gây cản trở giao thông, hoặc tái lập mặt đường không đúng nguyên trạng dẫn đến mặt đường lún sụt.
Thậm chí có đơn vị thi công vi phạm nhiều lần vẫn không khắc phục bởi vì mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó, trong đợt này thanh tra đã đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt đối với các hành vi trên.
Số liệu xử lý các lỗi vi phạm chủ yếu của Công an TP.HCM trong 11 tháng đầu năm 2017 - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Chúng tôi ủng hộ đề xuất
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang (trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM): Việc tăng mức phạt với nhóm hành vi vi phạm có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa vi phạm chung. Đó là một trong những giải pháp góp phần kéo giảm tai nạn, bảo đảm trật tự giao thông ở TP.
Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh: Đề xuất này có cơ sở pháp lý là căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Tuy nhiên đây mới là đề xuất xin chủ trương, muốn thực hiện phải trải qua các bước chặt chẽ (trình dự thảo, đánh giá tác động, thẩm định...) theo đúng quy trình.
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM): Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính nói trên là cần thiết, góp phần kéo giảm thiệt hại trong các tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, việc tăng gấp đôi mức xử phạt so với mức phạt hiện nay cần phải xem xét vấn đề mang tính tổng thể: Mức thu nhập hiện nay của cư dân TP vẫn còn hạn chế, việc tăng phí phạt gấp đôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Trong khi đó, hàng loạt chi phí, dịch vụ khác tăng như giá điện, xăng... ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Để kéo giảm tai nạn giao thông cần có giải pháp tổng thể và đồng bộ như: tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người tham gia giao thông; nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông; tăng cường giáo dục ý thức của lực lượng thi hành công vụ, hạn chế các hành vi tiêu cực trong lực lượng CSGT...
Do đó, việc tăng mức xử phạt không phải là giải pháp tối ưu và duy nhất để kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ. Để giải pháp này khi đưa vào áp dụng cần phải có thời gian cần thiết để phổ biến, tuyên truyền, vận động để đạt được sự đồng thuận trong người dân.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT ĐH Việt - Đức): Theo tôi, trước khi tăng mức xử phạt, TP.HCM cần quán triệt các lực lượng CSGT, thanh tra giao thông phải làm việc nghiêm túc, phát hiện đầy đủ các trường hợp sai phạm.
Hai yếu tố này là chìa khóa cải thiện an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Quang Trung (một chủ xe ôtô): Sở GTVT cần xem xét thật kỹ từng nhóm hành vi vi phạm, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra... để điều chỉnh mức xử phạt cho hợp lý.
Có những lỗi rất cần thiết tăng mức xử phạt thật nặng để răn đe, nhưng cũng có những lỗi đã có mức phạt hợp lý nên giữ nguyên ở mức đó.
N.ẨN - A.NHÂN - M.HOA - T.DUNG ghi
Ông Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM):
Ảnh: HỮU KHOA
Hiện mức xử phạt một số hành vi vi phạm giao thông vẫn chưa đủ tính răn đe. Sau khi xử phạt, tài xế thường xuyên tái phạm gây bức xúc trong xã hội, mất an toàn giao thông.
Cụ thể, các trường hợp ôtô dừng, đỗ lung tung, taxi đậu chiếm nhà chờ xe buýt, nhiều công trình xây dựng "lô cốt" chiếm cả mặt đường cản trở xe cộ đi lại, dẫn đến tai nạn giao thông... diễn ra phổ biến.
Dù các sở, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.
Do vậy, việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông gấp đôi, tăng thời gian giữ bằng lái... là hoàn toàn hợp lý, giáo dục ý thức chấp hành giao thông. Nếu lực lượng CSGT, thanh tra giao thông... phối hợp tốt trong quá trình xử phạt thì tình hình ùn tắc, tai nạn sẽ giảm đáng kể.
Toàn bộ tiền thu được trong quá trình xử phạt phải được sử dụng vào mục đích xây dựng hạ tầng giao thông, người dân trực tiếp giám sát, theo dõi việc này.
Đại biểu HĐND TP Lê Nguyễn Minh Quang:
Giải pháp tốt, nhưng phải thực hiện nghiêm
Ảnh: TỰ TRUNG
Theo tôi, tăng mức phạt lên gấp đôi là một trong các giải pháp tốt. Sở GTVT đưa ra phương án này để thấy rằng trong phạm vi pháp luật cho phép, mình có khả năng tăng lên như vậy, đó là một phương án có thể nghiên cứu. Nhưng điều quan trọng ở đây chúng ta có người thực hiện hay không?
Hiện nay, mức xử phạt về lĩnh vực giao thông, môi trường đều có, nhưng người tham gia giao thông vẫn còn leo lề, chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ hay người dân vẫn xả rác xuống kênh rạch, đường phố...
Do không có người xử phạt nên mức độ răn đe người dân còn thấp, không thể góp phần nâng cao ý thức. Vì vậy dù có tăng mức xử phạt lên bao nhiêu đi nữa mà không có lực lượng xử phạt thì chưa thể được.
Ngoài ra cũng nên thận trọng khi tăng mức phạt lên quá nhiều nhưng nếu không làm tốt sẽ tạo kẽ hở để người ta có thể thương lượng với lực lượng xử phạt.
Trong khi đó nếu mức phạt vừa phải nhưng các lực lượng xử phạt nghiêm minh dần dần sẽ tạo thành ý thức trong người dân.
Chẳng hạn việc xử phạt người đi môtô không đội mũ bảo hiểm, mức phạt không quá lớn nhưng thực thi nghiêm nên vẫn có tác dụng tốt, dần dần tạo thành nếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận