08/04/2017 19:14 GMT+7

Tại sao hiện nay dòng sách về tình báo Việt thiếu vắng?

LUCY NGUYỄN
LUCY NGUYỄN

TTO - Từ 20 năm trước, sách tình báo trong nước và của các nước Đông Âu đã chinh phục độc giả Việt qua các tác phẩm Ván bài lật ngửa, Ông cố vấn, X30 phá lưới… nhưng sách tình báo Việt Nam vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Bìa sách Ông cố vấn

Cần phát triển dòng sách tình báo

Trong lễ ra mắt sách Người tình báo thầm lặng (NXB Hội Nhà Văn) của tác giả Tống Quang Anh, nhà văn Cao Sơn cho biết: “Sách tình báo trước đây thường viết theo kiểu một chiều, tuy không sai nhưng chưa có sự băn khoăn. 

Cuốn Người tình báo thầm lặng đã gửi gắm được nhiều thông điệp rất có giá trị của nhà tình báo chiến lược - cụ Hai Tỷ, chẳng hạn “Chết thì dễ, sống mới khó”, hoặc sự tự hào rất nhân văn của nhân vật sau khi chiến tranh kết thúc là: đã không trực tiếp bắn ai”.

Nhà văn Nông Huyền Sơn cũng nhận xét: “Nghề tình báo Việt Nam là một nghề rất đau xót, khó khăn vì phần lớn các nhà tình báo chiến lược được tung đi hoạt động ở các nơi trong tình trạng tay trắng, tự xây dựng cơ sở, mất nhiều công sức và thời gian, có khi hàng chục năm trời. Nếu hi sinh, người làm tình báo Việt cũng khó được tôn vinh vì nhiều lý do bảo mật, không được công bố. Đó là một sự hi sinh cao cả”.

Người tình báo thầm lặng xoay quanh cuộc đời phi thường của Tống Văn Trinh - một chiến sĩ quân báo thời kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp. 

Khi đất nước bị chia cắt, người chiến sĩ quân báo này được tập kết ra miền Bắc, sau đó gia nhập Cục 2, được huấn luyện trở thành người tình báo chiến lược với mật danh N113, lăn lộn hoạt động nằm vùng tại Lào suốt 17 năm, đóng góp rất nhiều công sức vào các chiến dịch quan trọng như chiến dịch cánh đồng Chum…

Tác giả Tống Quang Anh cho biết cuốn sách ở dạng truyện ký này được viết dựa trên 30% hồi ký của cha mình cùng những tài liệu đã được công bố. Tuy nhiên bản thảo đã hoàn tất 5 năm mới được xuất bản.

Dòng sách về tình báo rất có giá trị, nên xuất bản nhiều hơn để thấy được sự tài trí của người Việt trong những hoàn cảnh nghìn cân treo sợi tóc. Mặt khác, bản thân các tình tiết, câu chuyện trong các dạng sách này đều bắt nguồn từ những chất liệu thực rất độc đáo, mà ngay cả nhà văn cũng không thể tưởng tượng ra nổi.

Nhà thơ Lê Minh Quốc

Ít và hiếm do đâu?

Trước kia có: Viên đạn ngược chiều (tác giả Nguyễn Sơn Tùng), Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn (tác giả Văn Phan), Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý - tức Trần Bạch Đằng), Ông cố vấn -hồ sơ một điệp viên (tác giả Hữu Mai) nói về anh hùng Vũ Ngọc Nhạ, X30 phá lưới (tác giả Đặng Thanh), Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt (tác giả Phạm Thắng)…

Và gần nhất đây là Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo (tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải)...

Trong đó có không ít tác phẩm đã được chuyển thể làm phim và rất thành công, được khán giả yêu thích như Ván bài lật ngửa, Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên…

Nhiều độc giả khi được hỏi đều cho rằng rất cần dạng sách viết về những người tình báo Việt Nam, vì khi xuất bản sách về chính sử, độc giả mới chỉ biết cái bề nổi, chưa hiểu được những cái đau đáu, khó khăn, đấu trí, dũng cảm của người làm tình báo và các cộng sự…

Bìa sách Ván bài lật ngửa

Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng xác nhận tiểu thuyết tình báo ở nước ta thực sự rất ít.

Và thường xảy ra hai trường hợp sau: khi viết về phía bên kia, ưu điểm là có nhiều tư liệu để hư cấu, vì vậy nhà văn có thể mạnh tay hơn.

Tuy nhiên khi viết về các tình báo phía bên mình, có thể do tư liệu được công bố chừng mực nào đó nên độc giả cảm thấy chưa thích thú lắm, chưa hài lòng lắm khi muốn tìm hiểu thêm về nhân vật nhưng vẫn có cảm giác thiêu thiếu, chưa trọn vẹn.

Cũng theo nhà thơ Lê Minh Quốc, Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên vẫn là tác phẩm hay nhất trong dòng tình báo Việt Nam.

Bìa sách Phạm Xuân Ẩn
Cái khó của một cuốn sách viết về đề tài tình báo là làm sao cân bằng được tính lịch sử và tính văn chương. Nếu trả giá trị thật của lịch sử, tác phẩm lại dễ bị chê là khô cứng và thiếu tính văn học.
Nhà văn Nông Huyền Sơn

Tiến sĩ ngữ văn Hà Thanh Vân cũng thừa nhận dòng sách tình báo có giá trị riêng và cho thấy hoàn cảnh lịch sử, số phận con người cùng với sự thông minh, tài trí của người Việt.

Tuy nhiên bà cũng cho rằng những cuốn viết về người thật việc thật như Ông cố vấn sẽ thuyết phục được người đọc hơn là những cuốn hư cấu.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đánh giá những tác phẩm tình báo xưa, lừng lẫy một thời như Viên đạn ngược chiều, X30 phá lưới, Ván bài lật ngửa... có thể xem là kinh điển cho dòng sách tình báo Việt.

Còn các tác phẩm tình báo gần đây được nhà thơ đánh giá là quá nghiêng về tư liệu, khiên cưỡng địch - ta và bút pháp khô cứng, không uyển chuyển và hấp dẫn.

Sách Điệp viên hoàn hảo

Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng cho rằng dòng sách tình báo bao giờ cũng hấp dẫn, lôi cuốn người đọc vì tình tiết bất ngờ, tình huống gay cấn ly kỳ, đề cao vai trò thông minh, can đảm, biến hóa của nhân vật chính.

“Tuy nhiên, bối cảnh xã hội đã khác. Các nhà văn bị thử thách, choáng ngợp vì việc mở rộng các nguồn thông tin, nên việc viết khó còn suy diễn thô sơ, bịa tạc, thiếu khoa học”.

Khi được hỏi về lượng phát hành dòng sách tình báo, bà Phạm Thị Hóa - phó tổng giám đốc Công ty Fahasa - xác nhận dòng sách này trước đây bán rất tốt, nhưng giờ ít ai viết. 

Cũng có không ít ý kiến của giới chuyên ngành cho rằng việc bị hạn chế công bố các tư liệu về những nhà hoạt động tình báo gây khó khăn không ít trong việc tìm kiếm tư liệu viết sách, và có viết cũng khó có sách hay.

Có lẽ đây cũng là lý do để cuốn Điệp viên hoàn hảo của tác giả Larry Berman thành công với nhiều tư liệu về nguyên mẫu nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.

 

LUCY NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên