Bóng đá Việt Nam
Tạm biệt một tượng đài
TTO - "Lấm lưng trắng bụng" ba trận liền (trước Hoàng Anh Gia Lai, Navibank Sài Gòn rồi Ninh Bình) trên sân nhà lẫn sân khách, Hải Phòng rơi thẳng xuống đáy bảng xếp hạng khi có cùng 23 điểm như Khánh Hòa.
Một thành tích kém cỏi nhất trong vòng năm năm trở lại đây, và thế là HLV Vương Tiến Dũng đành phải nói lời chia tay.
Mùa trước đoạt ngôi á quân, nay lại đối mặt với nguy cơ rớt hạng quả là một bất ngờ quá lớn với người hâm mộ bóng đá cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng. Nhưng với người trong cuộc thì đó là một kết cục được cảnh báo từ đầu mùa giải.
Sau vầng hào quang với chiếc HCB V-League 2010, thành tích cao nhất của Hải Phòng khi chuyển lên chơi hạng chuyên nghiệp, nhiều anh tài của Hải Phòng lần lượt ra đi như tiền vệ tấn công Leandro, tiền đạo Ngọc Thanh, trung vệ Minh Đức… Ba cái tên ấy có thể đã bị lãng quên trong lòng người hâm mộ Hải Phòng, nhưng với các cầu thủ đất cảng thì khoảng trống mà bộ ba này để lại quá lớn.
Vắng Ngọc Thanh cùng Leandro, Hải Phòng không còn những bàn thắng mang ý nghĩa quyết định, mất đi những đường chuyền sắc như dao cạo, những cú tỉa bóng không ít lần làm bùng nổ cầu trường, tạo nên sự phấn khích vô bờ đối với người xem.
Sau 22 vòng đấu, Hải Phòng chỉ ghi được 18 bàn thắng (chưa tới một bàn/trận), một thông số quá kém và đó cũng là đội bóng nghèo bàn thắng nhất ở V-League 2011. Mất chốt chặn Minh Đức, hàng thủ Hải Phòng chông chênh dữ dội. Cho nên họ buộc phải cầu viện trung vệ Đình Luật từ Sài Gòn Xuân Thành tăng cường từ đầu lượt về, nhưng bi kịch vẫn không được cải thiện.
Lực lượng vẫn hùng hậu, nhưng số cầu thủ sử dụng được chẳng là bao, trong đó có những gương mặt mới tậu về hồi đầu mùa bóng với giá chuyển nhượng bạc tỉ, nhưng lại bị đày xuống đội trẻ vì vô kỷ luật. Một số cầu thủ như Minh Châu, Trọng Nghĩa, Văn Nam, Bật Hiếu, Đặng Văn Robert… vẫn kéo cày miệt mài nhưng nỗ lực của họ không thể đắp đầy khoảng trống bởi sự sa sút hoặc đá chiếu lệ của nhiều đồng đội khác.
Leandro ra đi, người ta kỳ vọng rất nhiều vào Aniekan ở khu vực giữa sân. Nhưng lối chơi rườm rà, thường xuyên vi phạm kỷ luật nội bộ, thái độ kẻ cả trên sân tập và thi đấu của cầu thủ này không ít lần làm đồng nghiệp nổi điên. Thay vì trừng phạt nghiêm khắc theo đúng quy chế CLB thì nhiều lãnh đạo lại xuê xoa với sai phạm của Aniekan.
Được nước, cầu thủ này càng làm mình làm mẩy và mới nhất là việc nổi nóng gây sự dữ dội với HLV Vương Tiến Dũng trong trận gặp Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 21. Sang vòng 22, anh này bị xếp ngồi ngoài như một hình thức kỷ luật nhẹ để rồi ban huấn luyện buộc phải tung vào đá ở hiệp nhì.
Giữ vai “thuyền trưởng” trên một con tàu không có nhiều lắm các “thuyền viên” xuất sắc, cộng vào đó là những mâu thuẫn âm ỉ, những cuộc nổi loạn luôn chực chờ bùng nổ, thì dù “thuyền trưởng” Vương Tiến Dũng có tài ba đến mấy cũng khó mà thoát qua sóng to gió lớn.
Ít nhất ba lần ông Dũng đến rồi đi khỏi Hải Phòng. Dẫu đến hay đi, ông thầy này vẫn để lại dấu ấn đậm nét trong lối chơi của bóng đá đất cảng bởi sự nhiệt tình, chăm chút cho học trò như những đứa con thân thương. Tiếc là họ trả ơn cho ông bằng những thái độ quá kém, chơi không hết mình, thêm vào đó, cách làm bóng đá thay đổi xoành xoạch khiến ông Dũng nhiều lần mất phương hướng.
Đầu giải, ông Dũng từng cảnh báo Hải Phòng sẽ lâm nguy trong cuộc chơi đường dài nếu lực lượng không được bổ sung như ý. Sự góp ý lẫn lời cảnh báo từ xa này không hề được lãnh đạo CLB chú tâm để giờ đây phải đối mặt nguy cơ xuống chơi giải hạng nhất, và ông thầy đầy tâm huyết phải khăn gói ra đi lần nữa.
Cái tình, cái tâm của ông Dũng với bóng đá Hải Phòng quá lớn, cho nên khi ông ra đi vì thành tích không như ý của CLB, người hâm mộ ray rứt, nhớ nhung nhiều hơn là chỉ trích.
Bóng đá lắm khắc nghiệt, vầng hào quang và bóng tối, giữa công và tội luôn cận kề bên nhau. Hãy sống thật lòng, cháy bỏng với công việc để khi ra đi có được tiếng thơm để lại là điều quý nhất. Tạm biệt HLV Vương Tiến Dũng, tạm biệt một tượng đài của bóng đá Việt Nam…
SĨ HUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận