25/09/2014 10:01 GMT+7

​Tăng hậu kiểm để chặn doanh nghiệp FDI bỏ trốn

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Hiện tượng các ông chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn đã đến mức báo động, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp phối hợp ngăn chặn.

Sau khi ông chủ bỏ trốn về nước, các doanh nghiệp FDI chỉ còn lại máy móc cũ và một số nguyên vật liệu cùng một đống nợ Ảnh: ĐÌNH DÂN
Sau khi ông chủ bỏ trốn về nước, các doanh nghiệp FDI chỉ còn lại máy móc cũ và một số nguyên vật liệu cùng một đống nợ - Ảnh: Đình Dân
Có điểm chung là doanh nghiệp bỏ trốn thường có biểu hiện khá rõ như nợ đối tác, nợ lương, bảo hiểm công nhân, sản xuất cầm chừng, không có báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, nợ thuế, chủ đầu tư ít có mặt tại VN... Cơ quan quản lý hoàn toàn có khả năng rà soát, phân loại

TS PHAN HỮU THẮNG (nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài)

TS Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã khuyến cáo như vậy khi trao đổi về hiện tượng các doanh nghiệp FDI bỏ trốn có xu hướng gia tăng, không những gây nhiều thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nhiều người lao động, các đối tác liên quan.

Ông Thắng cho biết trong năm 2013, Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố 500 doanh nghiệp FDI bỏ trốn. Riêng những tháng đầu năm nay dù chưa có số liệu chính thức nhưng báo cáo từ các địa phương cho thấy số lượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn tiếp tục gia tăng, để lại nhiều hậu quả xấu. 

* Có thực tế là những năm khó khăn, doanh nghiệp hay văn phòng đại diện doanh nghiệp FDI bỏ trốn nhiều hơn. Phải chăng do quy định phá sản ở VN còn quá nhiêu khê?

- Đúng là quy định phá sản ở VN còn phức tạp, thời gian để thực hiện kéo dài trong khi doanh nghiệp không còn khả năng chi trả cho bất kỳ hoạt động nào. Nên cũng có thể cho rằng quy định về phá sản đã có những ảnh hưởng nhất định tới việc doanh nghiệp bỏ trốn.

Tuy nhiên, những nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp bỏ trốn vì cơ chế quản lý, giám sát của chúng ta chưa chặt, chủ đầu tư gặp khó khăn, thậm chí đã có ý đồ “chụp giật” ngay từ khi vào đầu tư, chỉ muốn tận dụng những ưu đãi, xong thì rút...

Những năm khó khăn, số doanh nghiệp kinh doanh không đàng hoàng, lượng doanh nghiệp bỏ trốn tăng lên cũng phản ánh sự khó khăn của năm đó so với các năm khác...

TS Phan Hữu Thắng  (nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài)
TS Phan Hữu Thắng (nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài)

* Nhưng hoạt động của doanh nghiệp được đặt dưới sự giám sát, quản lý của nhiều cơ quan chức năng. Vì sao các doanh nghiệp này dễ dàng bỏ trốn, thưa ông?

- Ngoài các nguyên nhân từ phía doanh nghiệp, hiện tượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn còn do sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Chủ đầu tư thấy được lỗ hổng trong quản lý mới bỏ trốn.

Có trường hợp doanh nghiệp không có báo cáo về hoạt động trong nhiều năm nhưng không bị nhắc nhở, kiểm tra hoặc có sự tiếp xúc để được hướng dẫn khắc phục... nên họ cho rằng có bỏ trốn cũng không ai biết, mà thực tế đã xảy ra như vậy.

Lợi ích của họ sẽ rất lớn, thoát được nợ VN, thậm chí có một khoản tiền lớn mà khó có khả năng bị truy cứu... nên họ có động lực để trốn. Nhiều doanh nghiệp FDI đã bị “bỏ quên”, không được nhắc nhở, kiểm tra, giám sát kịp thời.

* Theo ông, cơ quan chức năng nào cần tăng phối hợp, và họ cần làm gì để hạn chế tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn?

- Thời gian qua chúng ta chưa có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý như: kế hoạch - đầu tư, thuế, lao động - thương binh xã hội, quản lý các khu công nghiệp, công an, công đoàn, chính quyền phường xã, quận, huyện...

Để phòng ngừa thiệt hại do doanh nghiệp FDI bỏ trốn, theo tôi, cần tập trung hậu kiểm hơn tiền kiểm. Các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn cần định kỳ cung cấp thông tin về doanh nghiệp để thiết lập lịch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân loại rõ ràng theo các nhóm như: đang xây dựng, đang hoạt động tốt (nộp thuế, có nhiều lao động, có báo cáo định kỳ...), loại có vấn đề cần quan tâm (nợ thuế, chậm lương...). Cần theo sát hoạt động của các loại doanh nghiệp này.

Ngoài ra, khi đã có hiện tượng bỏ trốn, các cơ quan chức năng cần quyết liệt liên hệ với chính quyền nơi chủ doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào VN (vốn đã được thẩm định hoặc xem xét đến tính hợp lệ trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) để truy tìm chủ doanh nghiệp bỏ trốn... Bản thân người lao động, doanh nghiệp VN cũng cần cảnh giác trước các dấu hiệu kể trên.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Không thể để tình trạng chủ doanh nghiệp đi lúc nào thì đi, đến lúc nào thì đến, không trả lương cho người lao động, không có báo cáo thuế định kỳ... mà không bị ai nhắc nhở. Đợi đến lúc họ trốn rồi lần theo hồ sơ chủ doanh nghiệp đăng ký để truy tìm sẽ rất khó khăn, vì ngay giấy tờ pháp lý của họ cũng không rõ ràng do họ đã tìm cách che giấu trước đó.

Đó là chưa kể các quy định về hợp tác, xử lý doanh nghiệp bỏ trốn giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ còn chưa thống nhất, chặt chẽ... Đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp FDI bỏ trốn là các cơ quan chức năng phải phối hợp, tăng cường rà soát và hậu kiểm.

TP.HCM và Đồng Nai: thêm nhiều doanh nghiệp FDI bỏ trốn

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM, tám tháng đầu năm 2014 trên địa bàn TP có ba doanh nghiệp FDI (ngoài khu công nghiệp) bỏ trốn, để lại số nợ lương công nhân khá lớn cùng nhiều khoản nợ khác.

Trước đó, trong năm 2013, trên địa bàn TP.HCM cũng có năm chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn. Tại Đồng Nai, trong tám tháng đầu năm Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 22 dự án do ngừng hoạt động quá 12 tháng không có lý do, vắng chủ đã lâu nhưng không liên lạc được.

ĐÌNH DÂN

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên