05/12/2013 10:29 GMT+7

Tăng 1.000-2.000 đồng/lượt gửi xe máy

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Chiều 4-12, với thuyết trình giá vé gửi xe máy ban hành sáu năm trước giờ đã lạc hậu, UBND TP Hà Nội đề nghị HĐND TP điều chỉnh mức giá trông giữ xe máy trên địa bàn các quận, huyện của Hà Nội tăng trung bình 1.000-2.000 đồng/lượt.

b94PxxTj.jpgPhóng to
Do thiếu bãi giữ xe, một số nơi như phố Hàng Giấy (Q.Hoàn Kiếm) lấy cả lòng đường làm điểm trông giữ - Ảnh: Xuân Long

Riêng giá trông giữ xe máy tại nhà cao tầng được quy định tối thiểu 2.000 đồng/ban ngày và tối đa 10.000 đồng/ngày đêm. Đề nghị trên đã được HĐND TP nhất trí, thông qua.

“Không ảnh hưởng khả năng chi trả của dân”

Đọc tờ trình đề nghị điều chỉnh phí trông giữ xe máy trên địa bàn TP, ông Phi Vân Tuấn, cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết thời gian gần đây, qua kiểm tra của cơ quan quản lý tại các điểm trông giữ xe, nhất là các bãi xe tự phát không có giấy phép, các điểm trông giữ xe tại bệnh viện, trường học, tại vỉa hè của các quận nội thành, tại các điểm danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí còn tồn tại nhiều sai phạm, trong đó vi phạm nhiều nhất là tình trạng thu phí cao hơn mức quy định.

“Bí mật” nội dung chất vấn

Chiều 4-12, trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn ngày 5-12, ông Lê Văn Hoạt, phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho biết Thường trực HĐND TP đã chuyển 29 câu hỏi chất vấn cho UBND TP để chuẩn bị nội dung trả lời. “Nội dung trả lời chất vấn trên nghị trường thì Thường trực HĐND chưa quyết để UBND TP chuẩn bị sẵn sàng trả lời cả 29 câu hỏi. Khi ra nghị trường chọn nội dung nào sẽ do HĐND TP lựa chọn sau” - ông Hoạt nói.

Còn theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện có một số đại biểu gửi câu hỏi chất vấn xung quanh một số vụ vi phạm trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi HĐND TP có mời giám đốc Sở Y tế đăng đàn trả lời hay không, ông Hoạt cho biết việc chọn nội dung và UBND TP cử ai đến khi chất vấn sẽ rõ.

Ông Tuấn cho rằng ngoài ý thức chạy theo lợi nhuận của các chủ trông giữ xe còn có nguyên nhân quỹ đất dành cho giao thông tĩnh của thủ đô hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ gửi xe của các phương tiện dẫn đến tình trạng thiếu điểm trông giữ. Ông Tuấn cũng cho rằng mức thu phí trông giữ xe hiện đang áp dụng đã được quy định từ sáu năm trước và đến nay chưa có điều chỉnh, vì vậy mức phí này đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế và mức độ trượt giá hiện nay.

Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động trông giữ xe, ông Tuấn cho biết qua rà soát, tính toán, các ngành nhận định khu vực huyện Từ Liêm là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng về trông giữ, nhu cầu trông giữ xe tương tự các quận, vì vậy sẽ điều chỉnh giá trông giữ xe trên địa bàn huyện này bằng giá trông giữ tại các quận. Với các khu vực huyện khác và thị xã Sơn Tây, do nhu cầu trông giữ chưa cao nên mức thu điều chỉnh thấp hơn các nơi khác.

Riêng đối với các điểm là khu vực danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nơi vui chơi giải trí, ông Tuấn đề nghị không quy định mức thu theo địa bàn. Tương tự, với các điểm là chợ, trường học, bệnh viện là những nơi có nhu cầu trông giữ nhiều, đối tượng gửi là người dân nghèo nên mức thu chỉ tính bằng mức thu tại các huyện. Theo ông Tuấn, với mức tăng trung bình 1.000-2.000 đồng tùy từng khu vực gửi xe và tùy từng thời điểm gửi xe, giá trông giữ cao nhất mới chỉ ở ngưỡng 5.000 đồng/lượt. “Đây là mức giá phù hợp, không ảnh hưởng tới khả năng chi trả của người dân” - ông Tuấn nói.

Tương tự, UBND TP cũng đề nghị quy định mới mức thu trông giữ xe máy tại nhà cao tầng có tầng giữ xe với mức 5.000 đồng/lượt/ban ngày và 10.000 đồng/lượt/ngày đêm. Đối với nhà cao tầng bình thường có mức thu 2.000 đồng/ban ngày và 5.000 đồng/lượt/ngày đêm.

Trước đề xuất này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng mức tăng như trên là phù hợp. Tuy nhiên, bà Mai đề nghị đi kèm với chủ trương tăng giá trông giữ xe phải có biện pháp giám sát đặc biệt với các chủ trông giữ vào thời điểm lễ tết. “Dịp lễ tết nào cũng có tình trạng ào ạt “chặt chém” khi người dân vào gửi xe. Bây giờ HĐND cho tăng giá trông giữ thì UBND TP cũng phải có biện pháp giám sát không cho chủ trông giữ cùng tăng, nếu không người dân lại chịu thiệt kép” - bà Mai lên tiếng.

Xác định 225 biệt thự cũ phải bảo tồn nguyên trạng

Cũng trong ngày 4-12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua danh mục biệt thự cũ trên địa bàn TP với 1.253 biệt thự. Trong số biệt thự cũ, UBND TP đề xuất chia theo ba nhóm: nhóm 1 có 225 biệt thự, nhóm 2 có 383 biệt thự, nhóm 3 có 645 biệt thự. Theo ông Nguyễn Văn Hải - giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, việc chia biệt thự theo ba nhóm được thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng. “Nhóm 1 là những biệt thự phải bảo tồn nguyên trạng; nhóm 2 có thể cải tạo sửa chữa nhưng vẫn giữ nguyên công năng, không phá vỡ giá trị gốc; nhóm 3 cho cải tạo, xây mới nhưng không làm tăng quy mô, không thay đổi phong cách kiến trúc” - ông Hải nói.

UBND TP đề nghị đối với 225 biệt thự nhóm 1 sẽ đưa vào nghị quyết của HĐND TP để thực hiện theo điều 11 của Luật thủ đô, theo đó sẽ tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát triển. Với những biệt thự nhóm 2 và 3 sẽ thực hiện theo quy chế về quản lý biệt thự của TP. “Đối với biệt thự nhóm 1 sẽ phải bảo tồn nguyên trạng, hư hỏng nặng thì phải trùng tu, có thay thế vật liệu cũng phải giữ như cũ, nguyên trạng, có sập cũng phải phục chế, phục dựng. Biệt thự nhóm 2 được phép tôn tạo, chỉnh trang. Biệt thự nhóm 3 hiện nay phần lớn đã được cải tạo, cơi nới, theo quy định có thể phá đi xây lại nhưng vẫn phải theo quy hoạch, không phải khi xây lại là có thể nâng từ ba tầng lên tám tầng” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói.

Theo ông Thảo, với biệt thự nhóm 2 và 3, TP sẽ vẫn quản lý theo quy chế hiện hành. Tuy nhiên, với nhóm 225 biệt thự nhóm 1 sẽ được tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát triển theo đúng quy định của Luật thủ đô. “Việc bảo tồn này không phân biệt là biệt thự của Nhà nước hay tư nhân, miễn là trong nhóm 1 thì phải bảo tồn và giữ nguyên trạng” - ông Thảo nhấn mạnh.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên