10/05/2016 11:37 GMT+7

Tăng học phí và những hệ lụy

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

TTO - Vấn đề học phí và hoàn cảnh của nhiều sinh viên hiện nay là một câu chuyện nan giải trong xã hội VN.

Tôi bắt đầu câu chuyện từ email của một bạn sinh viên quê Gia Lai kể: “Tháng này mẹ em chỉ gửi được cho em hai lít mật ong rừng do bà lấy chứ nhà đâu còn đồng nào do hạn hán.

Con bán hai lít mật để cố sống qua tháng này, tháng sau má cố đi vay hàng xóm hoặc mưa xuống có việc để làm rồi gửi cho con”. 

Nghe mà xốn xang trong lòng! Nhiều sinh viên đến lớp mặt xanh như tàu lá vì không có tiền ăn, một số ngủ gà ngủ gật vì đi làm thâu đêm suốt sáng.

Dẫu biết học phí học đại học (ĐH) hiện nay khá thấp, cần thay đổi trong chính sách về học phí giúp các trường ĐH có nguồn lực để phát triển nhưng việc tăng học phí ào ạt trong mấy năm qua, đặc biệt là ở các trường ĐH tự chủ tài chính và các trường tư thục, đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và gia đình của nhiều sinh viên, nhất là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thêm vào đó, chưa có sự minh bạch về thông tin học phí cũng khiến nhiều em rơi vào các tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Rất nhiều sinh viên vào ĐH hiện nay xuất phát từ các vùng nghèo khó, khu vực nông thôn của đất nước. ĐH là nơi giúp các em nuôi giấc mơ đổi đời. Tuy vậy, để trụ được, sống được, học được, các em và gia đình phải vượt qua bao khó khăn.

Với lộ trình tăng học phí theo nghị định 16, mỗi gia đình phải chi cho con em ăn, ở, học ở thành phố trong bốn năm phải từ 150 - 250 triệu đồng, còn ở trường tư thì cao hơn nhiều.

Trên thực tế, chỉ những gia đình ở thành phố lớn mới kham nổi, còn ở nông thôn thì phải đi vay mượn, hoặc các em khi vào học phải làm thêm nhiều việc để có tiền phụ gia đình nộp học phí và trang trải cuộc sống.

Mặc dù Nhà nước có chính sách cho vay nhưng không đủ để trang trải. Với chi phí lớn như vậy, ra trường chẳng may thất nghiệp thì không những không thể đổi đời mà còn ôm một cục nợ cho bản thân các em và gia đình.

Các trường tự chủ tài chính đều có quỹ học bổng (8% học phí) nhưng qua quan sát, những em có hoàn cảnh khó khăn thường phải dành khá nhiều thời gian đi làm thêm nên ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích học tập và học bổng lại rơi vào tay các em với gia đình có thu nhập tốt.

Bị đuổi học nhiều cũng vì mải đi làm để trang trải học phí. Do thiếu thông tin về học phí cùng với tư tưởng phải vào được ĐH rồi tính nên nhiều em phải bỏ học nửa chừng hoặc rơi vào tình thế khá khó khăn.

Để giúp các em không rơi vào các tình huống éo le, các trường cần cung cấp thông tin rõ ràng về học phí, các chi phí phụ như đồng phục, thực tập, đồ án nếu có, kể cả lộ trình tăng trong suốt bốn năm học cho các em biết trước khi đăng ký xét tuyển.

Học phí hiện nay của các trường ĐH rất đa dạng, vì vậy các em thí sinh phải lưu ý khi chọn trường để đăng ký vì có nhiều em đậu vào nhưng phải bỏ học hoặc bị đuổi học giữa chừng vì không kham nổi học phí cao ngất.

Phải thận trọng với các thông tin về học bổng vì giá trị học bổng thường nhỏ hơn nhiều so với tổng học phí!

Vấn đề học phí và hoàn cảnh của nhiều sinh viên hiện nay là một câu chuyện nan giải trong xã hội VN.

Muốn trường đào tạo tốt, chất lượng thì phải “có thực mới vực được đạo”, chứ không thể cho ra lò những sinh viên có trình độ trong một hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ; nhưng tăng học phí thì lại quá sức người dân... Từ đó, cái vòng luẩn quẩn nó níu chân ĐH VN!

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên