19/08/2018 18:46 GMT+7

Tận hưởng khoảnh khắc cuộc sống

DUYÊN PHAN
DUYÊN PHAN

TTO - Tạm ngưng công việc là kỹ sư đảm bảo chất lượng cho một công ty điện tử của Nhật, Lê Vạn Hiền, chàng trai 25 tuổi quê Đắk Lắk, quyết định thực hiện chuyến độc hành bằng xe đạp vòng quanh bảy nước Đông Nam Á.

Tận hưởng khoảnh khắc cuộc sống - Ảnh 1.

Hiền lưu lại khoảnh khắc tại sông Nho Quế, đoạn qua đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) - Ảnh: NVCC

Tôi muốn bước ra khỏi vùng an toàn để bản thân trải nghiệm những bài học mới. Càng đi nhiều, bạn sẽ càng thấy tầm nhìn bao quát hơn.

Lê Vạn Hiền

"Tôi quyết định tạm dừng tất cả để thực hiện chuyến trải nghiệm vì mình còn trẻ. Dù có vấp ngã tôi vẫn có thể đứng dậy đi tiếp. 25 tuổi - không lớn nhưng cũng không còn nhỏ, đủ để tôi rút ra bài học cho cuộc đời mình" - Vạn Hiền cho biết động lực thúc đẩy bạn thực hiện chuyến đi này.

Bước ra khỏi vùng an toàn

Khi được hỏi vì sao chọn xe đạp mà không phải là phương tiện khác, Hiền cho rằng du lịch bằng xe đạp không chỉ hợp lý về chi phí mà còn giúp rèn luyện sức khỏe, được thưởng lãm những khoảnh khắc đẹp.

Bắt đầu chuyến đi trước tết âm lịch 20 ngày, Hiền quyết định không ăn tết ở nhà như mọi năm mà lên kế hoạch ăn tết khắp mọi miền đất nước.

Xuất phát từ nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) với ba người bạn đồng hành, họ cùng nhau đi qua các tỉnh thành Việt Nam. Trên đường đi, các bạn mang theo bong bóng tạo hình và bao lì xì để tặng những em nhỏ khuyết tật, trại trẻ mồ côi. 

Hành trình vừa kết thúc tại Hà Nội, Hiền một mình tiếp tục chinh phục vùng cao Đông Bắc - Tây Bắc và bảy nước Đông Nam Á (Lào - Thái Lan - Myanmar - Malaysia - Singapore - Indonesia - Campuchia).

Trở ngại lớn nhất của Hiền là sự phản đối kịch liệt từ ba mẹ. Đã không ở nhà dịp tết, lại thực hiện chuyến hành trình một mình nơi những vùng đất xa lạ khiến "phụ huynh" lo lắng vô cùng, Hiền cười kể lại. Rồi bạn bảo mình phải làm "công tác tư tưởng" trước đó vài tháng để ba mẹ yên tâm.

Chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển nên chuyến đi của Hiền cũng gặp khó khăn. Việc chinh phục đèo dốc dưới cái nắng có khi lên tới 50OC là thử thách cực kỳ lớn với bạn. Đôi khi vì muốn đi đường tắt, Hiền đã lạc vào những con đường rừng lầy lội và rất chật vật mới tìm được hướng ra.

Ngoài ra, ngôn ngữ cũng là một trở ngại. "Ngôn ngữ chính của các nước Đông Nam Á không phải là tiếng Anh, trong khi hành trình của tôi chủ yếu đi qua những vùng quê, nơi đó người dân lại không biết tiếng Anh. Do vậy việc giao tiếp, hiểu nhau là một vấn đề. 

Ẩm thực các nước khá đa dạng, như thức ăn ở Myanmar thì dầu mỡ rất nhiều, hơi mặn và khô, vị cũng khác nên một tháng lang thang ở đây tôi vẫn chưa thích ứng được" - Hiền tâm sự.

Song hành trình của bạn vẫn gặp điều may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người, Hiền khẳng định.

"Nhớ có lần đi mua giày ở Thái Lan, chọn mãi mới được một đôi ưng ý nhưng giá quá cao, khi tôi trả giá thì anh chủ tiệm không bán. Tiếc hùi hụi, tôi đành bước ra xe. Vừa đi một chút, anh ấy lấy đôi giày bỏ vào túi rồi bảo tặng em đó, không lấy tiền. Vô số lần khác, tôi được người dân cho ngủ nhờ khi không tìm được chỗ, hoặc được thưởng thức những món ngon lần đầu tiên ở các vùng miền, thấy thú vị và hạnh phúc lắm".

Đi để trải nghiệm

Muốn đi phượt bằng xe đạp, đầu tiên bạn phải hiểu đi để trải nghiệm, mở rộng tầm nhìn, để học hỏi chứ không phải hưởng thụ. Luôn đặt câu hỏi cho mọi thứ mình nhìn thấy rồi đi tìm câu trả lời. Bạn nên cùng ăn, cùng làm với người dân bản địa để có trải nghiệm tuyệt vời nhất. Dù núi cao cũng không được nản vì khi lên tới đỉnh rồi bạn sẽ nhận ra cảm giác vô cùng tuyệt vời, Hiền chia sẻ quan niệm của mình.

Khi được hỏi có tiếc nuối gì về chuyến đi không, bạn bảo: "Tôi rất hạnh phúc với chuyến đi này. Tôi được làm tất cả những gì mình thích, thấy những thứ mình chưa từng thấy, bao nhiêu cảnh đẹp và vô số người tốt. Đồng thời vượt qua được chính mình, vượt qua những suy nghĩ mà trước giờ tôi không tự tin cho rằng mình làm được nên không có gì phải tiếc nuối".

Đây là lần đầu tiên Hiền phượt bằng xe đạp nên chuẩn bị khá nhiều vật dụng cá nhân, nào áo quần, đồ sửa xe, thuốc men, lều trại... Phải đi mới biết điều gì thật sự cần thiết, nên cứ sau một tuần Hiền lại lấy đồ ra xem, cái gì không dùng tới trong tuần vừa qua sẽ bỏ bớt. Đây là cách tập thói quen loại bỏ những thứ không cần thiết.

Theo Hiền, quan trọng nhất là giấy tờ tùy thân, tiếp nữa là tâm lý vững vàng, có niềm tin để vượt qua những khó khăn, đặc biệt là lúc đổ bệnh trên đường.

Sau chuyến hành trình dài hơn sáu tháng vừa rồi, anh bạn quay về với công việc thường ngày, rèn luyện sức khỏe, kiếm tiền và "lên kế hoạch" cho những chuyến đi thú vị khác.

Khoảnh khắc đẹp của cuộc sống

Mã Pì Lèng

Hiền ở nhờ trong gia đình 3 thế hệ ở phía Nam Thái Lan - Ảnh: NVCC

Đi một mình nhưng không có nghĩa Hiền đơn độc. Bạn say sưa kể về những khoảnh khắc gặp người dân thân thiện giúp đỡ không cần lý do hay đôi khi chỉ là cái giơ tay vẫy chào của một bác tài chạy xe tải chiều ngược lại, rồi nụ cười của những em nhỏ các nước cứ bám theo đuôi xe, tròn mắt và "hello" liên tục với cậu bạn.

"Lần ở miền Nam Thái Lan, tôi được gặp và ở ké trong một gia đình ba thế hệ. Tôi cùng ăn, cùng ở rồi cùng đi sửa tàu ngoài biển với gia đình họ. Gia đình ấy có một trang trại dừa nên suốt mấy ngày liền, tôi được uống nước dừa thỏa thích" - Hiền chia sẻ.

"Lông bông" và áp lực của những blogger mê du lịch 'Lông bông' và áp lực của những blogger mê du lịch

TTO - Những năm gần đây, “blogger du lịch” nổi lên như một nghề, một công việc được nhiều người trẻ lựa chọn theo đuổi.

DUYÊN PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên