![]() |
Bà ngoại tôi và tấm ảnh đoàn văn công Nghệ An chụp chung với Bác Hồ |
Trong kháng chiến chống Mỹ, bà tôi làm trong đoàn văn công Nghệ An. Gần 50 năm, kể từ ngày được gặp Bác Hồ, bà vẫn nhớ như in.
Cuối hè năm 1957, tin Bác Hồ về thăm quê lần đầu tiên sau bao nhiêu năm bôn ba tìm đường cứu nước dấy nên niềm vui to lớn trong lòng nhân dân xứ Nghệ. Mọi người tập trung tại sân vận động thành Vinh để chào đón và nghe Bác nói chuyện. Giữa cái nắng gay gắt, biển người im phăng phắc, tất cả hướng về phía Bác, lắng nghe lời Bác dạy: cán bộ phải chí công vô tư, phải đặt lợi ích của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, phải đoàn kết, gương mẫu.v..v… Đang nói Bác bỗng xin phép cởi áo ngoài cho mát. Tất cả mọi người đều rộ lên cưòi thoải mái. Thật tự nhiên, cởi mở, thân mật như cha nói với con.
Ngày hôm sau, Bác về thăm quê ở Nam Liên. Khi trở về thành Vinh, Bác đi xe mui trần, nhân dân một lần nữa được thoả lòng mong gặp Bác. “May mắn làm sao, lúc đó bà đang bế con, đứng gần xe Bác. Bác mặc quần áo kaki giản dị, mái tóc trắng bạc, nước da hồng hào. Bác đứng thẳng dậy giơ tay chào đồng bào, mắt sáng long lanh và hiền từ. Mọi người hoan hô không ngớt”.
Hơn 4 năm sau, tháng 12 năm 1961, Bác lại về thăm quê lần thứ hai. Đoàn văn công được lệnh về biểu diễn phục vụ và Bác muốn nghe dân ca Nghệ Tĩnh. Tất cả đoàn đều reo mừng, sung sướng nhưng lại băn khoăn: bấy giờ đoàn văn công Nghệ An chỉ chủ hát chèo, hát mới, diễn kịch nói chứ không có tiết mục dân ca.
“Rứa lúc đó giải quyết răng bà? ”, tôi hỏi chen vào. Bà dừng lại mắng khẽ: “Mi là chúa hay quên... ”, bà tiếp tục lau chùi tấm ảnh và kể. Lúc đó cả đoàn lúng túng lắm. Với riêng bà, hình bóng Bác của 4 năm trước lại hiện lên mồn một trong tâm trí, với giọng nói ấm áp, đôi mắt hiền từ.
Dòng suy tư ấy đưa bà tôi về lại những năm tháng chống Pháp, sơ tán lên Nam Đàn, cạnh bờ sông Lam. Nơi đó, man mác những chuyến đò dọc ngang, những âm vang của hàng chục cô gái kéo sợi, tất cả ngân lên những khúc hát đò đưa, ví dặm, ví phường vải, ru con... Dân ca xứ Nghệ đã thấm vào bà tôi từ ngày ấy. Bà thử hát nhẩm cho đoàn nghe. Một đồng chí lớn tuổi trong đoàn bảo bà hát đúng và nghe cũng được, không thể diễn tả hết nỗi mừng của bà!
Đến ngày diễn, lúc đó đã 4 giờ chiều, tâm trạng lúc đó ai ai cũng hồi hộp. Nhiều người tập nhạc và lời đến quên ăn, quên ngủ, nhưng vẩn chưa dám tin ở mình. 6 giờ 30 tối, xe đưa đoàn văn công đến hội trường công an vũ trang tỉnh để chuẩn bị hóa, phục trang. Đúng 7 giờ tối, có tiếng còi ô tô, “Bác đến”- một đồng chí kêu lạc giọng. Cả đoàn như nín thở sau cánh gà nhìn dồn vào cửa hội trường.
Thật bất ngờ! Phút chốc Bác đã vào đến giữa hậu trường, ngay cạnh đoàn văn công, nhẹ nhàng như một ông tiên. Rất thoải mái, Bác giơ tay chào các cháu, thăm hỏi sức khỏe từng người, dặn hóa trang cho đẹp, diễn cho tốt… Hành động của Bác làm những lo lắng, hồi hộp của mọi người lắng xuống...
Lời giới thiệu tiết mục vang lên làm bà tôi lại bắt đầu hồi hộp. “Lúc đó bà hít sâu, cố lấy lại bình tỉnh. Bà nhìn khán giả, nhìn Bác, tự nhiên cảm thấy một luồng động viên to lớn lắm” - bà tôi kể lại với vẻ hồi hộp còn nguyên như mấy chục năm trước. Hôm ấy, bà dường như đã “mê” đi trong sự nhập vai đồng thời luôn tự nhắc mình cần phải “tỉnh” trong ý thức trách nhiệm nghệ thuật. Bằng cách diễn tình tứ, hơi ngập ngừng e lệ, trong sáng dí dỏm, một lúc diễn cả hai vai nam nữ, cô văn công ngày ấy vẩn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tiết mục hát ví phường vải làm Bác xúc động. Bác đã rút khăn tay chấm nước mắt khi nghe tiếng hát khơi gợi miền quê xa xưa của mình. Sau đó Bác nói với ông Nguyễn Sĩ Quế - Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An: “Nên khen cháu gái hát dân ca, vì ngày xưa người ta chỉ hát ví ở sân nhà, ngoài đồng, trên sông. Nay cháu đã mạnh dạn đưa lên sân khấu mà lại hát có tình có ý, nghe hay, có sáng tạo”. Bà tôi tự hào kể lại.
Chưa đầy một năm sau, mùa hè 1962, đoàn văn công Nghệ An ra Hà Nội tập huấn để dự hội toàn miền Bắc. Tại đây bà lại có cơ hội gặp được Bác lần nữa. Khi được biết đoàn được sắp xếp biểu diễn phục vụ Bác vở chèo “Cô gái sông Lam” thì tất cả mọi người run lên vì sung sướng. Không ai kêu ca nhọc nhằn, mệt mỏi vì đi đường xa nửa. Tất cả đều hăng say luyện tập trông chờ ngày gặp Bác.
Khoảng 5 ngày sau đó, xe đoàn văn công Nghệ An đến phủ Chủ tịch. Đây là lần đầu mọi người đến đây, mọi thứ đều hết sức mới lạ. Khi các văn công vào hóa trang, lại một lần nửa Bác làm mọi người bất ngờ. Bác đến sớm hơn thường lệ, vào thăm đoàn trước giờ diễn. Bác vui vẻ hỏi quê quán từng người, hóa giải không khí căng thẳng bằng những lời hỏi han, những câu đùa thân mật. Với anh Nghĩa, quê ở Nghi Lộc, Bác nhại tiếng địa phương: “Nghi Lộc à? Con méo! Con méo!” (con mèo ). Gặp anh Thái Quang Ngoạn - trưởng đoàn, quê ở Huế, Bác giả bộ lắc đầu: “Rứa là không phải Nghệ An bầy choa”. Mọi người cười rộ lên. Lúc đó Bác quay sang hỏi bà. Bà trả lời: “Cháu ở Vinh ạ”, Bác gật đầu, nhận ra cô gái hát dân ca ngày nào. Lúc đó bà đang bế cậu tôi, Bác âu yếm hỏi đùa: “Cháu này cũng đi biểu diễn à”. Rồi Bác dặn dò diễn cho hay, Bác sẽ ngồi xem đến hết.
Sau buổi diển, Bác chụp chung với đoàn văn công một bức ảnh làm kỷ niệm. Bác dặn các cán bộ phụ trách mời ăn bánh uống nước. Các đồng chí chân tình trò chuyện: “Các cậu là sướng nhất! Trước tới nay, nhiều đoàn vào phục vụ, nhưng vì tuổi cao, ít khi Bác xem quá 1 tiếng. Thế mà hôm nay Bác xem hơn 2 tiếng đồng hồ”. Chỉ từng ấy thôi, bao trái tim trong đoàn thổn thức, nhiều dòng nước mắt sung sướng và biết ơn dâng trào...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận