09/07/2021 08:12 GMT+7

Tận dụng triệt để 15 ngày dập dịch

LAN ANH - HOÀNG LỘC - THU HIẾN ghi
LAN ANH - HOÀNG LỘC - THU HIẾN ghi

TTO - Một số chuyên gia, lãnh đạo, người dân... đề xuất ý kiến về việc TP.HCM cần làm gì trong 15 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 để có thể dập dịch COVID-19 thành công, bắt đầu từ hôm nay 9-7.

Tận dụng triệt để 15 ngày dập dịch - Ảnh 1.

Phiếu đi chợ được ban quản lý chợ Thảo Điền (TP Thủ Đức) cấp cho người dân - Ảnh: NHẬT THỊNH

Tất cả ý kiến đều đồng tình với việc TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Tuy nhiên mọi ý kiến đều cho rằng trong nửa tháng ấy, TP.HCM cần có các giải pháp quyết liệt để người dân thực hiện nghiêm quy định "người cách ly người, nhà cách ly nhà".

* PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):

Tránh làm theo hình thức

img_6612 1(read-only)

Một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh tại TP.HCM hơn một tháng qua chưa chấm dứt là bởi chính quyền cho triển khai và người dân thực hiện các quy định về giãn cách chưa nghiêm. Nguyên tắc của giãn cách xã hội là nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh, thông qua việc cấm hoặc hạn chế tiếp xúc giữa người với người. 

Nếu cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm, dịch bệnh tại TP.HCM sẽ giảm sự lây lan. Do đó TP.HCM cần tránh tình trạng cách ly xã hội theo kiểu hình thức như thời gian qua - tức là phong tỏa diện rộng, nhưng ở các phạm vi hẹp lại làm không nghiêm.

Việc cách ly xã hội toàn TP là điều không ai mong muốn. Nhưng chính quyền, nhân dân và xã hội phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế vô cùng to lớn để đổi lấy sự cách ly cho chống dịch. Vì vậy, đây là lúc TP.HCM cần tận dụng triệt để thời gian này để dập dịch.

Việc phong tỏa của TP.HCM lần này phải thực hiện nghiêm đến từng hộ gia đình, theo nguyên tắc mỗi nhà đều "cửa đóng, then cài", cửa hàng cửa hiệu về cơ bản đều đóng cửa trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Tránh việc chính quyền cơ sở chỉ lập rào chắn phong tỏa các khu phố, nhưng bên trong người dân vẫn tụ tập đông người.

Các hoạt động của người dân như lao động, sản xuất, giao thông... cũng cần sắp xếp lại, để hạn chế giao tiếp. Cấm hoặc hạn chế tối đa việc dừng, đỗ để đưa người lên xuống địa bàn TP, chỉ được dừng, đỗ khi có sự cho phép của chính quyền.

Về xét nghiệm tầm soát các ca F0, tôi cho rằng các đơn vị của TP phải trả kết quả ngay trong ngày mới đánh giá được mức độ nguy cơ. Bởi nếu xét nghiệm mà chậm trả kết quả thì không còn tác dụng vì qua ngày hôm sau, có thể đã hình thành chuỗi lây nhiễm mới.

TP.HCM cũng cần điều chỉnh các biện pháp truy vết, cách ly vì khi giãn cách xã hội về cơ bản người dân ở trong nhà, hạn chế mọi tiếp xúc với người khác làm sao cho hợp lý, tránh những tốn kém không cần thiết. Cần ứng dụng mạnh cũng như kết nối công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, cũng như hoạt động khác để giảm sự tiếp xúc, hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm phiền hà cho người dân.

* TS Lê Tuấn Thành (chuyên gia phân tích tình hình dịch COVID-19 Bộ Y tế năm 2020):

Ưu tiên tiêm vắc xin cho dân TP.HCM

img_6611 1(read-only)

TP.HCM hiện đang ở mức cảnh báo cao nhất nguy cơ rủi ro dịch bệnh COVID-19. Với các tính chất nhiều ổ dịch cùng xuất hiện, nhiều lớp lây nhiễm, dịch tấn công vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và bệnh viện, do đó TP quyết định giãn cách theo chỉ thị 16 là hợp lý.

Để tận dụng tối đa thời cơ 15 ngày giãn cách, TP.HCM nên thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp như tăng cường thay đổi nhận thức thông qua truyền thông đối với người dân về các tác hại lâu dài của dịch bệnh, không chỉ cho từng cá thể mang bệnh, mà còn cho sức khỏe chung của toàn xã hội. Bởi nhận thức của người dân là một trong những mấu chốt để việc dập dịch thành công.

Ngoài ra người dân TP.HCM cũng cần được ưu tiên cung cấp và tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thời gian tới. Dịch đến đâu khoanh vùng xét nghiệm và tiêm ngay đến đó. Tôi cho rằng lúc này TP không nên thực hiện xét nghiệm diện rộng nữa vì khi đã giãn cách toàn TP thì sẽ kiềm chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh và chính quyền có đủ thời gian để truy vết.

Ngoài ra TP.HCM cũng cần tổ chức quy hoạch lại tất cả các bệnh viện trong địa bàn TP theo 4 lớp như: trắng (khu vực sàng lọc bệnh nhân), xanh (an toàn), vàng (nguy cơ), đỏ (nguy cơ cao). Trong đó nhân viên y tế ở lớp trắng, xanh mặc đồ phòng hộ cấp 3 trong 24/24 giờ. Các khu vực tiếp xúc với bệnh nhân có bệnh lý nặng khác, nhân viên y tế mặc đồ phòng hộ cấp 4 trong 24/24 giờ.

Bệnh nhân ngoại trú và người khác chỉ được vào vùng trắng, xanh sau khi đã sàng lọc (triệu chứng, dịch tễ tiếp xúc với ca bệnh, người có triệu chứng). Và chỉ được vào các khu vực vàng, đỏ khi có xét nghiệm COVID-19 âm tính.

Tận dụng triệt để 15 ngày dập dịch - Ảnh 6.

Người dân xếp hàng mua thuốc tại nhà thuốc tây trên đường Hoàng Diệu, quận 4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

* Ông Trần Quý Tường (phó trưởng bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại Bắc Ninh):

img_6613 1(read-only)

Phát giấy đi chợ

Trong thời gian tham gia chống dịch tại Bắc Ninh, mặc dù ở khách sạn và đã được cung cấp các bữa ăn chính, nhưng đoàn chúng tôi vẫn có một số nhu cầu mua sắm thêm và phải ra chợ. Tôi thấy TP Bắc Ninh đã phát giấy để người dân đến chợ, đến chợ là phải có giấy. Chợ chỉ có 1 lối ra và 1 lối vào, người dân vào chợ có kiểm soát, do đó không bao giờ có cảnh đông người. Vì Bắc Ninh tổ chức được việc lưu thông hàng hóa, mua bán bình thường nên giá cả không hề tăng.

TP.HCM có diện tích lớn hơn Bắc Ninh nhiều và dân số cũng lớn hơn, nên có những cái khó. Thế nhưng theo tôi, có thể tham khảo mô hình ở Bắc Ninh và Đà Nẵng, nơi vẫn mở chợ dân sinh trong dịch và các gia đình vẫn có thể mua sắm thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, giá cả không tăng, nông dân vẫn có thể bán nông sản sản xuất được, tiểu thương vẫn có việc làm.

hl_bsquochung 2 2(read-only)

* TS Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM):

Cần mua hàng theo khung giờ

Theo tôi, TP.HCM cần tổ chức và có lộ trình cụ thể hơn trong việc cung cấp nhu yếu phẩm cho từng khu vực dân cư. Có thể quy hoạch, giới thiệu điểm sẽ cung ứng hàng hóa cho từng khu vực cụ thể, và cần có cam kết đảm bảo hàng hóa, giá cả thì người dân sẽ yên tâm hơn.

Các điểm bán hàng nhu yếu phẩm cũng cần có sự phân chia khung giờ mua sắm cho từng cụm dân cư để tránh dồn ứ từ ngoài vào trong. Ngoài hình thức mua trực tiếp, các điểm cung ứng cần đa dạng hóa hình thức mua và giao hàng bằng online. Để ngăn một lượng lớn người đổ xô vào một thời điểm, các điểm này cần phải có giải pháp điều tiết ngăn chặn ngay từ cổng; song song với việc kiểm soát việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo quy định.

lengocluom 1(read-only)

* Ông Lê Ngọc Lượm (49 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM):

Mong tiền hỗ trợ đến sớm

Chúng tôi đồng tình và ủng hộ việc TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội trong đợt này.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã hơn 1 tháng, cả gia đình tôi 3 người hành nghề bán vé số nên không thể xoay xở được vì khu nhà ở bị phong tỏa (khu Mả Lạng, quận 1). Đã 2 tháng nay, mỗi tháng chúng tôi phải trả 4 triệu đồng tiền phòng trọ, nhưng vì khó khăn chúng tôi đã xin khất nợ.

Cả gia đình chúng tôi phải tiêu xài rất tiết kiệm, gánh thêm chi phí tiền trọ nên chúng tôi rất mong có thể sớm nhận được gói hỗ trợ. Do đó tôi mong phường sớm lập danh sách hỗ trợ cho chúng tôi. Việc nhận sớm tiền hỗ trợ lúc này sẽ giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng.

15 ngày "chạy nước rút" dập dịch

Ngành y tế TP.HCM đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó vấn đề truy vết F0, loại bỏ các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng được ưu tiên hàng đầu. Quyết tâm này được thể hiện bằng việc TP.HCM cho ra đời Trung tâm điều phối xét nghiệm.

Trung tâm trên sẽ là cơ quan đầu não điều phối tổ chức lấy mẫu, nhập dữ liệu vào hệ thống phần mềm, vận chuyển và điều phối mẫu đến các phòng xét nghiệm, khắc phục sự tương thích giữa các phần mềm trả kết quả của các phòng xét nghiệm... nhằm giải quyết các hạn chế thời gian qua.

Trong 15 ngày giãn cách, ngành y tế TP.HCM cho biết sẽ là cơ hội làm giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh, đặc biệt là chủng Delta có tốc độ lây lan mạnh. Sẽ truy vết, xét nghiệm nhanh, tìm nguồn F0 và cách ly F1 nhằm khoanh vùng dập dịch triệt để. Trong đó, tập trung xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao... Đây là vũ khí để loại bỏ (làm giảm) nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Để chuẩn bị cho "trận đấu" trong 15 ngày, ngành y tế lập 2.500 đội lấy mẫu với nhân lực 15.000 người tham gia quá trình xét nghiệm với tổng công suất ước đạt 1,3 triệu mẫu/ngày, trong đó công suất mẫu gộp đạt 400.000 mẫu/ngày. Trong vòng 15 ngày, TP.HCM quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu toàn TP. Đặc biệt sẽ thí điểm triển khai test nhanh ở các khu công nghiệp do doanh nghiệp tự chi trả.

Trong thời gian này, TP cũng sẽ thẩm định xong, tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động vừa cách ly, vừa sản xuất. Tăng cường mở rộng khu cách ly tập trung TP lên 30.000 giường, song song việc thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà theo phương thức cách ly tập trung 14 ngày và 14 ngày còn lại theo dõi sức khỏe tại nhà tại 21 quận huyện và TP Thủ Đức.

HƯƠNG THẢO

0h ngày 9-7: Lập lại 12 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.HCM 0h ngày 9-7: Lập lại 12 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.HCM

TTO - Từ 0h ngày 9-7, 12 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ TP.HCM được kích hoạt lại để kiểm soát người ra vào thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.

LAN ANH - HOÀNG LỘC - THU HIẾN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên