Phóng to |
Khâu yếu là ở con người...
Trên thế giới người ta đưa ra dự báo bão trên 72 giờ với sai số về quĩ đạo khoảng 200-300km tương đương đường kính trung bình vùng có gió bão (trên cấp 7). Theo từng mô hình dự báo riêng rẽ ở Việt Nam với hạn 48 giờ trở lên sẽ cho sai số lớn, song nếu ta sử dụng tổ hợp các mô hình dự báo khác nhau (thống kê, số trị...) thì sai số chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của dự báo viên. Vì vậy, không thể nói ta chỉ dự báo được chính xác cho 24 giờ và từ 48 giờ trở lên là có sai số lớn. Tuy nhiên với trình độ hạn chế của người đưa ra dự báo thì phát ngôn trên là có cơ sở.
Một điều phải khẳng định rằng tin dự báo luôn được cập nhật, vì vậy đưa ra dự báo trên 48 giờ vẫn là yêu cầu hết sức cần thiết, những yêu cầu điều chỉnh sẽ dẫn ra trong các dự báo tiếp theo, vì vậy sai số chung sẽ không gây hậu quả xấu mà chỉ làm tốt thêm thôi.
Thông tin dự báo bão chính thức của Mỹ, do Trung tâm hỗn hợp cảnh báo bão (JTWC) thực hiện, phục vụ cho tây Thái Bình Dương với sai số dự báo bốn ngày là 240km, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo. Mặt khác, nói chỉ dự báo 24 giờ, theo tôi, là một dạng ngụy biện dựa vào cơ sở của qui chế dự báo bão hiện hành.
Điều chúng ta có thể thấy rõ nhất là trình độ hạn chế trong việc đưa ra dự báo. Các cơ sở vật chất và thông tin hiện có ở ta không quá thiếu mà khâu yếu là ở con người, không có nhận thức đầy đủ và thiếu sự phối hợp giữa nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ theo định hướng phục vụ các đối tượng dự báo, nghĩa là chúng ta chỉ mới xác định được một đối tượng dự báo quan trọng là vùng duyên hải (tuy vẫn chưa đảm bảo) mà quên các hoạt động trên biển Đông.
Có lẽ cũng do xuất phát từ nhận thức phiến diện về phạm vi phục vụ mà lâu nay nước ta vẫn chưa có được một hệ thống thông tin dự báo biển Đông liên kết mật thiết mạng lưới quan trắc, thu thập, lưu trữ và phân tích số liệu khí tượng - hải văn đáp ứng yêu cầu monitoring (quan trắc, kiểm soát môi trường), dự báo và hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Điều đáng nói là trong khi xây dựng các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ biển, các cấp quản lý chưa nhìn nhận đúng vai trò của các nhiệm vụ phát triển kinh tế, điều tra khảo sát, monitoring môi trường và dự báo biển nên dẫn đến hiệu quả đầu tư của Nhà nước vào lĩnh vực này chưa cao.
Công việc trước mắt là VN cần hình thành một hệ thống thông tin dự báo bão biển Đông theo chuẩn khu vực, cung cấp các thông tin dự báo phục vụ đại chúng và theo yêu cầu của các ngành hải sản, giao thông vận tải, quốc phòng - an ninh, tìm kiếm cứu nạn và hoạt động kinh tế trên biển Đông. Đây là yêu cầu tối thiểu đảm bảo phát triển bền vững, đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển.
Cần xây dựng qui trình dự báo cảnh báo bão đáp ứng yêu cầu ngày một phát triển của đất nước như một quốc gia mạnh về biển, trên cơ sở khai thác nội lực và hợp tác quốc tế và khu vực. Xác định mục tiêu, nội dung hình thức và trách nhiệm cung cấp, khai thác và phổ biến thông tin của các bên liên quan trong việc triển khai và hưởng lợi từ qui trình này.
Từng bước đưa một số mô hình tiên tiến về dự báo bão nhằm triển khai cảnh báo, dự báo bão cho biển Đông và tây Thái Bình Dương; tạo điều kiện để nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương pháp tính toán dự báo các tác động của bão lên môi trường, kinh tế - xã hội trên biển và đất liền, phục vụ giảm thiểu tác hại của thiên tai.
Phóng to |
Máy ICOM có đáng tin cậy?
Mỗi khi ra khơi, phương tiện liên lạc giữa ngư dân trên tàu đánh cá với đất liền chủ yếu thông qua máy bộ đàm vô tuyến ICOM. Chiếc máy này gắn trên tàu, được kết nối với một trong các đài thu - phát sóng có công suất lớn thuộc hệ thống thông tin duyên hải VN hoặc với máy ICOM công suất nhỏ (150W-200W) của ngư dân đặt tại nhà trên đất liền.
Nhà nước đã đầu tư xây dựng mạng thông tin duyên hải với sáu đài thu phát có công suất lớn (vài kW) và một số đài nhỏ dọc bờ biển, cung cấp các thông tin khí tượng thủy văn và dịch vụ cho các tàu xa bờ hàng ngàn kilômet như đài Bạch Long Vĩ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, TP.HCM, Cần Thơ.
Về mặt kỹ thuật, máy ICOM là loại máy thu phát đơn biên (SSB_Single Side Band), sóng ngắn (SW), do Nhật sản xuất, được dùng phổ biến tại VN. Trong điều kiện thời tiết tốt, hướng ăngten phù hợp... thì loại máy này có thể truyền tải thông tin đi rất xa, khoảng cách có thể lên đến hàng nghìn kilômet nhờ cơ chế phản xạ nhiều lần của sóng vô tuyến từ khí quyển trái đất. Ngoài ra, máy ICOM có nhiều chế độ hoạt động khác nhau, trong đó có cả chế độ thu được tín hiệu AM phát trên dải tần sóng trung (MW), sóng ngắn (SW) của Đài Tiếng nói VN phủ sóng rộng trong khu vực.
Phóng to |
Máy ICOM đặt tại nhà của ngư dân: chất lượng liên lạc phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết - Ảnh: Đ.NAM |
Do vậy, ngoài hệ thống thông tin duyên hải hiện có, cần kết hợp thông tin chặt chẽ với hệ thống phát thanh trên sóng ngắn có công suất lớn, ổn định, sẵn có của Đài Tiếng nói VN và xem đây như là một kênh thông tin thứ hai. Ngoài ra, có thể nâng cao công suất phát, lợi dụng ưu thế độ lợi ăngten để điều chỉnh hướng ăngten của đài tiếp âm Tiếng nói Việt Nam ra biển thay vì hướng vào sâu trong đất liền, nhằm mở rộng vùng phủ sóng cho ngư dân và hải đảo trong trường hợp cấp thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận