16/11/2011 04:50 GMT+7

Tài xế xe container mê vỏ xe... dễ nổ

Ông Thái Văn Chung
Ông Thái Văn Chung

TT - Theo nhiều chủ doanh nghiệp, tài xế xe container có nhiều thói hư tật xấu ảnh hưởng đến an toàn giao thông, nếu quản lý lỏng lẻo sẽ dẫn tới những hiểm họa cho xã hội.

Read this on Tuoitrenews.vn

54mQACWO.jpgPhóng to
Hàng trăm tiệm mua phế liệu như thế này luôn sẵn sàng đổi vỏ xe cho các tài xế xe container -Ảnh: BÁ SƠN

Sáng 12-11, chúng tôi theo xe của một doanh nghiệp tại Q.7 (TP.HCM) vận chuyển container từ Tân Cảng Cát Lái tới nhà máy ở Nhơn Trạch (Đồng Nai). Tuyến đường ngắn, xe chỉ có một tài xế, lơ xe được cho nghỉ để chúng tôi thế chân.

Tài xế bán gì cũng mua

"Do thiếu tài xế xe container nên các doanh nghiệp không dám sa thải tài xế yếu kém"

Tài xế Hải, 41 tuổi, có năm năm lái xe container. Ông Hải là người hiểu rất rõ về nghề. Xe vừa chuyển bánh, ông Hải nói ngay: “Tài xế xe container chúng tôi lao động trong điều kiện vất vả nhưng thu nhập chỉ 4-7 triệu đồng, không giữ được mình thì sinh ra nhiều “mánh” lắm. Trong đó táo tợn và nguy hiểm nhất là đổi vỏ xe. Cứ đi cùng tôi một ngày sẽ thấy hết”.

Khi xe bắt đầu vào đường Nguyễn Văn Linh, chúng tôi thấy dọc hai bên đường có hàng chục cửa hàng trưng bảng “thu mua phế liệu”, “mua dầu”... Tới xa lộ Hà Nội, đoạn từ cầu Rạch Chiếc tới cầu Đồng Nai, các cửa hàng “mua phế liệu” ngày càng dày đặc. Theo hướng chỉ của ông Hải, chúng tôi thấy hai chiếc xe container đậu trước cửa một cửa hàng mua phế liệu gần khu vực Suối Tiên. “Nói là mua phế liệu thế thôi, cửa hàng có thể “nuốt” trọn mọi thứ. Xăng dầu, vỏ lốp, gương chiếu hậu, hàng hóa... bất cứ thứ gì nếu tài xế bán. Cửa hàng này trước làm ăn ở cửa ngõ Bình Triệu, nay chuyển về đây, chuyên tiêu thụ đồ của giới tài xế xe container”.

Gần trưa, xe quay đầu ở quốc lộ 51(đoạn qua thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) để trở lại TP.HCM. Chạy được một đoạn, tài xế Hải cho xe dừng tại tiệm bơm bánh xe. “Bơm tất cả 95% nhé!” - ông Hải yêu cầu. Một thanh niên nhỏ thó gõ vào các bánh xe để kiểm tra. Vừa bơm hơi, anh ta vừa liếc nhanh hai chiếc vỏ treo dự phòng trên xe.

Không nhìn chúng tôi, người này ra giá: “Đổi vỏ đi, 4 chai”. “Vỏ mới, mua hơn 9 chai. 4 chai sao bán được” - ông Hải đáp. “Vỏ này dùng được 30% rồi, 4 chai thôi. Đồng ý thì vào xem hàng rồi đổi”. “Thay là thay thế nào, đi được một bữa đã nổ, về chủ xe biết thì chết”. Người thanh niên trấn an: “Yên tâm! Thay vỏ giống y chang vỏ này, không thể nào phát hiện được!”. Ông Hải tìm cách né: “Tôi chạy xe qua đây thường lắm. Giờ chưa “hỏa” (thiếu tiền), khi nào hỏa tôi ghé”.

Trong khi chúng tôi chờ bơm bánh xe, một xe container khác ghé vô tiệm, tài xế xuống xe không yêu cầu bơm hơi hay sửa chữa gì. Người thanh niên khi nãy nhanh nhảu ghé qua. Sau vài câu trao đổi ngắn, tài xế container đồng ý đổi vỏ với giá 3 triệu đồng. Cuộc tráo vỏ diễn ra chưa tới mười phút.

Chúng tôi quan sát trong tiệm có hàng trăm vỏ ôtô cũ được xếp thành tầng, những vỏ này chỉ chạy được vài lần là nổ, phải thay vỏ mới. Khi chúng tôi hỏi giá tiền bơm hơi 12 bánh xe, chủ quán nói: “Cho bao nhiêu thì cho”. Ông Hải nháy mắt giải thích những cửa hàng như thế này bơm bánh xe chỉ là trá hình, mục đích chính vẫn là đổi vỏ.

Từ cầm cuốc lên cầm lái

Theo ông Đoàn Minh Thành - giám đốc Công ty TNHH giao nhận vận tải Minh Thành (TP.HCM), hiện phần lớn lái xe container không được đào tạo bài bản, vốn xuất thân là thanh niên nông thôn có trình độ học vấn thấp theo làm lơ xe, sau khi đã quen việc thì thi lấy bằng lái xe hạng C, rồi thi lấy bằng lái xe hạng FC.

Ông Đặng Chí Cường - giám đốc Công ty Kiên Cường (Q.9, TP.HCM) chuyên cẩu xe tải, xe container bị tai nạn giao thông - cho biết phần lớn xe container bị lật hay gây ra tai nạn ở cầu vượt Cát Lái, cầu Sài Gòn và trên một số cung đường vì lái xe thiếu kinh nghiệm, không phải do cầu đường có vấn đề.

Trong khi đó, theo nhiều chủ xe, điều đáng sợ nhất là không ít lái xe trên tuyến đường Bắc - Nam dính vào ma túy. Đây là nguy cơ dẫn đến nhiều xe gây tai nạn giao thông.

Theo ông Thái Văn Chung - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, muốn quản lý chặt chẽ giới tài xế trước hết cần đảm bảo tốt nguồn đào tạo. TP.HCM hiện có khoảng 10.000 xe container và 10.000 tài xế có bằng FC. Về lý thuyết, số tài xế và số xe có vẻ ngang bằng, nhưng thực tế TP.HCM đang thiếu tài xế container trầm trọng.

Việc mỗi xe chỉ có một tài xế chạy liên tục là không đảm bảo an toàn, khó tránh khỏi tình trạng giao xe cho phụ xe chưa có bằng lái. Do thiếu tài xế container nên các doanh nghiệp không dám sa thải tài xế yếu kém.

“Hiện nhiều tài xế chưa có bằng FC nhưng làm giả bằng và hồ sơ khi xin vào công ty để lái container. Trước khi tuyển tài xế, các doanh nghiệp cần mang hồ sơ tới Sở Giao thông vận tải đối chiếu để tránh bị lừa” - ông Chung cảnh báo.

Đưa tên lái xe ẩu lên mạng

Theo ông Đặng Chí Cường, để tránh được tai nạn giao thông, việc tuyển dụng lái xe có kinh nghiệm là quan trọng nhất. Ông Cường cho biết nhằm loại trừ những lái xe ẩu, có nhiều thói hư tật xấu, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã đưa danh sách tên tuổi của các lái xe này lên mạng của hiệp hội, thông tin cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp từ chối nhận những lái xe này.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - phó giám đốc Công ty cổ phần Ôtô số 2 - cho rằng cần gắn hộp đen trên xe, điều này tạo điều kiện cho các chủ xe theo dõi sát tuyến hành trình của xe. Đây cũng là giải pháp hạn chế chuyện lái xe tốn thời gian ăn nghỉ ở “phòng nhì”, sau đó họ đua tốc độ bù thời gian đã mất. Công ty cổ phần Ôtô số 2 thường xuyên phổ biến về việc lái xe gây tai nạn và cả những thói hư tật xấu như một cách nhắc nhở mọi người tránh sai phạm.

Ông Đoàn Minh Thành và ông Đặng Chí Cường đều nói để xảy ra tai nạn giao thông thì trách nhiệm trước hết là chủ xe. Chủ xe cần phải nắm vững lý lịch từng tài xế, không nên khoán tiền lương cứng nhắc, phải bảo đảm thu nhập cho họ. Không thể chấp nhận một người ở nông thôn mới lên TP làm lơ xe chưa xong, chưa đọc nổi biển báo giao thông, chưa có kinh nghiệm nhưng lại được giao lái xe có tải trọng lớn như xe container.

Hai ông còn đề nghị cần xem lại việc cấp bằng lái xe hạng FC hiện quá dễ dàng, siết lại quy định cho thi cấp bằng lái hạng FC và cần dạy dỗ kỹ hơn về đạo đức lái xe trong các chương trình đào tạo lái xe.

Phải phạt nặng người uống rượu bia gây tai nạn giao thông

Tại hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ uống rượu bia do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức ngày 15-11, nhiều ý kiến cho rằng cần xử phạt nghiêm khắc những người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia.

Ông Đặng Thanh Sơn, giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), đề nghị bổ sung vào luật theo hướng tăng các hình phạt tù giam, thực hiện tước bằng lái vĩnh viễn đối với các tài xế uống rượu bia gây tai nạn, đồng thời bổ sung chế tài hình sự cả với hành vi say rượu điều khiển xe đạp, xe thô sơ gây tai nạn nghiêm trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, phải có các biện pháp hiệu quả cao trong kiểm soát rượu bia để đảm bảo sức khỏe người dân. “Nên làm từ gốc để hạn chế, còn kiểm tra lái xe sử dụng rượu bia chỉ là ngọn vì không đủ cảnh sát, phương tiện để ngăn chặn, kiểm soát ngoài đường” - ông Tiên nói.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), cho biết tai nạn do vi phạm nồng độ cồn chiếm gần 6% tổng số vụ tai nạn giao thông. Ngoài ra, sử dụng rượu bia khi cầm lái còn dẫn đến nhiều hành vi vi phạm như đi sai làn đường, tránh vượt sai quy tắc, quá tốc độ, chống người thi hành công vụ. CSGT cũng gặp những khó khăn trong xử lý như chưa có quy định bắt buộc người vi phạm phải thử máu nếu họ không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn qua khí thở.

Ông Thái Văn Chung
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên