Bất lực nhìn người thân bị cháy
Phóng to |
Tiệm bọc yên xe trên đường Phan Đình Phùng TP Biên Hòa (Đồng Nai) phát hỏa tối 22-12 làm 5 người chết |
Vì thuận lợi trong kinh doanh, hầu hết các gia đình có nhà mặt tiền đường tại TP lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Biên Hòa… đều tận dụng mặt bằng để làm nơi buôn bán. Nhiều ngôi nhà phía trước được dùng làm cửa hàng trưng bày, bán hàng hóa, phía sau sản xuất gia công còn trên lầu là nơi ở của hàng chục thành viên gia đình, công nhân.
Điều kiện buôn bán, sản xuất, sinh hoạt chật chội là nguy cơ gây nhiều vụ cháy nổ. Một số vụ cháy cửa tiệm kinh doanh kiêm nhà ở gần đây đã để lại hậu quả đau lòng, nhiều người không kịp thoát hiểm đã tử vong. Mới nhất là vụ cháy cơ sở may nệm xe làm 5 người chết tại đường Phan Đình Phùng, KP5, P.Trung Dũng, TP Biên Hòa Đồng Nai.
Vấn đề được nhiều người đặt ra từ các vụ cháy trên là liệu có nên cấp phép cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ nằm xen lẫn trong khu dân cư hay không? Làm sao để giảm thiểu những vụ hỏa hoạn thương tâm tại những cửa hàng, cơ sở sản xuất này?
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn:
Phải có khoảng cách an toàn
Ở các nước, cơ sở kinh doanh, trạm xăng dầu, cửa hàng gas hay nệm mút nằm xen lẫn trong khu dân cư cũng là bình thường. Bởi không thể xây một trạm xăng, cơ sở bán hàng cách xa khu dân cư hàng km mà phải tính đến nhu cầu phục vụ từng cụm dân cư nhỏ.
Điều quan trọng là các cơ sở này được xây dựng theo đúng qui chuẩn, tiêu chuẩn cho phép của cơ quan quản lý về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ví dụ khi xây dựng một cây xăng thì xung quanh đó sẽ phải bố trí các trục đường, có hàng cây xanh cách ly. Mật độ dân cư khu vực gần cây xăng cũng không được xây dựng liên tiếp nhau thành một dải dài mà chỉ giới hạn 15-10 căn, tiếp tục sẽ có thêm khoảng cách ly nữa.
Tất cả các cửa hàng kinh doanh mặt hàng dễ gây cháy nổ hay qui hoạch phát triển khu dân cư đều phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước về cháy nổ góp ý, phê duyệt và kiểm tra định kỳ.
Ở Việt Nam cũng đã có ban hành những qui chuẩn đối với những trạm xăng dầu. Ví dụ như trạm xăng phải có khoảng cách 30-50m đối với khu dân cư, phải có bờ tường cao cách ly, có khoảng không cho xe ra vào, phải được phê duyệt phương án phòng cháy chữa cháy của Sở Cảnh sát PCCC…
Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và không loại trừ những yếu kém trong vấn đề quản lý, tại nhiều đô thị của ta các cơ sở dễ cháy nổ vẫn vi phạm “khoảng cách an toàn” với khu dân cư. Khi xảy ra cháy nổ, trách nhiệm không chỉ do chủ đầu tư mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần làm quyết liệt hơn, xử lý hiệu quả hơn các cơ sở kinh doanh mặt hàng dễ cháy nổ trong khu dân cư không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, cần rà soát qui hoạch, bổ sung qui chuẩn đối với mặt hàng kinh doanh dễ cháy nổ nào chưa có qui chuẩn an toàn. Không thể đổ lỗi cho điều kiện kinh tế khó khăn mà làm lơ để các cơ sở dễ cháy nổ vi phạm “khoảng cách an toàn”. Sự cố cháy nổ luôn để lại những hậu quả khủng khiếp mà không tiền của nào có thể bù đắp được.
PGS-TS-KTS Nguyễn Thanh Hà -Trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ, Đại học kiến trúc TP.HCM:
Cần quy hoạch nhà ở tách bạch khu sản xuất kinh doanh
Về nguyên tắc, khi quy hoạch đô thị thì tất cả ngành sản xuất, kinh doanh gây nguy hiểm, dễ gây cháy nổ như kinh doanh, sang chiết gas, sản xuất, kinh doanh nệm mút, giấy, vải... đều được qui hoạch cho một khu vực riêng, tránh xa khu dân cư. Mục đích quy hoạch là nhằm tránh ô nhiễm cho khu dân cư và khi xảy ra cháy, nổ hoặc tai nạn cũng giảm ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Tất cả các nước trên thế giới và các khu đô thị mới đều phải tuân thủ nguyên tắc quy hoạch trên: khu ở, khu kinh doanh rất rõ ràng.
Đối với những đô thị hiện hữu, nhu cầu kinh doanh ngay tại nhà ở của người dân khiến cho đô thị hết sức lộn xộn. Trong điều kiện này, nhà nước không có điều kiện để quy hoạch rõ ràng từng khu vực sản xuất và kinh doanh như đô thị mới. Vì vậy, nhà nước phải có các quy định chặt chẽ khi cấp giấy phép kinh doanh. Những cơ sở nào không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy thì không cấp phép kinh doanh những vật liệu dễ nổ, dễ cháy.
Phó giáo sư, tiến sỹ Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - Bộ Công an:
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm PCCC
Giải pháp cần thiết hiện nay là phải tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để những vi phạm về phòng chống cháy nổ trên cả nước. Phải sớm đưa các quy định pháp luật liên quan vào cuộc sống và quan trọng hơn hết là phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể trang bị kiến thức cần thiết, phù hợp liên quan tới PCCC, cứu hộ cứu nạn vào các cơ sở giáo dục để trang bị kiến thức cũng như nâng cao nhận thức cho mọi người về vấn đề này. |
Điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về cháy nổ như các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ, chất khí, khí hóa lỏng, các vật liệu dễ cháy, nổ khác đã được quy định trong rất nhiều bộ tiêu chuẩn Việt Nam. Mỗi bộ tiêu chuẩn đều có quy định những điều kiện cụ thể. Ví dụ như tiêu chuẩn trong kinh doanh khí gas hiện tương đối đầy đủ như tiêu chuẩn của xe bồn như thế nào, cửa hàng kinh doanh cần các điều kiện cụ thể ra sao, chủ cửa hàng, nhân viên phải được huấn luyện, cấp chứng chỉ gì…
Khi xếp hàng hóa có nguy cơ trong các kho, bãi, nhà xưởng phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn để giảm thiểu tải trọng cháy (chất gây cháy/m2), các chất phản ứng không được để gần nhau…
Có thể nói quy định thì rất nhiều và tương đối đầy đủ nhưng việc áp dụng các tiêu chuẩn này lại khó. Có những cơ sở, hộ kinh doanh có trước khi các bộ tiêu chuẩn được ban hành nên không thể buộc họ áp dụng ngay được. Bên cạnh đó, ở các chợ truyền thống trên cả nước, các hộ kinh doanh trên phố sẽ không thể áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn. Dù không ai muốn cháy nổ xảy ra, nhưng rõ ràng đòi hỏi về mưu sinh được đặt lên trước hết khiến người dân phải tận dụng không gian trong việc sắp xếp hàng hóa. Thiết kế của nhiều ngôi nhà hiện nay cũng không ổn, những căn nhà ống, thậm chí nhà cao 7-8 tầng mà chỉ có một cửa ra vào. Khi cháy người trong nhà dễ bị ngạt khí, tiếp đó là bị lửa cháy.
Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là cho tới nay, người dân Việt Nam chưa được giáo dục, trang bị những kiến thức phù hợp về PCCC, cứu hộ trong những trường hợp khẩn cấp. Quy định của pháp luật nêu rõ chủ hộ gia đình, thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, chủ phương tiện phải có trách nhiệm PCCC nhưng kiến thức trang bị cho họ nói riêng và toàn dân nói chung còn rất thiếu. Người dân chưa biết ứng phó thế nào trong các tình huống xảy ra cháy, giải pháp thế nào là tốt nhất để cứu hỏa và tự bảo vệ bản thân, giải cứu cho những người mắc kẹt khác.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
"Bà hỏa" thiêu rụi tiệm bọc yên xe, ít nhất 5 người chếtCháy tiệm vàng mã trong đêm, ba nạn nhân thiệt mạngCháy nhà, một bé gái 4 tháng tuổi bị ngạt khóiCháy cây xăng ở Bình Chánh, 3 người bị bỏngCháy nhà chứa quần áo trong hẻmCháy tại trung tâm bảo hành bếp gas RinnaiNhà cháy dữ dội, đục tường hàng xóm cứu 2 cụ tuổi 90Khói vẫn mù mịt trong tòa nhà bị cháy ở chợ Hải DươngTrạm xăng thành biển lửa, nhiệt độ cháy có lúc 1.000 độ CHà Nội: Cháy lớn ở khu tập thể Nam ĐồngCháy nhà cho thuê, 3 sinh viên phỏng nặng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận