16/10/2016 12:17 GMT+7

Tại sao có phong trào “nói là làm”?

VŨ VIẾT TUÂN 
- DIỆU NGUYỄN ghi
VŨ VIẾT TUÂN 
- DIỆU NGUYỄN ghi

TTO - Việc một bạn trẻ mang xăng đốt trường học ở Khánh Hòa chỉ vì sự thách thức của những cái like trên mạng vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tiêu cực trong thế giới mạng.

Biếm

Các cháu không hư, các cháu chỉ lúng túng trong cách nhìn về phía trước, cách tìm con đường đi. Các cháu luôn sợ bị cha mẹ mắng, thầy cô phạt... nên các cháu sẵn sàng làm bừa theo bản năng, bất chấp lý trí để chứng tỏ mình không sợ nữa. Khi đó các cháu không làm chủ được mình nữa

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Tại sao có những hành động lạ lùng đó?

Tại sao không có phong trào “nói là làm” với những hành động thiết thực, ý nghĩa, nhân văn mà lại là “nói là làm” bốc đồng, gây nhiều hậu quả? Phải chăng bây giờ giới trẻ ảo hơn, bị mạng xã hội chi phối luôn cả đời thực, thậm chí bị đẩy đến những hành động điên rồ?

* TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh (chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con):

Mạng ảo nhưng ảnh hưởng tâm lý là thật

Thời đại truyền thông và công nghệ thông tin phát triển đem lại cho con người nhiều tiện ích, nhiều cách kết nối cộng đồng và thể hiện mình, đặc biệt là các mạng xã hội.

Nhưng cũng chính vì thế, chưa bao giờ sự cô đơn của con người lại bộc lộ rõ thế. Con người khao khát được biết đến, được là tâm điểm chú ý của cộng đồng, dù chỉ trong thế giới ảo.

thuyanh
Bà Nguyễn Thụy Anh

Bên cạnh cảm thức cô đơn và mong muốn được chú ý thì đối với một bộ phận người trẻ, sống thiếu mục đích, thiếu hoạt động thực tế, cuộc sống trở nên buồn tẻ đến mức cần những cú sốc nho nhỏ, một việc làm điên rồ nào đó.

Đó có thể là lý do khiến họ làm những việc từ bốc đồng đến mất cả kiểm soát lý trí như thách nhau ăn mì cay cấp độ cao, nhảy cầu khi dòng trạng thái trên Facebook đạt được lượng “like” khó tin.

Đối mặt với hiện tượng nguy hiểm này, tôi nghĩ cần quan tâm hơn đến những sân chơi lành mạnh cho tuổi mới lớn và giới trẻ, cân đối việc học hành và giải trí, tăng cường thiết kế những hoạt động chuyên môn, hoạt động xã hội đáp ứng nhu cầu khác nhau của người trẻ, giúp họ sống hết mình, hạn chế việc phụ thuộc vào cuộc sống trên mạng.

Mạng là ảo nhưng ảnh hưởng tâm lý là thật. Nếu chưa được học những bài học cụ thể về ứng xử và xử lý thông tin nhận được qua mạng xã hội thì những chia sẻ, những cái “like” của mình cũng có thể gây hại.

TS Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội):

Sức ép từ cộng đồng ảo dẫn đến hành động thật

Xét từ góc độ tâm lý, có lẽ hiện tượng này bắt nguồn từ việc các em muốn được chú ý, muốn được quan tâm nhiều hơn.

Bởi trong cuộc sống hằng ngày các em thiếu sự quan tâm của những người xung quanh như cha mẹ, thầy cô... nên các em muốn làm một cái gì đó để tạo sự chú ý, tạo sự nổi bật của mình.

Một lý do khác là kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội hay nói cách khác là kỹ năng sống trong thế giới ảo của các em chưa được trang bị. Ngay cả người lớn không phải ai cũng sẵn sàng để ứng xử đúng mực trên mạng xã hội.

thu hong
TS Khuất Thu Hồng

Mạng xã hội là những mối quan hệ có vẻ là ảo, nhưng mà hậu quả để lại thì rất thật. Các em nghĩ rằng các ứng xử của mình trên mạng xã hội không gây nguy hiểm gì cả, chỉ để gây sự chú ý cho bản thân mình, là một trò vô thưởng vô phạt.

Nhưng điều đó lại dẫn đến việc chính các em bị cộng đồng ảo tạo một sức ép dẫn đến phải hành động như lời em cam kết.

Việc chúng ta phản ứng như thế nào trước những thông tin trên mạng rất quan trọng. Đã đến lúc cần đặt ra câu chuyện về cách ứng xử trên mạng xã hội. Việc like, bình luận cổ xúy một cách thiếu trách nhiệm với những dòng trạng thái có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhưng nhiều người lại không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng đó.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất:

Các cháu rất cô đơn

Các cháu bây giờ rất nhiều lúc cô đơn, ngay trong gia đình mình. Ở trường cô giáo, thầy giáo cũng chỉ hay để ý chuyện giáo dục tri thức cho các cháu, còn việc giáo dục kỹ năng sống và đạo đức thì các cháu thiệt thòi quá. Ít người quan tâm đến các cháu.

an hcta
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất

Ngoài xã hội, các cháu cũng không được bao nhiêu người quan tâm một cách nhẹ nhàng, âu yếm, thân thiện với các cháu để dẫn các cháu đi những con đường đẹp đẽ trong lúc thông tin đa dạng, đa chiều, đa sắc màu như thế này.

Hơn nữa các cháu đang tuổi tò mò, ham hiểu biết, muốn hãnh diện với mọi người, muốn thể hiện mình với cộng đồng, đặc biệt với bạn đồng trang lứa.

Không có chỗ để chia sẻ, các cháu phải theo nhau trên mạng xã hội. Thường thì trên mạng xã hội các cháu lại tiếp thu mặt tối rất nhanh nên dễ đi theo những điều đó nếu không có người phân tích, hướng dẫn.

Một phần nữa, các gia đình Việt Nam thường khen con ngoan, biết vâng lời, nhưng đó thực chất là dạy các cháu cách làm “nô lệ”, nên khi được tiếp xúc với những mảng tối, các cháu dễ bị cuốn theo và làm theo.

Trương Thị Bích Phượng (28 tuổi):

Trẻ mới lớn rất coi trọng lời hứa

Rõ ràng đây là những câu chuyện đau lòng. Phần lớn các bạn đáng thương hơn đáng trách, do nhận thức của các bạn chưa phân biệt được tốt xấu, đúng sai.

Ở lứa tuổi này cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm vì thế các bạn thường rất quan tâm, phụ thuộc vào nhận xét, thái độ của người xung quanh.

Nhiều trường hợp các bạn ý thức được lời nói, hành động của mình là sai nhưng do rất coi trọng lời hứa, danh dự nên các bạn “nhắm mắt làm liều”.

Bich phuong
Chị Trương Thị Bích Phượng

Ở độ tuổi mới lớn, người lớn cần để ý các bạn chơi với những bạn bè nào, vì đây là độ tuổi dễ ảnh hưởng theo kiểu “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Người lớn cũng cần chia sẻ cho các bạn hiểu có nhiều cách để thể hiện bản thân, tuyệt đối không thích gì nói đó tùy tiện.

Chúng ta cũng phải thường xuyên nhắc nhở mạng xã hội có nhiều mặt, tuyệt đối không tin theo lời khiêu khích của người khác, dù quen biết hay xa lạ.

Mai Đoàn Hoàng Long (24 tuổi):

Do ảnh hưởng cái xấu của tập thể

Theo tôi, điều đầu tiên phải nói đến là tính bốc đồng của tuổi trẻ, hẳn là điều này liên quan đến việc giáo dục. Hoặc các bạn không được đi học, không có được môi trường giáo dục tốt từ gia đình.

Điều thứ hai là cái giá để nổi tiếng là quá rẻ, có người lên mạng làm trò hề là được nổi tiếng, nên mọi người thi nhau làm lố.

hoang long
Mai Đoàn Hoàng Long

Trong chương trình “The amazing Spider Man”, có nhân vật phản diện, ban đầu là người tốt nhưng vì muốn được công nhận, muốn chứng minh sự tồn tại của mình, nhân vật bắt đầu thay đổi, việc làm có thể là không xấu, nhưng mang tính tiêu cực nhiều, gây sự chú ý.

Giới trẻ hiện nay cũng vậy, một cái post phân tích hẳn là ít like hơn so với một cái clip làm lố. Tôi nghĩ do yếu tố tâm lý, một phần do bạn bè xung quanh tác động khiêu khích nên dẫn đến hành động vậy.

Đây chỉ là nhu cầu cuối trong tháp nhu cầu của con người - muốn chứng tỏ bản thân. Chính vì vậy, đánh giá một cá nhân không hoàn toàn đúng mà có phần do một tập thể xấu.

VŨ VIẾT TUÂN 
- DIỆU NGUYỄN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên