![]() |
Ông Đoàn Văn Thơ (bìa trái) nói về hệ thống đê bao ngăn mặn, trữ ngọt sẽ được xây dựng tại Tân Phú Đông - Ảnh: Thanh Tú |
Ông Đoàn Văn Thơ (Chín Thơ), chủ tịch UBND huyện, nói: “Nếu tính theo chuẩn nghèo mới thì cả huyện có tới 52% hộ nghèo, có ấp tới 80% hộ nghèo”.
Tiếp chuyện với chúng tôi, cụ ông Lê Văn Tám (82 tuổi, ở ấp Cả Thu 1, xã Phú Đông) bảo rằng mấy chục năm trước vùng đất này trù phú lắm chứ không phải xơ xác như thế này. Nhưng biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền khiến cuộc sống ngày càng khó khăn. Bà Võ Thị Thu Hà, phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, cho biết xã hiện có đến 80% thanh niên rời quê hương đi kiếm sống tại các TP lớn. Ở huyện chưa có trường THPT nên phần lớn thanh niên học tới THCS phải nghỉ học lao vào cuộc mưu sinh.
Huyện Tân Phú Đông được thành lập ngày 20-1-2008 từ việc hợp nhất các xã trên cù lao Lợi Quan thuộc hai huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, có diện tích tự nhiên 202km2, với số dân khoảng 43.000 người. Đây là huyện nghèo nhất tỉnh Tiền Giang và nằm tách biệt với các huyện còn lại. |
Có lẽ vì vùng đất này quá nghèo mà HĐND tỉnh Tiền Giang khi bàn chuyện thành lập huyện đã chọn tên Tân Phú Đông với hi vọng vùng đất mới phía đông Tiền Giang sẽ trù phú.
Ông Chín Thơ bảo rằng kinh tế chủ yếu của huyện vẫn là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhưng nông nghiệp không hiệu quả do có tới sáu tháng nước mặn, lúa chỉ làm được 1-2 vụ/năm, năng suất rất thấp. Nguồn thu từ cây dừa, cây ăn trái cũng không được bao nhiêu. Thủy sản thì mùa được mùa mất do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh. Phần lớn những chủ trại tôm là dân nơi khác đến thuê đất, mua đất nuôi. Dân địa phương chỉ làm công cho họ chứ làm gì có vốn mà nuôi tôm.
“Chẳng lẽ Tân Phú Đông chịu trận thế này hoài hay sao?” - chúng tôi hỏi. Ông Chín Thơ nghiêm giọng: “Không thể nào chịu trận được. Phải tìm mọi cách giúp dân khá lên, kinh tế - xã hội của huyện phải tốt hơn chứ. Tôi đã có kế hoạch rồi. Nếu làm được thì năm năm tới Tân Phú Đông sẽ đổi khác nhiều”.
Theo ông Thơ, nguyên nhân sâu xa của cái nghèo ở Tân Phú Đông là do thiếu nước ngọt. Thời gian qua, tỉnh có đầu tư ngăn mặn trữ ngọt nhưng chưa đồng bộ, dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt hết nửa năm. Do đó, muốn giải bài toán thoát nghèo thì phải làm cho vùng này có nước ngọt quanh năm.
Chính vì vậy ông Thơ và UBND huyện đã lập phương án: “Ngăn sông Cửa Trung sát vách cù lao để trữ và cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của toàn huyện”. Ông gọi đó là chương trình “Ngọt hóa Gò Công 2”.
Để làm được điều này huyện cần nguồn vốn khoảng 1.400 tỉ đồng. Khi đó sẽ làm hệ thống đê bao giáp vòng cù lao không cho nước mặn xâm nhập rồi bơm nước ngọt trong hồ chứa khổng lồ này lên trồng lúa, hoa màu, nuôi thủy sản nước ngọt giống như bên đất liền. Có nước ngọt quanh năm, người dân sẽ không còn làm ăn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên như bây giờ.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng đồng tình với cách nghĩ đó và đang đề nghị trung ương đầu tư dự án mang tính lịch sử này. Nhiều lão nông Tân Phú Đông nghe dự án của huyện gật gù đồng tình. Đó có thể sẽ là một câu chuyện dài, nhưng hi vọng quyết tâm và sự đồng lòng của người dân Tân Phú Đông đang mở lối cho cái nghèo không còn bị giam hãm mãi ở vùng đất này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận