Helen Thuỷ (đội Đàm Vĩnh Hưng) trình diễn mash up 3 ca khúc Chuyện tình không dĩ vãng - Người tình không đến - Ai khổ vì ai |
Một số khác lại cho rằng chiến thắng của Helen Thủy thực chất nhờ vào lượng fan hùng hậu của Đàm Vĩnh Hưng đã bình chọn cho cô.
Vậy nên, nếu không phải là Helen Thủy mà là bất cứ ai đã được huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng chọn vào chung kết thì người đó sẽ thắng giải bởi luật chơi của Thần tượng bolero năm nay là các huấn luyện viên sẽ loại trừ các thí sinh của đội mình cho đến khí chỉ còn một thí sinh của vòng chung kết.
Riêng đêm chung kết sẽ do khán giả bình chọn ra người thắng cuộc.
Dù biết rằng phải có “cãi cọ” mới là truyền hình thực tế nhưng gần như chưa có sân chơi truyền hình thực tế nào mà kết quả chung cuộc là nhận nhiều phản ứng như Thần tượng bolero mùa 2 với chiến thắng của Helen Thủy.
Helen Thủy có xứng đáng?
Thậm chí, ngay chính Fanpage chính thức của chương trình, trong số hàng trăm bình luận (comment), chỉ có vài người ủng hộ tân quán quân. Phần lớn số còn lại bày tỏ sự không đồng tình khi học trò Đàm Vĩnh Hưng đăng quang ngôi vị cao nhất.
Theo đó, nhiều người cho rằng, chất giọng của Hellen Thủy không đủ thuyết phục để bước lên ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Một trong những lí do khiến cô bị phản ứng nhiều nhất chính là lối hát bolero cách tân mà cô theo đuổi suốt cuộc thi. Và dĩ nhiên, cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi.
Dựa trên lí luận đã là “gà” của Đàm Vĩnh Hưng thì sẽ thắng, nhiều ý kiến cũng cho rằng so với ba “đối thủ” là Hồ Phương Liên, Hoàng Ngọc Sơn và Triều Quân, Helen Thủy cũng không hẳn vượt trội.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu đọ về giọng hát và độ “hợp” với bolero, Helen Thủy thua Hồ Phương Liên của đội huấn luyện viên Ngọc Sơn.
Helen Thủy (tên thật: Kim Thủy, 25 tuổi đến từ Ninh Thuận) có nhiều lợi thế hơn so với ba thí sinh còn lại là Triều Quân, Ngọc Sơn và Phương Liên khi có bề ngoài sáng sân khấu và được đào tạo thanh nhạc bài bản tại Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Tuy nhiên, việc “được đào tạo bài bản” cũng chính là điểm bất lợi của cô. Cùng là những thí sinh được đào tạo âm nhạc trong môi trường chuyên nghiệp nhưng Trung Quang - quán quân Thần tượng Bolero mùa đầu tiên - khi lên ngôi quán quân lại không gây tranh cãi như Helen Thủy.
Với bản mash up đến ba ca khúc Chuyện tình không dĩ vãng - Người tình không đến - Ai khổ vì ai trong đêm chung kết, Helen Thủy buộc phải nhiều lần dùng giọng gió để hoàn thành tiết mục .
Mà theo quan niệm của nhiều người, bolero phải là những gì mộc mạc, giản dị nhất, hát như kể chuyện đời mình. Với quan niệm đó, Helen Thủy đã không thuyết phục được số đông công chúng.
Nên cách tân bolero hay giữ đúng truyền thống?
Nếu nhìn vào dàn huấn luyện viên năm nay, cũng sẽ thấy rõ sự xung đột giữa trường phái chọn bolero truyền thống và bolero cách tân.
Ngay cả những tên tuổi như Đàm Vĩnh Hưng hay Lệ Quyên, khi chọn cách tân bolero cũng đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, người khen - kẻ chê.
Thực tế, trong suốt mùa thi này, Thần tượng bolero không gặp phải quá nhiều phản ứng về sự cách tân từ khán giả.
Có lẽ vì ngay từ khi bắt đầu, ban tổ chức đã khéo léo nói rõ các tiêu chí của mình: cuộc thi mang tên Thần tượng bolero nhưng không chỉ có dòng nhạc bolero mà còn trộn lẫn với những dòng nhạc xưa, tiền chiến và trữ tình khác để các thí sinh của cuộc thi (vốn rất trẻ) để phục vụ được đông đảo khán giả và không quá “làm khó” thí sinh.
Bên cạnh đó, bạn xem đài cũng đã quen với những phá cách của mùa trước, quen với những “sáng tạo” dành cho truyền hình thực tế nên cũng không “cự nự” gì với những tiết mục được cho là cách tân của mùa thi năm nay.
Dẫu vậy, đã có một làn sóng phản ứng khá gay gắt vào đêm bán kết với những kết hợp bolero cùng “nhạc sàn”.
Trong tiết mục Về dưới mái nhà của Triều Quân ở đêm bán kết, không chỉ thí sinh mà cả bốn huấn luyện viên đã cùng nhau lên sân khấu “quẩy hết mình”, không chỉ nhảy nhót mà còn bò lăn trên sàn.
Nỗi buồn gác trọ của Mai Hường cũng tưng bừng, rộn rã khiến người xem phải “cau mày” không hiểu vì sao nỗi buồn này lại… náo nhiệt đến thế? Liệu khi buồn ta phải “làm quá” lên mới thật sự đúng với tâm tư tình cảm của “người trẻ” trong thời sống ảo?
Rất nhiều ý kiến cho rằng khi “kết đôi” bolero với nhạc điện tử, EDM, nhạc sàn… thì bolero không còn là bolero, nhạc trữ tình thôi không trữ tình nữa bởi đã đánh mất hoàn toàn tình cảm, thông điệp của ca khúc và dòng nhạc đó.
Những tranh cãi sau lễ đăng quang sẽ mãi là những tranh cãi, và kết quả thường không vì những tranh cãi mà thay đổi.
Dẫu vậy, chiến thắng không phải là ngôi vị cao nhất, mà là tình cảm trong lòng khán giả. Helen Thủy nói riêng và Thần tượng bolero nói chung có còn được quan tâm và chào đón mới là điều đáng để quan tâm trong những ngày sắp tới…
Giọng bolero của Helen Thủy hơi chua và gắt… Nhà báo Minh Đức, một gương mặt quen thuộc của những người yêu bolero cũng như yêu âm nhạc trên cả sóng phát thanh và truyền hình đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online quan điểm của anh. Về chiến thắng của một thí sinh trong một cuộc thi mà ở đó quyền quyết định dựa vào khán giả, qua tin nhắn thì tôi nghĩ kết quả không đáng để tranh cãi. Nếu số đông khán giả thực sự bình chọn cho người họ thích, thì ta phải chấp nhận thị hiếu số đông là như vậy. Nếu khán giả bình chọn vì tên tuổi của huấn luyện viên, hay vì các chiến lược cày tin nhắn (cuộc thi nào cũng có chuyện này) thì cũng là chuyện bình thường và người ta có thể thấy kết quả từ trước, không nên ngạc nhiên rồi phẫn nộ làm gì. Cuộc chơi nào cũng có luật chơi của nó, đã tham gia thì chấp nhận. Helen Thủy về giọng hát thì không đặc sắc, cô hát bolero như nhiều ca sĩ trẻ bây giờ, chưa có độ ngọt và mùi, nhưng lại có kiểu tạo kịch tính trong cách hát mà nhiều khán giả trẻ rất thích nghe. Kiểu của Helen Thủy gần với Lệ Quyên hồi mới chuyển qua bolero, nhưng không có độ ấm, vang như Lệ Quyên, mà hơi chua và gắt, tôi nghĩ nếu Thủy hát các bài nhạc quê hương chắc sẽ hợp hơn. Tuy nhiên so với mặt bằng các giọng hát bolero hiện giờ thì giọng Helen Thủy không hề dở. Cô hát theo cách mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ dạy nên rất giống anh Hưng, biết chỗ nào cần nức nở kịch tính thì nhấn vào đó mà không quá quan trọng phải hát cho mùi cho ngọt, có thể vì vậy mà nhiều khán giả thích kiểu bolero truyền thống sẽ không thích. Trong một cuộc chơi, khi đã vào tới chung kết rồi thì cơ hội sẽ chia đều cho mọi người, tôi nghĩ khán giả nên quen với điều này. Nếu có phản đối thì phản đối từ đầu đi. Nhưng các Huấn luyện viên cũng có những lý do riêng để giữ lại những người mà họ cho là tốt nhất cho một cuộc thi. Tôi nhấn mạnh yếu tố cuộc thi. Có những giọng hát thích hợp để bước ra sân khấu làm ca sĩ ngay, không nên thi thố làm gì, nghe các bạn đó hát ở sân khấu hay thậm chí ngoài đường là đủ hay rồi, nhưng lại không hợp để đi thi. Ngược lại có những giọng hát rất thích hợp cho các cuộc thi, vì trong giọng hát, trong cách hát của họ có yếu tố kịch tính, hợp với tính ganh đua của các cuộc thi. Có lẽ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng giữ Helen Thủy lại vì thế, ngoài ra Thủy có lợi thế lớn về sắc vóc, và chưa chắc đối tượng cô nhắm đến đã làm những người quen nghe bolero truyền thống, mà những người trẻ thích phá cách. Nếu quả thực như thế thì việc cô chiến thắng cũng là điều dễ hiểu thôi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận