20/06/2012 06:14 GMT+7

Tận dụng mọi kênh phân phối

D.TUẤN - TRẦN VŨ NGHI
D.TUẤN - TRẦN VŨ NGHI

TT - Chương trình “Hàng Việt vào chợ”, do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) thực hiện, theo các doanh nghiệp, bước đầu đã góp phần tăng độ “phủ sóng” hàng Việt tại các chợ.

HnJvkpKO.jpgPhóng to
Các doanh nghiệp tích cực quảng bá sản phẩm tại một phiên Hàng Việt vào chợ - Ảnh: DŨNG TUẤN

Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm BSA, cho rằng dự án “Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống” cũng là một kênh để doanh nghiệp đưa hàng Việt tiếp cận với người tiêu dùng. Chương trình là cầu nối để doanh nghiệp “bắt tay” với tiểu thương và người tiêu dùng, qua đó tạo lập kênh phân phối ở chợ truyền thống cho riêng mình.

Xoay trở đủ mọi cách

Có mặt tại hơn chục chương trình hàng Việt vào chợ truyền thống, bên cạnh đội ngũ giới thiệu bán hàng, anh Lê Hoàng Thành - phó ban kinh doanh Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Quang Minh (Bidrico, TP.HCM) chuyên sản xuất các loại nước giải khát - luôn đứng quan sát, lân la tìm hiểu từng phản ứng của người tiêu dùng tại các chợ với từng dòng sản phẩm. “Phải xác định được rõ từng nhóm đối tượng tiêu dùng, phải hiểu được nhu cầu cần thiết mới mong bán được hàng trong thời điểm khó khăn như hiện nay”, anh Thành nói.

Không chỉ quan sát, anh Thành còn tận tình chỉ cho khách biết công dụng từng loại nước uống, vào tận các sạp tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì “mỗi chợ là một nhóm đối tượng khác nên cần phải tìm hiểu thật kỹ mới mong thu được hiệu quả”. Khi chương trình thực hiện ở chợ Tam Bình (Thủ Đức, TP.HCM), nghe tiểu thương phản ảnh sản phẩm của Bidrico chưa được biết đến nhiều, anh liền bảo anh em trong đội ngũ marketing tích cực mời mọi người dùng thử, tặng thêm sản phẩm...

Sản phẩm nhựa gia dụng của Công ty nhựa Chợ Lớn cũng tìm đủ mọi cách để len chân sâu hơn nữa vào hệ thống các chợ trong bối cảnh sức mua quá thấp như hiện nay. Ông Võ Văn Đức Bảy, phó giám đốc kinh doanh, cho biết hầu như tại các chợ khắp tỉnh thành, công ty đều có nhà phân phối “cắm” ngay tại đầu chợ đặt “bản doanh” phân phối hàng cho tiểu thương.

Mỗi khi giao hàng xuống chợ, công ty đều cắt cử nhân viên phòng tiếp thị kinh doanh xuống tận nơi lắng nghe phản hồi trực tiếp của tiểu thương về sản phẩm của mình. Thậm chí nhân viên áp tải hàng, lái xe cũng vào chợ nghe ngóng tình hình, chẳng khác gì nhân viên marketing chuyên nghiệp, để có cái nhìn khách quan hơn báo cáo lại cho bộ phận liên quan. “Các tiểu thương góp ý rất thẳng, từ màu sắc, kiểu dáng đến độ bóng của sản phẩm. Nên khi chúng tôi điều chỉnh lại theo đúng phản ảnh của tiểu thương, hàng bán nhanh hơn chứ không chậm như trước” - ông Bảy chia sẻ.

Sau hơn bốn tháng thực hiện nhiều “chiêu” để đưa hàng vào chợ, ông Nguyễn Xuân Trường - trưởng ban kinh doanh Bidrico - khoe doanh số đã tăng lên 15-20%, với hơn 70 điểm bán hàng mở mới và hàng hóa đã phủ rộng khắp hơn 20 chợ trên địa bàn TP.HCM. Còn Nhựa Chợ Lớn dù vẫn còn 30% lượng hàng tồn cần giải quyết, nhưng với tốc độ “phủ sóng” tại các chợ đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nên ông Bảy hi vọng lượng hàng tồn kho sẽ giảm dần trong các tháng tới.

Nhiều nhãn hiệu sản phẩm khác đã có chỗ đứng trên thị trường từ nhiều năm nay như cà phê Trung Nguyên, đồ nhựa Duy Tân... cũng vẫn chăm chỉ tham gia từng buổi quảng bá hàng Việt tại các chợ để đẩy mạnh hơn nữa việc đưa hàng vào chợ. Đại diện nhãn hiệu Duy Tân cho biết hàng hóa của nhãn hiệu này đã xuất hiện ở hầu hết các chợ tại TP.HCM.

Tận dụng mọi kênh phân phối

Không chỉ có chợ truyền thống, nhiều doanh nghiệp cho rằng để bán được hàng thì phải tận dụng tối đa tất cả các kênh phân phối, thậm chí liên tục mở mới thêm điểm bán nhằm tìm thêm đầu ra cho sản phẩm. Bà Ngô Thị Báu, tổng giám đốc nhãn hiệu thời trang Foci, nói rằng giá mặt bằng cho thuê vẫn chưa xuống dưới mức như kỳ vọng, nên doanh nghiệp đang tính đến phương án đẩy mạnh phương thức bán hàng trực tuyến.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Hoàng Nam, trưởng phòng marketing thương hiệu bếp gas Namilux, cho hay ngoài các kênh phân phối hiện có, Namilux đang chuyển hướng phối hợp với các website kinh doanh trực tuyến, các kênh bán hàng qua truyền hình để tăng độ nhận diện sản phẩm của mình thông qua một hình thức kinh doanh khác.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết sáu tháng đầu năm nay, sức tiêu thụ mặt hàng thực phẩm chế biến của Vissan đã giảm 7-20% so với cùng kỳ năm 2011. Vì vậy, bên cạnh kênh bán hàng tại chợ truyền thống, hiện nay Vissan tiến hành xây dựng hàng loạt cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini để tăng độ phủ hàng hóa, “có vậy mới sống được trong giai đoạn “nóng bỏng” này” - ông Mười nói.

Hệ thống siêu thị Vinatexmart thì kiên trì mở hàng loạt điểm bán mới tại các tỉnh nhằm đẩy nhanh lượng sản phẩm quần áo may mặc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra thị trường. Bà Phạm Thị Quỳnh Ny, giám đốc marketing hệ thống Vinatexmart, cho biết ngoài các loại hình siêu thị tổng hợp, Vinatexmart đang tập trung tối đa loại hình siêu thị mini mở ngay tại các nhà máy may mặc trong hệ thống. Với diện tích 400-500m2, theo bà Ny, siêu thị mini sẽ bán tất cả các sản phẩm thiết yếu với giá hợp lý nhất cho công nhân và người có thu nhập thấp.

D.TUẤN - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên