20/02/2017 13:25 GMT+7

Tại sao phải “đòi” hộ khẩu?

Luật gia PHẠM VĂN CHUNG
Luật gia PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Vừa qua, làm việc với Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã lên tiếng về việc đòi hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, chuyên gia giỏi.

Trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến tham gia tranh luận về vấn đề này, trong đó đa số đều đồng tình nên bỏ điều kiện về hộ khẩu không chỉ trong tuyển dụng công chức, viên chức mà còn ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Thực tế hiện nay, không chỉ riêng tuyển dụng công chức, viên chức, thu hút chuyên gia giỏi đòi hộ khẩu mà vẫn còn nhiều cơ quan, tổ chức vẫn đòi hộ khẩu trong các lĩnh vực khác như lắp đặt điện sinh hoạt, sử dụng nước sạch, mắc điện thoại cố định, thậm chí một số tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp cũng đòi phải có hộ khẩu, ưu tiên cho người có hộ khẩu ở thành phố...

Đối với các thủ tục hành chính thì việc yêu cầu phải có hộ khẩu khi thực hiện các giao dịch là khá phổ biến như thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch, vay vốn ngân hàng, hồ sơ, lý lịch...

Có thể nói việc lạm dụng hộ khẩu một cách thái quá trong các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống xã hội là chưa hợp lý.

Theo quy định hiện hành, việc quản lý dân cư được thực hiện theo quy định của Luật cư trú. Luật này quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Việt Nam.

Song song với quyền tự do cư trú thì công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, quy định này rất cụ thể, rõ ràng tại khoản 1 điều 35 Hiến pháp năm 2013.

Vì thế, không thể tách rời quyền tự do cư trú với quyền có việc làm, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân.

Hơn nữa, hiện nay thẻ căn cước công dân (thay thế CMND) đã có thông tin về nơi thường trú của công dân.

Theo lộ trình, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, quy định này chậm nhất từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Có lẽ vì thế cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội đã nhận thấy những bất cập, lỗi thời trong việc quản lý dân cư bằng hộ khẩu, xác nhận hộ khẩu khi quyết định thông qua Luật căn cước công dân.

Như vậy, tương lai không xa, chỉ vài năm nữa là sẽ tiến tới bỏ hoàn toàn hộ khẩu (1-1-2020) trên phạm vi toàn quốc.

Cơ sở pháp lý đã có và rất rõ ràng, đầy đủ, do đó từ bây giờ các cơ quan chức năng cần xem xét bãi bỏ ngay điều kiện phải có hộ khẩu trong một số trường hợp không cần thiết, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Điều này không những nhằm loại bỏ lực cản, chướng ngại đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, thủ tục cho người dân, tổ chức, mà còn tạo điều kiện góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập thế giới.

Luật gia PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên