31/10/2019 12:00 GMT+7

Tấm vé tàu gây… biểu tình ở Chile

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Là quốc gia giàu có nhất Nam Mỹ với thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 24.000 USD/năm, Chile đang đối mặt với căng thẳng biểu tình từ việc tăng giá vé tàu điện ngầm... 30 peso, tương đương 0,04 USD.

Tấm vé tàu gây… biểu tình ở Chile - Ảnh 1.

Người biểu tình cầm cờ Chile trong lúc cảnh sát phun vòi nước tại thủ đô Santiago ngày 29-10 - Ảnh: Reuters

Đôi khi đám cháy lớn chỉ bắt nguồn từ một tia lửa nhỏ. Chile đang "cháy" theo đúng nghĩa đen, với những màn đốt phá ngoài đường trong cuộc biểu tình kéo dài.

22 tàu điện ngầm bị đốt

Bạo loạn ban đầu xuất phát từ việc giá vé tàu điện ngầm giờ cao điểm ở thủ đô Santiago tăng 30 peso hôm 18-10.

Ngày hôm đó, sinh viên ở Santiago dùng hashtag #EvasionMasiva kêu gọi tẩy chay trên mạng xã hội. Không ngờ nó lại là điểm khởi đầu cho cướp bóc ở siêu thị, biểu tình và náo loạn trên phố. Trên dưới 22 trạm tàu điện ngầm bị đốt và ít nhất 19 người đã thiệt mạng kể từ đó, theo số liệu của Bộ Nội vụ và cảnh sát.

Những nỗ lực của chính phủ, trong đó có cả cải tổ nội các, đến nay đều chưa có dấu hiệu xoa dịu tình hình. Ngược lại, quy mô biểu tình càng lúc càng lớn, các vấn đề từ một tấm vé tàu điện ngầm nay mở rộng thành bất mãn trong chính sách, phúc lợi nói chung, từ lương hưu cho tới dịch vụ công.

Hôm 30-10, người biểu tình vẫn không chấp nhận nhượng bộ của Tổng thống Sebastian Pinera đưa ra hồi đầu tuần này, bất chấp ông đã sa thải một phần ba nội các, bao gồm bộ trưởng nội vụ cánh hữu Andres Chadwick, người bà con của ông Pinera công khai ủng hộ cựu tổng thống độc tài Pinochet.

Patricia, một người biểu tình 62 tuổi ở Santiago, nói với Đài Al Jazeera: "Hiến pháp mới là giải pháp duy nhất. Tất cả những chính quyền cũ đều không thể thay đổi hiến pháp, và đó lại là những gì chúng tôi cần. Người Chile đã nói quá rõ rồi. Sự áp bức phải bị thay đổi vì phong trào xã hội này sẽ không dừng lại".

Bất bình đẳng xã hội

Số tiền vé tàu điện ngầm tăng lên vừa qua chưa tới 1.000 đồng khi đổi sang tiền Việt Nam. Nhưng nó khiến tất cả phải sốc nặng và có cái nhìn thận trọng hơn về khái niệm của sự thịnh vượng: tăng trưởng kinh tế không phải là tất cả. Số tiền 0,04 USD ấy là giọt nước tràn ly khi người nghèo ở Chile cho rằng họ bị cư xử bất công và không hưởng được gì từ thành tựu kinh tế của Chile.

Kinh tế Chile là một câu chuyện thần kỳ. Mô hình kinh tế thị trường tự do đã giúp Chile giảm đói nghèo từ 31% của năm 2000 xuống còn 6,4% trong năm 2017, theo World Bank. 

Giờ đây, trên bảng xếp hạng toàn cầu, Chile là một nền kinh tế lớn, thậm chí trong danh sách "nhà giàu" Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Với GDP bình quân đầu người trên 24.000 USD/năm, Chile là nước giàu nhất Mỹ Latin xét về mặt này.

Thống kê trên lại đặt ra một câu hỏi: vì sao người biểu tình Chile dùng tình trạng bất bình đẳng để làm lý do bạo loạn, xuống đường, trong khi rõ ràng dù ít hay nhiều kinh tế nước này cũng đã cải thiện đời sống của lao động nghèo? Về cả kinh tế lẫn tuổi thọ họ đều đang đứng nhất Mỹ Latin.

Ông Tyler Cowen, giáo sư kinh tế học tại Đại học George Mason, chỉ ra rằng nguyên nhân chính nằm ở việc tầng lớp trung lưu của Chile chứ không phải người nghèo. Theo ông, giới trung lưu Chile cho rằng họ không thể kham mức phí dành cho hàng hóa và dịch vụ như y tế hay giáo dục, những mặt cần thiết trong sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh. 

Bản thân tầng lớp này thấy lo lắng cho tương lai kinh tế của chính họ cũng như việc nghỉ hưu. Mạng lưới an sinh xã hội của Chile đủ tốt cho người nghèo, nhưng không đủ cho giới trung lưu.

Ông Cowen cho rằng đó là lý do biểu tình vừa qua đa số là sinh viên, không phải người nghèo nhất tại Chile. Do đó, biểu tình ở Chile mang dáng dấp của phong trào áo khoác vàng ở Pháp gần đây chứ không giống như tình trạng ở Venezuela và Ecuador hiện nay. 

Giới trung lưu Chile và Pháp đều cảm thấy mình bị bỏ rơi kể cả khi tiêu chuẩn sống đã cải thiện, và rằng thu nhập của họ không thể theo kịp sự leo thang của giá cả.

Tác nhân này đã cộng hưởng với bất bình đẳng thu nhập và tạo ra một cuộc biểu tình lớn, hoàn toàn bất ngờ cho Chính phủ Chile. Một báo cáo Liên Hiệp Quốc năm 2017 cho thấy 1% những người giàu nhất Chile nắm giữ đến 33% tài sản quốc gia. Điều này khiến Chile trở thành nước bất bình đẳng cao nhất trong khối OECD.

Chile hủy tổ chức APEC

Tổng thống Sebastian Pinera tuyên bố hủy Hội nghị APEC và COP-25 diễn ra ở Santiago sắp tới vì các cuộc biểu tình dai dẳng.

"Đây là một quyết định rất khó khăn. Chúng tôi hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của APEC và COP-25 với Chile và thế giới nhưng đây là quyết định hợp tình hợp lý - ông Pinera nói với truyền thông ngày 30-10 tại Santiago - Điều một tổng thống cần làm là đặt người dân lên trên tất cả".

Chile vốn có kế hoạch tổ chức các hội nghị của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 16 đến 17-11 và Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-25) ngày 2 đến 13-12 tại Santiago.

Chile tuyên bố hủy đăng cai tổ chức APEC, COP25 vì biểu tình Chile tuyên bố hủy đăng cai tổ chức APEC, COP25 vì biểu tình

TTO - Tổng thống Sebastian Pinera của Chile ngày 30-10 tuyên bố diễn đàn hợp tác kinh tế APEC dự kiến diễn ra tháng 11 và hội nghị khí hậu COP25 sẽ không diễn ra tại nước này nữa.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên